Mới đây, thông tin về vụ á hậu, MC bán dâm với giá “khủng” từ 7.000-25.000 USD /lần đã gây xôn xao dư luận.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục vào cuộc điều tra sự việc.
Trước câu hỏi, cơ quan chức năng có bất ngờ với con số tiền “khủng” của đường dây mua bán dâm có người nổi tiếng, ông Hiền cho hay: “Mức giá từ 7.000-25.000 USD là rất cao, chúng tôi cũng hết sức bất ngờ.
Người bán dâm theo luật sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng. Còn người mẫu, á hậu hay MC tham gia vào đường dây này thì cần cảnh báo về vấn đề lối sống, đạo đức. Chúng tôi không có bình luận gì thêm”.
Ngay sau khi Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP HCM) vừa là rõ nhiều tình tiết liên quan đến đường dây á hậu, người mẫu, MC bán dâm, danh tính những chân dài này được cung cấp để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều thông tin riêng tư được mang ra mổ xẻ. Tuy nhiên, danh tính những đại gia mạnh tay dốc hầu bao chi cho các kiều nữ là ai thì vẫn là một ẩn số.
Bình luận về điều này, ông Hiền cho hay, trong các quy định của pháp luật, không có điều luật nào nói là phải công khai danh tính, hình ảnh của cả người mua dâm và bán dâm. Điều này đồng nghĩa với việc không đưa và công khai danh tính của người mua dâm và bán dâm trên các phương tiện truyền thông.
Phó Cục Trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cũng cho biết, hiện nay Bộ đang xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm. Đến nay, các nội dung sửa đổi Luật đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến chuyên gia tại các hội thảo, các cấp Bộ ngành, địa phương trong cả nước để từ đó đưa ra những hướng chỉnh sửa Luật cho phù hợp. Dự kiến, vào năm 2019, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Chính Phủ, Quốc hội về Dự thảo luật này.
“Luật Phòng, chống mại dâm là vấn đề phức tạp. Trong Luật đã quy định và lâu nay chúng ta vẫn thường xử phạt hành chính, khoan dung, tạo điều kiện cho những người mại dâm tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện các công tác tư vấn, chữa bệnh, giúp đỡ và sinh kế bền vững cho những đối tượng này. Còn những tội phạm về môi giới mại dâm thì vẫn phải cương quyết trừng trị.
Về phía người mua dâm, hiện nay cũng đang lấy ý kiến. Có 2 luồng ý kiến, thứ nhất nếu người đó là cán bộ cơ quan nhà nước thì thông báo cho người đứng đầu cơ quan đó để xử lý hành chính. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải công khai gống người bán dâm. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến”.
Thực tế, mại dâm là một hoạt động tồn tại đã lâu, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), hoạt động mại dâm ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia đóng góp 2-14% GDP và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới hoạt động này bị coi là vi phạm pháp luật, trong đó có cả các nước phát triển và có tư tưởng rất thoáng về quan hệ tình dục như Mỹ, Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, tại Việt Nam, những năm qua, hoạt động mại dâm giảm về bề nổi, nhưng đi vào tinh vi hơn, có các đường dây hoạt động mại dâm liên tỉnh, ra nước ngoài, mại dâm nam, mại dâm đồng giới buôn bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm có yếu tố nước ngoài gia tăng…
Số liệu từ ILO cho thấy nước ta hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, có khoảng 75.000 người là nữ giới.
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của mại dâm, tại các hội thảo chuyên đề được tổ chức trước đây, đã từng bàn luận về việc có nên quy định mại dâm thành 1 nghề. Song đến nay, vẫn đang có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này./.