Vụ “30 năm đi đòi đất ở Hưng Yên”: Sai phạm từ cách giải quyết của Tòa án 30 năm trước?

(PLO) - Sai phạm trong giải quyết vụ việc và ban hành văn bản không đảm bảo tính pháp lý của TAND thị xã Hưng Yên vào năm 1987 (nay là TP Hưng Yên) phải chăng là nguyên nhân khiến vụ kiện đòi đất cho mượn của ông Lâm Thành Dũng (số nhà 141 Điện Biên 1, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đối với bà Chu Thị Cúc (ở 139 đường Điện Biên 1) phải kéo dài hơn 30 năm mà chưa có hồi kết?

Như PLVN đã phản ánh tại số báo ra ngày 4/4/2017,  năm 1987 bà Chu Thị Cúc đã khởi kiện vụ án tranh chấp đất với gia đình ông Dũng tại TAND thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên) vì cho rằng ông Dũng xây dựng công trình phụ lấn sang đất nhà mình.

Điều đáng nói là phần đất mà bà Cúc đang sử dụng lại chính là mảnh đất mà ông Dũng có đơn đòi lại từ trước đó 2 năm vì cho rằng gia đình bà Cúc đã “mượn đất” của mình. Mảnh đất này, gia đình ông Dũng định để cho ông Lâm Hạnh Phúc (em trai ông Dũng) sử dụng nhưng sau đó, ông Phúc đã hy sinh.

Tranh chấp đất giữa hai nhà (do ông Dũng có đơn đòi bà Cúc toàn bộ thửa đất) phát sinh từ năm 1985 nhưng không hiểu sao đến năm 1987, TAND thị xã Hưng Yên vẫn tiến hành thụ lý đơn của bà Cúc “kiện ngược” để đòi phần đất có công trình phụ nhà ông Dũng.

Ngoài việc thụ lý đơn của bà Cúc, ông Phạm Văn Hòe (Thẩm phán TAND thị xã Hưng Yên lúc đó) còn tổ chức hòa giải cho hai gia đình theo phương án: xác định mốc giới đất theo kiểu “căng dây, cắm cọc”.

Sau khi ra cái gọi là Biên bản “Hòa giải thành” vào hồi 8 giờ ngày 12/2/1987 thì chỉ 1 tiếng sau (hồi 9 giờ cùng ngày), Thẩm phán Phạm Văn Hòe đã ra Quyết định “công nhận việc hòa giải thành” để ấn định cách giải quyết tranh chấp đất giữa bà Cúc là “căng dây, cắm mốc giới” cho đúng. Bên nào lấn sang chỗ nào thì phải tháo dỡ để trả đất cho bên kia”.

 Tuy nhiên, sau đó thì Quyết định “công nhận hòa giải thành” trên cũng không được thực hiện trên thực tế bởi theo Biên bản “Thi hành án dân sự” ngày 18/3/1987 (do Chấp hành viên TAND thị xã Hưng Yên Lê Tiến Lực lập) thì bà Cúc đã chủ động “phanh” việc thi hành án và có ý kiến rằng “ ...vì thửa đất chung của tôi và ông Dũng đều bị thắt lại mất 28cm theo biên bản giải quyết ngày 5/8/1985, đề nghị mỗi bên chịu một nửa, còn không thì không nhất trí như mốc giới ngày 1/2/1987.

Do đó, việc đòi đất của bà Cúc đối với ông Dũng (phần xây công trình phụ) đã được các đương sự và Chấp hành viên Lê Tiến Lực thống nhất “hoãn lại để giải quyết sau”.

Như vậy, việc hòa giải thành của TAND TX Hưng Yên năm 1987 thực ra lại là “không thành” bởi nội dung “căng dây, đóng cọc” không có cơ sở thực hiện, các bên vẫn đề nghị giải quyết tiếp vụ tranh chấp. Theo ý kiến  của các bên trong vụ việc này thì có thể hiểu, việc “căng dây, đóng cọc” chỉ là biện pháp để xác định ranh giới tạm thời nhằm làm rõ công trình xây dựng, cây cối của mỗi bên để trước mắt thực hiện việc trả mặt bằng cho nhau. Còn bản chất của việc tranh chấp giữa hai nhà thì vẫn là việc ông Lâm Thành Dũng đòi bà Cúc trả lại toàn bộ thửa đất đã mượn chứ không chỉ đòi vài chục phân đất đang có công trình phụ trên đó.

Đó là chưa kể việc TAND thị xã Hưng Yên lúc đó tiến hành thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện của bà Cúc nhưng không xem xét yêu cầu ngược lại từ phía của ông Dũng (về việc đòi toàn bộ thửa đất của bà Cúc) là thiếu khách quan, không đảm bảo quyền lợi cho ông Dũng. Tòa chưa làm rõ đất của bà Cúc sử dụng ở đây có hợp pháp hay không thì lấy cơ sở gì để phân chia ranh giới sử dụng đất giữa hai nhà?

Phải chăng, từ việc giải quyết nửa vời, thiếu căn cứ của TAND TX Hưng Yên và Thẩm phán Phạm Văn Hòe từ 30 năm trước đã khiến vụ tranh chấp đất giữa hai bên phải kéo dài cho đến hôm nay? 

Đọc thêm