Vốn nhà nước trong 6 triệu m2 đất bị Hòa Phát “hô biến” ra sao?

(PLVN) - Như đã nêu trong bài viết trước, 6 triệu m2 đất Nông trường Việt Trung tại Thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã bị Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) “thôn tính” không mất một xu trong một thương vụ nhiều dấu hiệu bất minh. 
Cả một vùng rừng mênh mông của Nông trường Việt Trung đã bị Hòa Phát lấy làm trại bò
Cả một vùng rừng mênh mông của Nông trường Việt Trung đã bị Hòa Phát lấy làm trại bò

Số “vốn góp” của Nông trường sau đó biến mất trong báo cáo chính thức của Hòa Phát Quảng Bình. Chưa hết, lấy thừa mứa đất, sau nhiều năm đi vào hoạt động, Hòa Phát vẫn bỏ hoang hàng trăm ngàn mét vuông, sử dụng sai mục đích hàng trăm ngàn mét vuông khác, thậm chí còn cho nông dân thuê lại để “thu tô”.  

Người nuôi bò mất nghề, người trồng dưa bị “thu tô”   

Khi Hòa Phát chưa về, Thị trấn Nông trường Việt Trung với mênh mông những rừng cao su, chất đất cực phù hợp trồng cây, trồng cỏ, từng là một trong những “thủ phủ” nuôi bò của Quảng Bình.  

Ông Hoàng Tiến (SN 1960, nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, trú thôn Bàn, xã Hòa Trạch) cho biết, từ khi Hòa Phát lấy đất, người dân ở đây cũng mất một nghề chính là nuôi bò. 

Ngày xưa, chỉ tính riêng tiểu khu Truyền Thống (khoảng 200 hộ), đã có 70% gia đình chăn thả bò trong những rừng cao su. Khi Nông trường mang “giá trị tài sản trên đất” “góp vốn” với Hòa Phát lập Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình, những nông trường viên vừa mất tư liệu sản xuất, mất luôn nơi nuôi bò. 

“Tệ nạn cũng phát sinh từ đây. Xưa học sinh đi học nửa buổi, nửa buổi về nhà chăn bò giúp gia đình. Nay chúng không còn việc gì làm, ăn chơi, “vô công rồi nghề” cắm đầu vào chơi game, nảy sinh tệ nạn… Thanh niên không việc làm, phải phiêu bạt tứ xứ làm thuê, rồi thế chấp cửa nhà đi xuất khẩu lao động cũng vì Hòa Phát mà ra”, ông Tiến phản ánh.

Bà Trịnh Thị Mai (59 tuổi) cho hay, thời xưa bà vừa làm công nhân cạo mủ cao su, vừa nuôi 10 con bò mỗi lứa. “Tôi vừa cạo mủ vừa dắt bò đi ăn rất tiện, thu nhập hơn chục triệu/tháng. Hòa Phát về lấy sạch đất, dân mất nơi chăn thả, phải bán hết bò”, bà Mai kể.

Một nông dân nuôi bò “chuyên nghiệp” khác, có lúc lên tới 30 con, là bà Hoàng Thị Hằng (51 tuổi). Trong quá khứ, nhờ nuôi bò mà bà nuôi các con ăn học thành tài. “Xưa chăn bò bầy trong rừng cao su vô cùng dễ. Giá bò ngày càng cao, ai cũng vui. Hòa Phát về, dân mất nghề. Giờ chỉ còn vài người sức khỏe tốt vẫn nuôi vài con nhưng phải lùa tận lên núi xa tít chăn thả”, bà Hằng thở dài.

“Tổng số đàn bò người dân thị trấn nuôi trước đây cả chục ngàn con. Vậy địa phương quy hoạch kiểu gì, tính toán kiểu gì, lo cho dân kiểu gì mà để nông dân mất nghề, trong khi Hòa Phát “độc quyền” lấy thừa mứa đất nuôi bò, kiếm tiền đút túi?”, ông Tiến hỏi. 

