Trình bày với Báo PLVN, ông Vòng Mành Chi cho biết: Qua môi giới, ông Chi mua căn nhà số 121 Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5, TP HCM (viết tắt là nhà 121 THĐ) của bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng (chủ cũ) với giá thỏa thuận là 490 lượng vàng SJC. Ông Chi đưa trước 100 lượng vàng SJC vào ngày 04/8/2010.
Đến ngày 29/10/2010 ông Chi chuyển tiếp cho bà Hồng đủ số vàng còn lại là 380 lượng SJC tại Ngân hàng TMCP An Bình. Vào ngày 30/10/2010 hai bên ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) tại Văn Phòng công chứng Chợ Lớn – TP HCM. Ông Chi được cấp Giấy chứng nhận QSHNƠ và tài sản gắn liền với đất vào ngày 14/9/2011.
Bất ngờ khi TAND Quận 5 mời ông đến tòa để giải quyếtvới tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán nhà vô hiệu” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Nhâm (SN 1956, ngụ quận Tân Bình) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng (chủ cũ).
Tới tòa, ông Chi mới biết: Vào ngày 21/7/2008 bà Nhâm có ký hợp đồng (viết tay) giao tiền cọc để mua căn nhà 121 THĐ. Bà Nhâm có đưa bà Hồng 130 lượng vàng SJC. Do không thực hiện công chứng được nên ngày 03/3/2009 bà Nhâm khởi kiện đề nghị Tòa án hủy hợp đồng cọc và phạt cọc là 260 lượng SJC. Vụ này đã được giải quyết bằng 02 bản án sơ, phúc thẩm. Bà Hồng bị buộc phải trả tiền cọc cho bà Nhâm và số tiền phạt cọc tổng cộng là 223 lượng vàng SJC.
Cơ quan Thi hành án Dân sự quận 5 có ngăn chặn 30% căn nhà 121 THĐ để thi hành phần án phí và một số bản án khác. Tuy nhiên sau đó đã giải tỏa việc ngăn chặn này theo đơn của Ngân hàng vì đã có bản án tuyên bà Hồng phải trả vốn và lãi vay cho ngân hàng. Phía bà Nhâm thì đề nghị ngăn chặn hai căn nhà khác (số 557 Trần Hưng Đạo, Q5) và 32/53/51 Ông Ích Khiêm, quận 11) thuộc sở hữu của bà Hồng để thi hành án.
Về căn nhà 121 THĐ sau khi được giải tỏa bà Hồng, Ngân hàng và ông Chi đã thực hiện các thủ tục giải chấp, mua bán theo đúng quy định pháp luật. Đến ngày 27/4/2011 thì TAND Tối cao ra Bản án Giám đốc thẩm số 311/2011/DS-GĐT tuyên hủy cả hai bản án nói trên.
Ông Chi bắt đầu gặp “họa” khi TAND quận 5 xét xử lại và thụ lý thêm yêu cầu mới của bà Nhâm là: tuyên bố vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 121 của bà Hồng và ông Chi; đồng thời ngăn chặn và phong tỏa số tiền còn lại sau khi bán căn nhà số 557 THĐ và 32/53/51 Ông Ích Khiêm và cấm chuyển dịch căn nhà số 121 THĐ do bà Nhâm cam kết căn nhà 121 THĐ vẫn thuộc sở hữu của bà Hồng(!?).
Thời điểm TAND quận 5 thụ lý đơn là ngày 05/7/2011, lúc này bà Hồng không còn là chủ sở hữu đối với căn nhà 121 THĐ. Ông Chi là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà và không liên quan đến quan hệ tranh chấp tiền cọc của bà Nhâm và Hồng. Tuy nhiên, TAND quận 5 không xem xét kỹ lưỡng cam kết của bà Nhâm mà vẫn thụ lý yêu cầu bổ sung, từ đó đưa ông Chi vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bản án sơ thẩm ngày 24/5/2012 của TAND quận 5 tuyên buộc và Hồng phải trả cho bà Nhâm số vàng đặt cọc, bồi thường… tổng cộng hơn 224,695 lượng SJC, không chấp nhận tuyên hợp đồng chuyển nhượng của bà Hồng và ông Chi vô hiệu. Ngày 4/9/2012 của TAND TP HCM tuyên giống bản án sơ thẩm, nhưng tuyên HĐ chuyển nhượng nhà đất giữa bà Hồng và ông Chi là vô hiệu và hủy sổ hồng của UBND quận 5 đã cấp cho ông Chi.
Ngày 4/3/2013, Viện trưởng VKSNDTC quyết định kháng nghị hủy cả hai bản án nêu trên. Song, Tòa Dân sự TANDTC không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND TP HCM. Ông Chi có đơn kêu cứu. Sau khi xem xét, Chánh án TANDTC đã kháng nghị QĐ số 223/2013/DS-GĐT. Sau đó, ngày 9/1/2014 Hội đồng thẩm phán TANDTC tuyên hủy một phần QĐ số 223/2013/DS-GĐT, hủy một phần bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến việc giải quyết HĐ chuyển nhượng nhà đất 121 THĐ giữa bà Hồng và ông Chi; giao hồ sơ cho TAND Q5 xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 24/2/2014, TAND quận 5 đã ra thông báo thụ lý giải quyết vụ án “tranh chấp HĐ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất”. Quá trình giải quyết, bà Nhâm,bà Hồng, ông Chi đều không yêu cầu tòa án giải quyết hợp đồng chuyển nhượng nhà đất 121 THĐ và yêu cầu hủy việc kê biên căn nhà. Do đó, TAND quận 5 đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 16/2015/QĐST-DS ngày 27/1/2015.
Tuy nhiên, sau đó bà Nhâm lại kháng cáo. Ngày 16/4/2015, TAND TP HCM tuyên hủy Quyết định số 16/2015/QĐST-DS của TAND quận 5, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND quận 5 tiếp tục giải quyết.
Ngày 15/6/2016, Chánh án TANDTC đã ra Quyết định kháng nghị số 74/2016/KN-DS nêu rõ những nhận định không đúng của TAND TP HCM, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định số 468/2015/QĐ-PT của TAND TP HCM; giữ nguyên Quyết định số 16/2015/QĐST-DS “đình chỉ giải quyết vụ án” của TAND quận 5.
Tuy nhiên, Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC đã ban hành tính đến nay đã hơn 09 tháng. Phía ông Chi vẫn chưa thấy Tòa án Cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử.
Thiết nghĩ, ngay từ đầu, bản chất vụ án là giải quyết tranh chấp tiền đặt cọc và phạt cọc do vi phạm hợp đồng của bà Nhâm và bà Hồng. Quá trình thi hành án cũng đã ngăn chặn 02 căn nhà thuộc sở hữu của bà Hồng để đảm bảo thi hành án. Việc tòa chấp nhận thụ lý yêu cầu bổ sung của bà Nhâm có liên quan đến căn nhà 121 THĐ thuộc sở hữu hợp pháp, ngay tình của ông Chi là không đúng. Đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM sớm đưa vụ án ra xét xử, với phán quyết khách quan, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp cho ông Vòng Mành Chi.