Vụ án 139 đồng tiền ảo tại Hà Nội: Mang tội “cướp tài sản” vì cách thức đòi nợ sai lầm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Ngô Thị Kim Loan (SN 1961, ngụ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và 5 bị cáo khác ra xét xử về tội “Cướp tài sản”. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án 10 - 13 năm tù, trong đó bị cáo Loan bị tuyên 13 năm tù.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm. (Ảnh: Hồng Mây)
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm. (Ảnh: Hồng Mây)

Hồ sơ vụ án thể hiện, khoảng tháng 7/2019, bị cáo Loan quen biết anh Hà Đình (đã được đổi tên, SN 1997, quê Hải Dương) thông qua hoạt động kinh doanh tiền ảo Best4FX. Sau đó, bà Loan nhờ anh Đình lập tài khoản (ví điện tử) để kinh doanh tiền ảo.

Đến tháng 12/2019, bà Loan kiểm tra ví điện tử thì phát hiện bị thất thoát 139 đồng ETH (đồng tiền ảo). Cho rằng anh Đình là người đã lấy số tiền trên, bà Loan nhiều lần tìm gặp để đòi tiền. Anh Đình trốn tránh, không gặp, nên bà Loan nhờ người “trợ giúp”.

Hai đối tượng Lê Khắc Hiên, Lê Viết Hải sau đó cùng bà Loan đi tìm gặp anh Đình để chốt nợ. Tại cuộc gặp, anh Đình tự nhận mình là người tư vấn cho bà Loan đầu tư dẫn đến việc thất thoát tiền ảo. Mặt khác, do bị 3 người thúc ép trả tiền, anh Đình đã viết giấy nhận nợ Loan 139 đồng ETH, hẹn trả dần hàng tháng. Sau đó, anh Đình đã trả bà Loan được 384 triệu đồng, tương đương 7 đồng ETH.

Đến tháng 3/2022, bà Loan không liên lạc được với anh Đình. Khi biết anh Đình đang kinh doanh bất động sản tại khu vực huyện Thạch Thất, bà Loan tiếp tục nhờ Hải và Hiên đòi nợ giúp. Hai người này sau đó nhờ Nguyễn Trọng Trình “vào cuộc”.

Để đòi được tiền cho bà Loan, các đối tượng thỏa thuận, nói bà Loan làm ủy quyền để đi đòi tiền. Lúc này, giá trị 132 đồng ETH tương đương 9 tỷ đồng. Nhóm của Trình bàn bạc, thống nhất hẹn anh Đình ra quán cà phê đòi nợ, nếu không trả phải viết giấy chuyển nhượng cho bà Loan các tài sản có giá trị như nhà, đất, xe ô tô để trừ nợ.

Qua tìm hiểu, Trình biết anh Đình đăng thông tin rao bán một mảnh đất nên gọi điện hẹn gặp “bàn chuyện mua bán đất”. Tin lời, chiều 22/3/2022, anh Đình cùng 2 người bạn đến điểm hẹn. Khi anh Đình đến, Trình báo cho nhóm bà Loan tới.

Theo cáo trạng, tại đây, nhóm bà Loan đã liên tục đe dọa, đòi anh Đình trả tiền hoặc phải viết giấy chuyển nhượng nhà, xe. Do không có nhà hay xe, anh Đình phải vay tiền 2 người bạn đi cùng được 50 triệu đồng để trả bà Loan. Để thoát thân, anh Đình vờ xin đi vệ sinh rồi nhắn tin cho bạn, nhờ trình báo công an. Thấy anh Đình đi lâu, Trình vào tìm, đồng thời đấm đá nạn nhân. Đến 17h cùng ngày, Công an huyện Thạch Thất đến, yêu cầu tất cả về trụ sở công an để làm rõ sự việc.

Tại phiên tòa, bị cáo Loan cho rằng không có hành vi cướp tài sản của anh Đình. Theo lời bị cáo, khi đi gặp anh Đình, không có vũ khí, không bàn bạc với nhau lấy bao nhiều tiền mang về. Bị cáo Loan khai đã đưa anh Đình 2 tỷ đồng để đầu tư tiền ảo.

Nạn nhân Hà Đình không có mặt tại phiên tòa. Tại CQĐT, anh Đình khai, năm 2019 có tư vấn cho bị cáo Loan kinh doanh tiền ảo nhưng do thị trường bị sập, bà Loan nghi ngờ anh lấy 139 ETH. Do bị bà Loan gây sức ép, yêu cầu phải có trách nhiệm và viết giấy nhận nợ nên anh Đình đã hỗ trợ trả tiền cho bà Loan. Tài liệu điều tra thu thập không đủ căn cứ xác định anh Đình đã lấy 139 ETH trong tài khoản bị cáo Loan.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng bị hại cũng có lỗi một phần khi không giải quyết nợ dứt điểm cho bà Loan, dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên cần cách ly ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; nên tuyên án với mức án như đã nêu.

Đọc thêm