 
Hòa Phát đến, nông dân Thị trấn Nông trường Việt Trung mất nghề nuôi bò
 Hòa Phát đến, nông dân Thị trấn Nông trường Việt Trung mất nghề nuôi bò

Sai phạm nghiêm trọng lấy ê hề đất rồi… bỏ hoang

Một điều vô lý khác khiến người dân địa phương uất ức là Hòa Phát được giao đất không tốn một xu, sau đó cho nông dân thuê lại trồng dưa. Ông Lê Hồng Quân, Tổ trưởng Tiểu khu Truyền Thống cho biết, Hòa Phát không sử dụng hết đất, còn bỏ hoang vô số. Theo thống kê của ông, vụ vừa rồi Hòa Phát cho nông dân địa phương thuê ít nhất 21ha trồng dưa hấu, mỗi ha “thu tô” 13 triệu đồng.

“Nhà nước đã giao đất miễn phí cho Hòa Phát trồng cỏ, trồng ngô, nhưng Hòa Phát bỏ hoang như vậy là trái luật, trái nguyên tắc. Hòa Phát lại đem đất này cho nông dân thuê là sai phạm chồng sai phạm. Nếu không sử dụng phải trả lại. Quả là lãng phí vô cùng”, ông Quân nói.

Ông Nguyễn Đức Trường (Chủ tịch UBND thị trấn) cho hay, trại bò Hòa Phát chiếm gần 10% diện tích địa phương. Thị trấn đặc thù vì không phải thị trấn huyện lỵ, không được nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, quỹ đất không có, gần đây khi xây trụ sở UBND cũng phải huy động dân đóng góp. 

Địa phương khó khăn, đất cho dân nuôi trồng sản xuất không có, nhưng đất Hòa Phát lấy thì lại bỏ hoang ê hề. Theo Kết luận thanh tra số 18/KL-Ttr của Thanh tra tỉnh Quảng Bình ban hành cuối tháng 10/2019, Hòa Phát đã bỏ không, hoặc sử dụng sai mục đích nhiều trăm ngàn m2. 

Trên giấy tờ, Hòa Phát cam kết lấy đất để trồng cỏ và xây chuồng trại. Nhưng sau gần 3 năm nhận đất, hiện Hòa Phát vẫn giữ nguyên trạng 75 ngàn m2 rừng cao su cũ của Nông trường, biện bạch “giữ nguyên trạng cây cao su điều hòa không khí cho khu chăn nuôi”. Hơn 174 ngàn m2 rừng khác, Hòa Phát chặt cây rồi bỏ hoang.

Hòa Phát còn sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dù chỉ được phép xây 350 ngàn m2 khu chuồng trại, nhưng thực tế Hòa Phát đã xây trái phép thêm khu chuồng trại gần 50 ngàn m2. 

Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho biết, với những vi phạm trên, Hòa Phát Quảng Bình phải bị thu hồi đất. “Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: “Các trường hợp người sử dụng đất sẽ bị thu hồi đất khi: 1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước cho thuê… 8. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong 12 tháng liên tục… 9. Đất được Nhà nước cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục”. Điều 64 nêu ra 9 trường hợp vi phạm bị thu hồi đất thì Hòa Phát Quảng Bình đã mắc 3”, LS Hiệp nói.

Chính quyền cơ sở ở đâu mà để xảy ra những sai phạm này ở trại bò Hòa Phát? Ông Nguyễn Đức Trường (Chủ tịch UBND thị trấn) cho biết: “Hòa Phát về địa phương, các thủ tục đất đai hay việc sử dụng đất, họ làm việc với tỉnh chứ không làm việc với địa phương”. 

Đông đảo người dân tại huyện Bố Trạch cùng có ý kiến đề nghị Trung ương chỉ đạo, vào cuộc thanh, kiểm tra vụ Hòa Phát “thôn tính” Nông trường Việt Trung
Đông đảo người dân tại huyện Bố Trạch cùng có ý kiến đề nghị Trung ương chỉ đạo, vào cuộc thanh, kiểm tra vụ Hòa Phát “thôn tính” Nông trường Việt Trung 
Hơn 174 ngàn m2 rừng đã bị Hòa Phát chặt cây rồi bỏ hoang
Hơn 174 ngàn m2 rừng đã bị Hòa Phát chặt cây rồi bỏ hoang 

Dấu hiệu tài sản Nhà nước bị “chuyển hóa” sang tư nhân

LS Hiệp cho hay, thương vụ Hòa Phát thâu tóm 6 triệu m2 đất nông trường đã làm trái các nguyên tắc mà Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/4/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP đã đề ra. Những mục tiêu Đảng và Nhà nước đề ra khi sử dụng đất nông trường phải “nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi của người đang nhận giao khoán đất”, “tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công ty và người lao động” đã bị Hòa Phát vi phạm nghiêm trọng.

