Vụ án “Chống người thi hành công vụ” tại quận Hoàng Mai: Bản án có thỏa đáng?

(PLO) - Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm của TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội luật sư Trần Thu Nam (Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc truy tố bị cáo Nguyễn Thị Thúy (SN 1971) về tội “Chống người thi hành công vụ” là chưa thuyết phục.
Phiên tòa ngày 20/11 vừa qua
Phiên tòa ngày 20/11 vừa qua

Theo cáo trạng của VKSND quận Hoàng Mai, năm 2004 UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 351.618m2 đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Liệt tạm giao cho Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng để tổ chức điều tra lập phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt – Hoàng Mai, Hà Nội…

Ngày 24/2/2017, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai có Quyết định số 595 về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (Nhàn) đang sử dụng thửa đất số 57 thuộc tờ bản đồ trích đo GPMB số 47 do không chấp hành quyết định thu hồi đất; căn cứ vào Quyết định 4476 ngày 24/7/2017 của Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai về việc gia hạn lần 4 thời hạn thực hiện Quyết định số 595 cưỡng chế thu hồi đất đến hết ngày 31/8/2017…

Khoảng 8h ngày 29/8/2017, tổ công tác GPMB triển khai thực hiện quyết định cưỡng chế đối với hộ gia đình Nguyễn Thị Hòa tại số nhà 60, ngách 143/190 tổ 42, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội (hiện có hộ gia đình Nguyễn Thị Thúy và hộ gia đình Hoàng Thị Hương đang sinh sống). Tổ công tác đọc các quyết định cưỡng chế và tuyên truyền vận động những người có mặt trong nhà bà Thúy, bà Hương chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thúy cùng với mẹ là bà Nguyễn Thị Vân (mẹ bà Thúy bị mù) khóa cửa cố thủ trong nhà; còn nhà bà Hương khóa cửa không có ai ở trong nhà nên buộc lực lượng cưỡng chế phải thực hiện kế hoạch cưỡng chế.

Lúc này bà Thúy lấy 2 bình gas màu xanh loại 12kg (đã hết gas) và bình gas 14kg có gas (đang sử dụng) từ trong nhà để ra ban công, trên tay trái cầm 01 bật lửa gas. Khi tổ công tác định cắt song sắt ban công để vào cưỡng chế thì bà Thúy dùng tay trái cầm bật lửa, tay phải vặn van của 02 bình cho xì gas và chửi bới, đe dọa tổ công tác nếu vào cưỡng chế sẽ cho nổ. Thấy vậy, một người trong tổ công tác đã dùng bình chữa cháy xịt về phía bình gas để ngăn chặn cháy và phát nổ, do không nhìn thấy gì nên bà Thúy đã bê bình gas chạy vào trong nhà. 

Theo đó, tổ công tác đã vào nhà đển khống chế bà Thúy cùng người trong gia đình đưa ra ngoài để tránh nổ bình gas. Lúc này, bà Thúy đứng cạnh 1 bình gas trên cầu thang tầng 2, trên tay cầm 1 thanh gỗ dài khoảng 1,2m khua khoắng đập xuống cầu thang và về phía tổ công tác… bà Thúy bị khống chế và bắt đưa về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt để lập biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang… Sau đó, bà Thúy bị khởi tố tố về tội “Chống người thi hành công vụ”…

Ngày 20/11/2017, TAND quận Hoàng Mai đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thị Thúy 5 tháng tù.

Luật sư Trần Thu Nam cho rằng: “Trong hồ sơ vụ án không có quyết định thu hồi đất cụ thể đối với nhà và đất mà bị cáo Nguyễn Thị Thúy đang sử dụng (mang tên bà Nguyễn Thị Hòa). Quyết định số 595/QĐ-CTUBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa nhưng lại không giao cho bà Hòa. Bà Hòa không biết đến quyết định này (hồ sơ không có biên bản bàn giao); 04 quyết định gia hạn cưỡng chế cũng không được giao cho bà Hòa, hồ sơ vụ án thể hiện không có biên bản bàn giao; không có biên bản vận động, thuyết phục đối với bà Hòa để bà Hòa đồng ý giao mặt bằng; không có văn bản, tài liệu nào thể hiện bà Hòa đã nhận tiền đền bù…

Như vậy, quy trình thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất không đúng trình tự, thủ tục theo Luật Đất đai, khi chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục thì không được thu hồi đất. Vì vậy, việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Hòa là vi phạm pháp luật. 

Còn về bị cáo Nguyễn Thị Thúy là người đang trực tiếp sử dụng nhà đất số 60 (chủ cũ là bà Hòa) đã được Công an phường Thịnh Liệt cấp sổ tạm trú cho gia đình từ năm 2011 và thu thuế phi nông nghiệp đối với nhà đất từ năm 2012 đến nay. Như vậy, chính quyền địa phương biết rất rõ việc gia đình bị cáo Thúy đang định cư và sử dụng nhà đất tại địa điểm bị GPMB. Tuy nhiên, dường như trong tất cả các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB và cưỡng chế thu hồi đất, chính quyền đang cố tình “lờ” đi sự có mặt của bị cáo Thúy (các tài liệu thu hồi, hỗ trợ, cưỡng chế đều không có tên bị cáo Thúy). Trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện buổi cưỡng chế ngày 29/8/2017 là cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, bị cáo Thúy chỉ nhận được Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 về “Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” của UBND phường Thịnh Liệt vào ngày 29/8/2017. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, bị cáo Thúy không xây dựng, tôn tạo gì thêm trên diện tích nhà 02 tầng. Như vậy, việc ra Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 về  “Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” của UBND phường Thịnh Liệt mà không có biên bản vi phạm, không có quyết định xử phạt hành chính trước đó là tùy tiện, không đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, buổi cưỡng chế thu hồi đất ngày 29/8/2017 là buổi cưỡng chế vi phạm pháp luật vì chưa đảm bảo đầy đủ thủ tục thu hồi đất theo Luật Đất đai. Do đó, cần đánh giá lại hành vi của bị cáo xem có đảm bảo các yếu tố cấu thành tội phạm hay không. 

Đọc thêm