Vòi 'bạch tuộc' tín dụng đen (Kỳ 2): Lãi suất 'cắt cổ' của Nhất Tín Phát Gia Lai

(PLO) - Hoạt động cho vay nặng lãi trá hình trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có nhiều biến tướng, lôi kéo, dụ dỗ những người khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng nói, những vụ án gần đây được lực lượng chức năng triệt phá, hầu hết các đối tượng đều từ phía Bắc vào. 
Cơ quan công an làm việc với các đối tượng cho vay nặng lãi tại Cty Nhất Tín Phát

Cho vay với lãi suất 144%/năm

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi gồm: Đặng Bá Tùng (SN 1993, ngụ xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh), Lê Văn Thạch (SN 1985, ngụ xã Tam Xá, huyện Đông Anh), Vương Quốc Tuấn (SN 1986, ngụ phường Cống Vị, quận Ba Đình), Trần Quốc Điệp (SN 1981, ngụ phường Kim Mã, quận Ba Đình), Nguyễn Đức Quân (SN 1992, cùng ngụ tại Hà Nội), Nguyễn Bá Duy (SN 1998, ngụ huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) và Vũ Xuân Toàn (SN 1998, ngụ phường Đống Đa, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Trước đó, ngày 13/12, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại 4 địa điểm liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai (gọi tắt là Cty Nhất Tín Phát) gồm: 95 Lê Duẩn, 368 Phạm Văn Đồng, 368A Phạm Văn Đồng (cùng ở TP.Pleiku) và 863A Hùng Vương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê).

Tại số 368A Phạm Văn Đồng và 95 Lê Duẩn, lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Tùng và Thạch (cả 2 đều làm quản lý) cùng Duy, Toàn, Tuấn, Điệp đang cho khách hàng vay tiền. Qua đấu tranh, lực lượng công an tiếp tục khám xét khẩn cấp nhà ông Vũ Thế Trưng (SN 1972, cha ruột của Toàn) tại số 368 Phạm Văn Đồng.

Từ kết quả bắt quả tang các đối tượng nêu trên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiến hành khám xét khẩn cấp tại số 863A Hùng Vương ở thị trấn Chư Sê. Tại các địa điểm trên, lực lượng chức năng thu giữ nhiều sổ sách, giấy tờ thể hiện hoạt động cho vay lãi nặng của Cty Nhất Tín Phát. Một số tang vật là xe máy được cầm cố, các giấy tờ bản gốc của người đi vay tiền. 

Qua khai thác nhanh sổ sách, tài liệu theo dõi việc cho vay, thu lãi hàng ngày cùng lời khai của các đối tượng, bước đầu cơ quan chức năng xác định Cty Nhất Tín Phát hoạt động chính là cho vay với lãi suất 4.000đ/triệu/ngày, tương đương 0,4%/ngày, 12%/tháng, 144%/năm. Thống kê ban đầu cho thấy, đã có hàng ngàn bị hại là nạn nhân của nhóm đối tượng này. 

Thủ đoạn của các đối tượng là núp bóng việc mua bán, cho thuê ôtô, xe máy. Ước tính tổng số tiền thu lợi bất chính tại những địa điểm này lên đến hàng tỷ đồng. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, Cty Nhất Tín Phát có nhiều địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Đăk Lăk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam…

Cũng liên quan đến tín dụng đen, Đại tá Phan Thanh Tám - Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, mới đây, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện Cty Cổ phần xây dựng Thành Nam, chi nhánh Gia Lai (trụ sở ở đường Tăng Bạt Hổ, TP.Pleiku) có nhiều hoạt động nghi vấn. Cty xây dựng này thực chất là bình phong của Tập đoàn tài chính Nam Long tại TP.HCM cùng với nhóm đối tượng trú ở tỉnh Thanh Hóa.

Qua điều tra cho thấy, nhóm đối tượng này đã tổ chức hoạt động ra nhiều địa phương rồi tiến hành hoạt động cho vay với lãi suất cao. Cty này có 25 cơ sở tại 23 tỉnh, thành trong cả nước. “Qua kiểm tra phát hiện 5 đối tượng của Cty ở Gia Lai đã tiến hành cho vay lãi cao khoảng gần 4 tỷ đồng”, Đại tá Tám cho biết.

Cũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, qua tin báo của quần chúng về một nhóm thanh niên từ phía Bắc vào có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi tại 24 Ung Văn Khiêm (phường Phù Đổng, TP.Pleiku), khuya ngày 6/11, Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Pleiku đã kiểm tra hành chính và phát hiện có 3 đối tượng và 100 tờ quảng cáo với nội dung “cho vay họ góp 0965.xxx.xxx”. 

Đội Cảnh sát hình sự đã đưa 3 đối tượng trên về trụ sở làm rõ, qua đó xác định 3 đối tượng gồm: Đặng Hữu Quyết (SN 1992), Nguyễn Đình Tuấn (SN 1994) và Nguyễn Thái Hưng (SN 1996, cùng ngụ TP.Hải Phòng).

Từ tháng 10/2018, các đối tượng này từ Hải Phòng đến TP.Pleiku cư trú tại 24 Ung Văn Khiêm để hoạt động cho vay không thế chấp tài sản. Cụ thể, các đối tượng đã cho 8 người dân trên địa bàn TP.Pleiku vay với số tiền 5 triệu đồng/người, lãi suất 20%/tháng. 

Lách luật bằng cách không ghi lãi suất

Theo Công an tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh này hiện có 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao với trên 9.000 người vay. Tình trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp nhất ở các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một khi đã dính vào tín dụng đen thì người vay, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất dẫn đến ngày càng nghèo đói.

Các tài liệu liên quan đến nhóm đối tượng cho vay nặng lãi tại Cty Nhất Tín Phát

Hoạt động cho vay nặng lãi phổ biến như vậy, nhưng việc xử lý là rất khó. Hầu hết các vụ mà cơ quan điều tra nắm được chưa đủ cơ sở để khởi tố hình sự về hành vi cho vay nặng lãi. Theo quy định, để xử lý hình sự thì phải xác định được đối tượng cho vay mức lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất Nhà nước quy định. Cụ thể, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương 1,7%/tháng và chứng minh được có tính chất bóc lột trong cho vay.

Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai, hiện nay việc cho vay tự phát ở các địa phương được các chủ nợ làm rất tinh vi để lách luật. Hầu hết việc vay mượn đều thông qua thỏa thuận miệng, giấy nợ không ghi rõ ràng nên rất khó xử lý. Thậm chí các đối tượng cho vay không ghi tỷ lệ tiền lãi trong giấy ghi nợ. 

Chẳng hạn, khi cho người dân vay 10 triệu đồng trong vòng 1 tháng lãi 30.000 đồng/ngày, sau 1 tháng là 900.000 đồng, chủ nợ sẽ ghi giấy nợ 10,9 triệu đồng. Với lãi cao là 50.000 đồng/ngày, chủ nợ sẽ ghi nợ 10 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho người vay 8,5 triệu đồng; hoặc ghi 11,5 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho người vay 10 triệu đồng.

“Sự việc khó xử lý vì hợp đồng này là dân sự, do vậy trước mắt chỉ khuyến cáo người dân cẩn trọng trong lúc vay. Các cấp ủy, chính quyền không quan tâm giải quyết vấn đề này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự nông thôn. Bởi trong trường hợp chủ nợ không thu hồi được nợ sẽ thuê các đối tượng đòi nợ thuê, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, Thượng tá Sơn nói.

Được biết, ngày 3/7, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương về việc ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban ngành tăng cường quản lý các giao dịch mua bán hàng hóa, nông sản, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc sang nhượng đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là trong vùng đồng bào DTTS; rà soát số đối tượng môi giới cho người dân vay lãi suất cao, đặc biệt là người dân tộc thiểu số bằng hình thức ép giá nông sản, lừa đảo mua bán, sang nhượng đất đai, cưỡng đoạt tài sản... 

Tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng ngừa trong hoạt động tín dụng đen và kinh doanh dịch vụ cầm đồ; xử lý hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép liên quan đến dịch vụ cho vay tiền...

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi phát, in, vẽ, dán tờ rơi quảng cáo “cho vay tiền nhanh” trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự xã hội; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần hướng dẫn cải cách thủ tục lập hồ sơ tín dụng theo hướng đơn giản hơn, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để người dân nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận, vay vốn...

Đọc thêm