Kết luận thanh tra về việc sử dụng đất số 18/KL-Ttr còn chỉ ra việc Hòa Phát Quảng Bình đã xây lấn ra ngoài phạm vi dự án 542m2. Diện tích này hồi cuối năm 2016, khi chưa được tỉnh cho thuê đất, Hòa Phát đã tự ý “mua bán tài sản gắn liền trên đất” với một hộ gia đình, dù đây là đất của Nhà nước.

“Giá trị tài sản trên 6 triệu m2 đất” là “vốn góp” của Nông trường Việt Trung vào Hòa Phát sau đó đã bị Hòa Phát Quảng Bình “hô biến”. Trong một báo cáo chính thức của Hòa Phát về vốn đầu tư dự án, đã không còn thấy thể hiện phần “vốn góp” đó. 

Tuy nhiên, khi Hòa Phát báo cáo về tổng đầu tư trại bò là 995 tỷ, lại thấy thể hiện khoản có tên “đền bù, giải phóng mặt bằng 101 tỷ” trong phần “vốn cố định”. Phải chăng đây chính là số “vốn góp” của Nông trường Việt Trung, là tài sản của Nhà nước mà hai bên đã giao dịch năm 2016; nhưng nay không còn được gọi là “vốn góp” nữa, mà bị Hòa Phát “đánh tráo khái niệm”, “chuyển hóa” thành tài sản tư nhân? 

Cần lưu ý, trong một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mới đây, Nông trường Việt Trung (nay là Công ty Cổ phần Việt Trung) vẫn báo cáo năm 2018 được Hòa Phát Quảng Bình chia lãi 5 tỷ. 

Theo LS Hiệp, thương vụ Hòa Phát thôn tính Nông trường Việt Trung có thể là điển hình cho dạng vi phạm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW tổ chức ngày 18/11/2019 vừa qua: “Còn tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai”.

Thông qua Báo PLVN, đông đảo người dân từng là nông trường viên tại Nông trường Việt Trung cùng có ý kiến đề nghị Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, vào cuộc thanh, kiểm tra các vấn đề: 1. Hòa Phát đã “thôn tính” Nông trường Việt Trung ra sao, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản Nhà nước hay không? 2. Quá trình giao đất của Quảng Bình cho Hòa Phát có đúng pháp luật? 3. Hòa Phát đã sử dụng sai quy định với diện tích đất trên như thế nào? 4. Hòa Phát vi phạm Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/4/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ra sao?

Chỉ một thời gian ngắn sau khi lấy được 6 triệu m2 đất nông trường tại Quảng Bình, Hòa Phát tiếp tục “săn mồi” đất nông trường tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Khuất tất của những “cuộc săn mồi” này, PLVN sẽ tiếp tục phân tích trong một loạt bài độc lập.

Trở lại với trại bò Hòa Phát, khi mà riêng diện tích nhà chứa phân xây sai phép đã lên đến 50 ngàn m2 thì núi phân ấy đã đưa những mầm bệnh phát tán ra môi trường, sinh mùi xú uế khủng khiếp, sinh nạn ruồi nhặng tấn công các khu dân cư. Nhiều lần bị xử phạt hành chính, bị tỉnh Quảng Bình khống chế số lượng bò, nhưng Hòa Phát vẫn có dấu hiệu bất chấp. 

Mời độc giả xem tiếp kỳ sau.

Nạn gây thất thoát, sử dụng lãng phí đất nông trường đã từng được Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra hồi cuối 2015, trùng với thời gian Hòa Phát bắt đầu thương vụ lấy đất Nông trường Việt Trung.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh, khi đó là Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ “khi Nông trường chuyển đổi mô hình thì Nhà nước được gì, phải chăng tài sản của Nhà nước đã bị chuyển sang tay tư nhân?”. Sau khi nêu ra một số trường hợp nông dân phải thuê lại đất của doanh nghiệp được giao đất nông trường, ông Sinh nhấn mạnh: “Vậy ai thực sự được hưởng lợi sau khi chuyển đổi đất nông lâm trường? Rõ ràng quyền lợi trực tiếp của các nông trường viên không được đảm bảo, ngân sách bị thất thoát và lợi ích nằm trong tay một nhóm người”.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì nhận xét “tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng sai mục đích đất nông lâm trường quá rõ”.

Đọc thêm