Quản lý “có sơ hở”
Trong phiên tòa xử các bị cáo trong vụ tai biến y khoa khiến 9 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận, theo đại diện VKS, qua xét hỏi công khai và lời khai của các bị cáo, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định 9 bệnh nhân tử vong trong sự cố chạy thận là do tồn dư lượng axit trong hệ thống máy lọc thận.
Tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) thừa nhận đã sử dụng các chất tẩy rửa, trong đó 2 loại axit không được phép sử dụng trong tẩy rửa màng lọc nước chạy thận ở các cơ sở y tế, để lọc rửa màng hệ thống máy lọc nước chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bị cáo Quốc là người có trình độ, năng lực và biết rõ quy trình hệ thống máy lọc nước chạy thận, do đó, hành vi của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý làm chết người.
Đối với bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư bệnh viện), VKS đánh giá Sơn là cán bộ chuyên về máy móc, thiết bị nên phải biết rõ hệ thống máy lọc thận. Khi sự cố xảy ra, Sơn để mặc cho Đơn nguyên thận vận hành máy lọc thận RO số 2 để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Với bị cáo Hoàng Công Lương, quá trình điều tra, bị cáo Lương khai các nội dung đều thể hiện rõ việc phân công nhiệm vụ này trong các cuộc họp giao ban. Lời khai của Hoàng Công Lương đều phù hợp với lời khai của các đồng nghiệp là cán bộ, nhân viên tại khoa Hồi sức và tại bệnh viện. Theo VKS, việc ghi hoàn thiện nội dung sổ họp của ông Đinh Tiến Công không ảnh hưởng đến các nội dung như cáo trạng truy tố.
Bên cạnh đó, VKS cũng khẳng định các tài liệu chứng minh nhiệm vụ của bị cáo Lương rất khách quan, không có dấu hiệu mớm cung. Do đó, VKS cho rằng có đủ căn cứ kết luận với vị trí và nhiệm vụ của mình, bị cáo Lương phải biết rõ tình trạng nguồn nước dùng để chạy máy lọc thận. Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, Lương mới chỉ nghe đồng nghiệp báo đã sửa xong máy lọc, đã ra y lệnh chạy máy khiến sự cố xảy ra làm 9 người tử vong. Hành vi của bị cáo Lương thuộc trường hợp vô ý phạm tội, làm giảm uy tín của bệnh viện, gây hoang mang cho quần chúng và gây thiệt hại cho bệnh viện.
Theo VKS, có đủ căn cứ để truy tố các bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Bùi Mạnh Quốc tội Vô ý làm chết người. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bác sỹ Lương từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại là Sơn và Quốc bị đề nghị mức án từ 4 đến 6 năm tù theo tội danh bị truy tố.
Về dân sự, VKS đề nghị Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn bồi thường cho các nạn nhân gồm 100 lần lương cơ sở về tổn thất tinh thần, mai táng phí hợp lý… Hai cơ quan này cũng phải bồi thường cho những bệnh nhân còn sống sau sự cố để đảm bảo quyền lợi.
Cũng theo đại diện cơ quan giữ quyền công tố, vụ việc 9 bệnh nhân tử vong sau chạy thận cho thấy có sự sơ hở của Sở Y tế và Bộ Y tế về quản lý hoạt động chạy thận như thiếu hành lang pháp lý, không có quy định chủ thể được phép sửa chữa hệ thống nước RO trong chạy thận, chưa phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện… VKS sẽ thực hiện kiến nghị phòng ngừa với các nội dung này.
Bệnh viện chạy thận không phép nhiều năm?
Trước đó, trong phần xét hỏi, Luật sư Trần Hồng Phúc - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương - đề nghị được hỏi ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Khai tại tòa ở các phiên trước, ông Vận cho biết tại thời điểm 8/3/2010 Bệnh viện đã có quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo, ngày 15/3 năm đó chính thức đi vào hoạt động.
Luật sư Phúc đề nghị cho biết thời điểm nào bệnh viện mới làm thủ tục với Sở Y tế tỉnh để điều chỉnh giấy phép đối với việc phát sinh thêm lĩnh vực. Do không quản lý lĩnh vực này và thời điểm năm 2010 chưa làm lãnh đạo nên ông Vận nhờ Luật sư Nguyễn Danh Huế thay mặt Bệnh viện trả lời. Ông Huế thừa nhận giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Sở Y tế cấp cho bệnh viện trước đó bị thiếu phần lọc máu liên quan đến thận.
“Đến năm 2016 mới thay đổi giấy phép thì trong 6 năm đó bệnh viện hoạt động lọc máu dưới sự chỉ đạo của ai hay được cấp giấy phép nào khác không?”, Luật sư Phúc đặt câu hỏi. Luật sư Huế cho biết tất cả hoạt động của đơn nguyên thận nhân tạo được chỉ đạo trực tiếp từ nguyên Giám đốc Trương Quý Dương. “Chắc chắn giấy phép này chưa đủ thì bệnh viện mới làm công văn xin Sở Y tế Hòa Bình cấp giấy phép hoạt động bổ sung thêm phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung chức năng lọc máu”, ông Huế nói. Nghe vậy, Luật sư Phúc nói: “Như vậy từ 2010 bệnh viện đã thực hiện lọc máu nhưng đến 2016 mới được cấp phép?”, ông Huế trả lời: “Đúng vậy”.
Sau đó ông Vận giải thích, khẳng định việc thành lập đơn nguyên thận nhân tạo phải được sự đồng ý của Sở Y tế, Bệnh viện trình lên Sở xem xét có được làm hay không thì mới làm. Hàng năm bệnh viện có danh mục kỹ thuật mới báo cáo lên thì Sở Y tế bổ sung. Bổ sung này còn có sự kết hợp bên bảo hiểm./.