Đơn thư kéo dài 14 năm
Hồ sơ vụ việc cho thấy, tháng 3/2007, UBND huyện Đức Hòa có Quyết định 2685/QĐ-UBND và 2743/QĐ-UBND thu hồi của ông Trai 6.238m2 đất tại xã Đức Hòa Hạ.
Lý do thu hồi đất là để thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng giao đất cho Cty CP Khu công nghiệp Tân Tạo đầu tư xây dựng hồ sinh thái.
Ông Trai cho biết, trong lần bị thu hồi này, theo Luật Đất đai và quy định của địa phương, ông được tái định cư 4 nền đất và không có khiếu kiện, khiếu nại gì.
Văn bản trả lời của UBND huyện Đức Hòa. |
Sau khi bị thu hồi khu đất tại xã Đức Hòa Hạ, gia đình ông Trai vẫn còn một khu đất khác để canh tác sản xuất ở xã Hựu Thạnh cùng huyện. Hơn 2 năm sau, ngày 27/5/2023, UBND huyện lại ra Quyết định 3089/QĐ-UBND và 3139/QĐ-UBND, thu hồi 9.669m2 đất lúa của ông Trai tại xã Hựu Thạnh.
Trong Quyết định 3089, lý do thu hồi đất để giao Cty CP Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo “sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng quần thể khu công nghiệp - dân cư - dịch vụ (công trình khu vui chơi giải trí)”.
Như vậy, giấy tờ đã thể hiện đây là khu đất cũng đứng tên ông Trai nhưng nằm ở xã khác; bị thu hồi để thực hiện dự án khác, với nhà đầu tư khác; không liên quan đến khu đất hơn 6.000m2 tại xã Đức Hòa Hạ ông Trai đã bị thu hồi 2 năm trước.
Một điều đáng lưu ý, là ngay trong cùng một ngày, trong Quyết định 3139 bồi thường khi thu hồi 9.669m2 đất của ông Trai, thì dự án lại có tên khác, là “đầu tư xây dựng Khu vui chơi giải trí tại xã Hữu Thạnh và xã Đức Hòa Hạ”. Như vậy, có sự mâu thuẫn trong Quyết định 3089 và 3139, chưa rõ nguyên nhân vì sao.
Vấn đề gây bức xúc với ông Trai trong vụ thu hồi này, là ông không được huyện bố trí nền tái định cư tương ứng với số đất đã bị thu hồi. Từ 2009 tới nay, ròng rã 14 năm, ông Trai đã có đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết sự việc đúng quy định.
Sau khi nhận được đơn của ông Trai, nhận thấy những đề nghị của ông là có cơ sở pháp lý, để góp phần gỡ rối một sự việc khiếu kiện nhiều năm, góp phần làm rõ khía cạnh pháp lý một sự việc có thể tạo thành một tiền lệ không hay, PLVN đã có công văn gửi đến UBND huyện Đức Hòa, đề nghị trả lời làm rõ sự việc.
Thông tin UBND huyện Đức Hòa trả lời còn chưa rõ ràng
Ngày 4/7/2023, UBND huyện Đức Hòa đã có Văn bản 7921/UBND-HT do ông Lê Thành Phong, quyền Chủ tịch huyện ký, phúc đáp.
Trong văn bản trả lời của UBND huyện Đức Hòa, theo LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM), có một số thông tin chưa phù hợp với hồ sơ sự việc, chưa phù hợp quy định pháp luật.
Thứ nhất, trong các quyết định thu hồi 2 khu đất của ông Trai, là để thực hiện dự án hồ sinh thái của Cty CP Khu công nghiệp Tân Tạo; và dự án quần thể khu công nghiệp - dân cư - dịch vụ (công trình khu vui chơi giải trí) của Cty CP Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo.
Tuy nhiên, căn cứ pháp lý để tính toán bồi thường cho ông Trai, theo trả lời của UBND huyện, lại là Quyết định 3205/QĐ-UBND ngày 27/12/2006 của UBND tỉnh Long An. Tuy nhiên, theo Quyết định 3205, thì đây là quyết định áp dụng cho một dự án không nêu rõ tên của Cty CP Đầu tư Tân Đức. Như vậy, không rõ UBND huyện Đức Hòa có sự nhầm lẫn hay không?
Thứ hai, theo trả lời của UBND huyện, một căn cứ pháp lý khác để tính toán bồi thường cho ông Trai là Quyết định 1610/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của UBND tỉnh. Chưa xét đến nội dung tính toán bồi thường có đúng hay không, nhưng Quyết định 1610 không quy định về việc hồi tố, mà có hiệu lực từ 30/6/2009; trong khi các quyết định thu hồi đất của ông Trai đã ban hành trước đó, Nói cách khác, không thể áp dụng Quyết định 1610 với hộ ông Trai.
Thứ ba, trong văn bản phúc đáp, UBND huyện thừa nhận 2 lần thu hồi đất của ông Trai, nhưng sau khi dựa vào những căn cứ pháp lý chưa rõ ràng trên, để cho rằng “trường hợp bị thu hồi với tổng diện tích 15.907m2 thì được bố trí 4 nền tái định cư”. Nói cách khác, UBND huyện đã gộp 2 lần thu hồi đất tại 2 xã khác nhau cho 2 dự án thành 1; để từ đó chỉ tính toán tái định cư 1 lần cho người 2 lần bị thu hồi đất.
“Sự việc chưa thể kết luận đúng hay sai, nhưng như đã nêu trên thì còn một số vấn đề mà UBND huyện Đức Hòa cần thông tin rõ ràng hơn; để giải quyết rốt ráo dứt điểm sự việc đã kéo dài hàng chục năm, tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra sau này”, LS Trâm nói.