Cha 90 tuổi khởi kiện chia thừa kế
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng cụ Đặng Kim Thư (SN 1926, trú tại khối phố 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) và cụ Nguyễn Thị Lương sinh được 4 người con (1 trai, 3 gái). Sau khi con cái lập gia đình, hai cụ tiến hành chia cho các con phần tài sản mà mình tạo dựng được.
Theo đó, thửa đất thứ nhất có diện tích 1.450m2 tại xã Cẩm Tiến, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và thửa đất thứ hai tại xóm Bình Minh, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh giao cho con cả Đặng Xuân Thi quản lý, sử dụng. Còn thửa đất 600m² tại khối phố 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh được các cụ chia cho ba cô con gái là Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hương và Đặng Thị Thảo.
Sau khi cụ Lương mất, ngày 5/8/2011, cụ Thư cùng 4 người con đã họp và thống nhất lập “Bản giao quyền sử dụng đất” theo đúng thực tế hiện trạng đất mà cụ Thư và vợ (cụ Lương) đã phân chia cho các con từ năm 1992 như trên.
Tuy nhiên, ngày 17/6/2016, cụ Thư làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận phần tài sản cụ được hưởng trong khối tài sản chung và chia thừa kế đối với di sản vợ để lại theo quy định.
Phán quyết bị các bên phản đối
Trong suốt quá trình giải quyết vụ kiện, bị đơn trong vụ kiện, cũng là các con của cụ Thư không ít lần bày tỏ nghi vấn và đưa ra các dẫn chứng cho thấy cụ Thư có thể không hoàn toàn minh mẫn khi khởi kiện, bởi vì khi đó cụ đã hơn 90 tuổi. Tuy nhiên, yêu cầu giám định sức khỏe cho cụ Thư của các bị đơn không được TAND TP Hà Tĩnh chấp nhận.
Ngày 30/5/2018, TAND TP Hà Tĩnh đã tuyên tại Bản án số 01/2018/DS-ST về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” và ngày 08/6/2018 TAND TP Hà Tĩnh đã có Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 01.
Theo đó, Tòa chỉ xác định tài sản chung của cụ Thư và cụ Lương gồm thửa đất ở xóm Bình Lý, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh và thửa đất ở khối 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh. Tòa chia 1/2 khối tài sản trên, tương đương hơn 3,865 tỷ đồng cho 5 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Cụ thể, cụ Thư, ông Thi, bà Thanh, bà Hương được chia đất, bà Thảo được chia tài sản bằng tiền, đồng thời tuyên các bên thực hiện nghĩa vụ bằng tiền đối với phần chênh lệch.
Sau khi bản án được tuyên, các bị đơn và cả nguyên đơn đã viết đơn phản đối. Cụ Thư cho rằng phần tài sản Tòa tuyên cho cụ chưa đảm bảo quyền lợi của cụ, đề nghị xét xử phúc thẩm. Các bà Thanh, Thảo, Hương cũng đề nghị xem xét quyền thừa kế đối với tất cả tài sản mà cụ Thư và cụ Lương tạo lập được, gồm có cả thửa đất ở Cẩm Xuyên, xem xét lại việc xác định công sức đóng góp, chia tài sản bằng nhà đất cho bà Thảo và xem xét ý chí của các thành viên trong gia đình được thể hiện trên bản bàn giao nhà đất năm 2011 và thực tế nhu cầu sử dụng của các thành viên.
VKS kháng nghị
Ngày 28/6/2018, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định kháng nghị chỉ rõ, Bản án số 01/2018/DS-ST chưa làm rõ nguồn gốc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 2 tại thị trấn Cẩm Xuyên là chưa giải quyết đầy đủ yêu cầu của các đương sự, vi phạm khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015, không chấp nhận yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và áp dụng án lệ để công nhận thửa đất trên của cụ Thư, cụ Lương cho ông Thi là không có căn cứ. Bản án không tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Thanh, bà Hương, bà Thảo về việc chia thửa đất nói trên là chưa giải quyết đầy đủ yêu cầu của các đương sự, vi phạm khoản 2 Điều 266 BLTTDS.
Bản án tính công sức quản lý, tôn tạo tài sản không phù hợp với thực tế. Thửa đất 767, tờ bản đồ số 01 tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh chưa được UBND TP Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng TAND cấp sơ thẩm vẫn quyết định giao cho các đương sự được quyền quản lý và sử dụng mà không tạm giao là không đúng với quy định của Luật Đất đai.
Ngoài ra, tại phần quyết định Toà án cấp sơ thẩm vẫn buộc bà Đặng Thị Hương phải trả lại cho anh Trương Vũ Anh và chị Trần Thị Huyền Thương số tiền 350 triệu đồng là không tôn trọng quyền tự định đoạt của anh Anh và chị Thương, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Đặng Thị Hương, vi phạm Điều 5 BLTTDS 2015.
Vì thế, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm theo hướng đã phân tích ở trên.