Đắng lòng vì cây Sưa giả
Ngày 26/9/2011, ông Nguyễn Đình Thi ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đã mua cây Sưa trị giá 6,6 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Hiệp (SN: 1976), trú tại số 8/55 đường Phùng Khắc Khoan, TP.Thanh Hóa. Đến ngày 4/10/2011, ông Thi đem bán cây Sưa đó cho ông Wang De Bao (Quốc tịch Trung Quốc).
Việc mua bán này, hai bên đã làm “Giấy biên nhận bán cây” với nội dung: “…Tôi là Nguyễn Đình Thi có bán cho ông Wang De Bao người Trung Quốc 5 cây gỗ bao gồm Hương + Trắc theo Giấy phép đặc biệt số 08/GP-KL ngày 15/9/2011, với giá 11,2 tỷ đồng. Ông Bao đặt trước 2,02 tỷ đồng, số tiền còn lại ông Thi có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu Việt Nam, nhập khẩu Trung Quốc cho ông Wang De Bao. Sau khi nhập khẩu sang Trung Quốc, ông Bao phải thanh toán cho ông Thi nốt số tiền còn lại (9,1 tỷ đồng)…”, có xác nhận bên mua, bên bán và 02 người làm chứng là Vũ Thị Thắm và Ngô Ngọc Diệp. Ông Thi cho biết: “Giấy biên nhận này do bà Ngọc Diệp soạn thảo. Thực tế ông Bao mua 5 cây gỗ Hương + Trắc và 01 cây Sưa, tổng cộng là 6 cây. Trong Giấy biên nhận không hề viết là có cây Sưa”.
Giấy thỏa thuận mua bán cây giữa ông Bao và ông Thi trong việc vận chuyển trái phép 05 cây gỗ trị giá 11,2 tỷ đồng (1 cây gỗ sưa trị giá 10,2 tỷ đồng) qua biên giới để sang Trung Quốc. |
Biết cây Sưa là gỗ quý hiếm, cấm mua bán, vận chuyển hoặc xuất khẩu trái phép. Do vậy, ông Bao mua thêm 5 cây gỗ (01 Hương + 04 Trắc) để “ngụy trang” cho việc vận chuyển cây gỗ Sưa trót lọt qua cửa khẩu. Ông Thi buộc phải thực hiện theo lời cam kết, ngày 4/10/2011 ông Thi thuê bà Phùng Thị Kim Oanh (tên gọi khác là Ngô Ngọc Diệp), (SN: 1977, thường trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) sẽ có trách nhiệm vận chuyển 6 cây gỗ từ Hà Nam đến biên giới với giá 500 triệu đồng.
Vì giấy phép đã hết hạn nên bà Oanh không thể vận chuyển 1 cây sưa + 5 cây gỗ hương, trắc qua được Cửa khẩu Quốc tế Tân Thanh, Lạng Sơn. Sau khi biết sự việc, ông Bao (đang ở Hà Nam) điện cho người nhà ở Trung Quốc qua nhận 5 cây gỗ và đưa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Na Hình, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).
Vụ vận chuyển gỗ cấm và quý hiếm đã trót lọt sang đất Trung Quốc, ông Bao chuyển nốt số tiền (9,1 tỷ đồng) cho ông Thi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT huyện Duy Tiên (Hà Nam), người nhận tiền là Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Thi).
Sau 03 ngày nhận cây Sưa, gia đình ông Bao phát hiện cây gỗ Sưa... giả nên đã vận chuyển ngược trở lại Việt Nam. Toàn bộ 6 cây gỗ này được trồng tại vườn nhà anh Dũng (đen) ở xóm Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 18/10/2011, ông Bao đã làm đơn tố cáo ông Thi đến Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà Nam. Ngày 1/11/2011 Cơ quan CSĐT Hà Nam đã tiến hành thu giữ 5 cây gỗ để xác minh nguồn gốc và trưng cầu giám định, kết quả xác định cây gỗ Sưa là cây gỗ Giáng Hương (trái to), ở phần giữa 3 mặt cắt của rễ lớn và ở phần giữa 2 mặt cắt của cành lớn đều được chêm lõi gỗ Sưa (Huê mộc vàng).
Toàn bộ số cây này đã được Công an tỉnh Hà Nam thu giữ mang về để tại kho của cơ quan PCCC - Công an tỉnh Hà Nam. Từ những tài liệu thu thập, ngày 10/1/2012, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà Nam ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 17/1/2012, Cơ quan CSĐT Hà Nam tiếp tục ra Quyết định thu giữ số tiền 9,18 tỷ đồng và toàn bộ số tiền lãi phát sinh tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện Duy Tiên - mang tên Nguyễn Thị Huệ. Ngày 23/3/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định trả lại số tiền 9,3 tỷ đồng cho ông Bao.
Đến ngày 10/1/2013, Cơ quan CSĐT ra Quyết định số 02/PC45 Tạm đình chỉ vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho đến nay, vụ án vẫn “Tạm đình chỉ”.
Không ai bị khởi tố?
Trao đổi với phóng viên báo PLVN, Luật sư Nguyễn Mạnh Cường - Văn phòng Luật sư Long Cường cho rằng: “Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà Nam đã khẳng định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều người, ở nhiều địa phương… Nhưng từ khi ra Quyết định khởi tố vụ án Hình sự (10/1/2012) cho đến nay đã gần 3 năm mà không hề có một ai trong vụ án bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” hoặc bị xử phạt hành chính” ?!.
Quyết định thu giữ số tiền 9,1 tỷ đồng của Công an tỉnh Hà Nam. |
“Ngoài ra, việc ông Wang De Bao thường xuyên sống ở Việt Nam buôn bán gỗ là người đã vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới trọng vụ án này tới 02 lần vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”?
Mặc dù kết quả bước đầu của vụ án đã khẳng định: “Hiện Cơ quan CSĐT tỉnh đã đủ tài liệu xác định việc ông Thi mua cây gỗ giả Sưa của ông Nguyễn Văn Hiệp – SN: 1976, trú tại số 8/55 đường Phùng Khắc Khoan, TP.Thanh Hóa với giá 6,6 tỷ đồng là có thật, căn cứ kết quả điều tra ngày 10/10/2012 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra Lệnh bắt khẩn cấp đối với Hiệp, nhưng hiện nay Hiệp không có mặt ở địa phương, chưa xác định được đang ở đâu nên chưa bắt được…”.
Như vậy ông Nguyễn Đình Thi có phải là người bị hại không? Chưa kết luận được thì tại sao đã vội vàng trả tiền từ tài khoản của vợ ông Thi trả cho ông Bao gấp đến thế? Vì sao Cơ quan CSĐT Hà Nam lại ra quyết định xử lý tang vật – trái luật trước khi có Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án tớ gần 01 năm? Rồi tiếp đến, Cơ quan CSĐT Hà Nam lại trả tiếp 5 cây gỗ (Hương + Trắc) cho ông Bao? Còn ông Thi bị thiệt đơn thiệt kép.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án có nhiều dấu hiệu "bất thường" của Công an tỉnh Hà Nam. |
Theo quan điểm của luật sư Cường, cơ quan CSĐT Hà Nam cần mở rộng vụ án tìm đến tận cùng của đường dây làm cây giả Sưa. Nếu không điều tra được người sau Hiệp là người khác thì Nguyễn Văn Hiệp phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Hiệp phải bị Cơ quan CSĐT Hà Nam đề nghị ra Quyết định khởi tố bị can trong vụ án này.
Báo PLVN tiếp tục cập nhật thông tin./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com