Vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Chủ doanh nghiệp khai bị cựu Thư ký ép đưa tiền đến khi có thông tin bị khởi tố

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau bục khai báo, một giám đốc doanh nghiệp khai họ bị ép chi tiền mới được cấp phép chuyến bay cho tới khi có thông tin khởi tố vụ án, mới không bị ép đưa tiền.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Chiều 14/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn của luật sư. Trong phần này, các luật sư đã hỏi bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Cty Đầu tư và Thương mại Thuận An (Cty Thuận An) – người bị cáo cuộc đã đưa hối lộ số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, Tào Đức Hiệp (Giám đốc Cty Công đoàn Đường sắt) – bị cáo buộc đưa hối lộ 21.000 USD.

Theo cáo trạng, Cty Thuận An thành lập năm 2008, là đại lý vé máy bay cho các hãng hàng không. Qua các quan hệ cá nhân, Vũ Minh Thắng đã liên hệ, đặt vấn đề xin cấp phép cho nhóm Cty Thuận An và Thuận An Ascend Travel Media, được cấp phép 6 chuyến bay và 12 đoàn khách lẻ.

Từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, Vũ Minh Thắng đã đưa hối lộ cho 3 cá nhân, tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó đưa 600 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); đưa hơn 1.3 tỷ đồng cho ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng một lãnh đạo Bộ Y tế); đưa 170 triệu đồng cho ông Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an).

Tại tòa, bị cáo Thắng khai nếu bị cáo không chấp nhận chi tiền hối lộ thì sẽ có nguy cơ không được cấp phép chuyến bay. Đối với khách lẻ, nếu không chi phí chắc chắn không được phê duyệt cấp phép chuyến bay. Khách lẻ cũng từng nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng nhưng không xin được.

Và theo bị cáo Thắng, cho đến khi có thông tin vụ án bị khởi tố, ông Phạm Trung Kiên mới dừng ép doanh nghiệp phải đưa tiền hối lộ.

Bị cáo Tào Đức Hiệp thì thừa nhận hành vi sai trái của mình. Theo cáo trạng, thông qua mối quan hệ cá nhân, Tào Đức Hiệp đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 3 cá nhân có thẩm quyền (trong tháng 9/2021), số tiền 21.000 USD (tương đương hơn 485 triệu đồng) để xin cấp phép 3 chuyến bay cho Cty Công đoàn Đường sắt.

Cụ thể, đưa 10.000 USD cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; 10.000 USD cho Đỗ Hoàng Tùng; 1.000 USD cho Lê Tuấn Anh.

Tại tòa, bị cáo Hiệp khai thời gian đó, công ty bị cáo gửi xin tổ chức chuyến bay theo chủ trương, nhưng xin nhiều lần không được. Theo bị cáo Hiệp, xin được 3 chuyến dù đầy đủ giấy tờ, thủ tục nhưng khó khăn từ Cục Xuất nhập cảnh.

Do đó, thông qua một người quen, ông Hiệp được gặp cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng để nhờ tạo điều kiện cấp phép chuyến bay. Bị cáo Hiệp khẳng định ông Dũng và Đỗ Hoàng Tùng không yêu cầu chi phí gì.

Lý giải việc tại sao lại đưa tiền cho các bị cáo đó, thời điểm đưa tiền là khi nào, ông Hiệp phân trần, cho biết như 1 trận nắng dài được 1 cơn mưa, khi công ty bị cáo sau một thời gian dài mới xin được 3 chuyến. Khi kết thúc tổ chức chuyến bay, 1 chuyến trước do tình hình công văn Cục Xuất nhập cảnh rất cận, cho nên không bán được đủ một chuyến bay. Thuê 300, bán được 195 chỗ nên lỗ.

“Chuyến cuối cùng là thứ 3 có lãi. Bị cáo lên bảo đây là chỗ quan hệ, thứ hai là nếu không có anh Dũng tác động Tùng thì chắc chắn doanh nghiệp của bị cáo và bị cáo sẽ phải đền vào tiền Nhà nước, vì 3 chuyến thì 2 lỗ, 1 lãi”, bị cáo Hiệp phân trần.

Sau khi xảy ra chuyện, bị cáo Hiệp đã nói với vợ và gia đình cố gắng khắc phục sớm hậu quả khi nhận thức được hành vi mình thực hiện là đưa hối lộ.

“Có thể nói rằng hôm nay đứng trước tòa ở đây cũng là điều rất ân hận, nhưng mà trong chuyến bay của bị cáo, mặc dù lúc đó bị cáo là giám đốc doanh nghiệp, bị cáo quyết định là dừng chuyến bay được, nhưng do chuyến bay rất đặc biệt từ Nga về. Lúc đó Vietsovpetro có văn bản đưa 38 chuyên gia sang để chữa giàn dầu khí của Việt Nam ở Vũng Tàu, bị cáo rất suy nghĩ. Sau 2 ngày, bị cáo quyết định vẫn bay, trên chuyến bay của bị cáo chở 38 chuyên gia Nga sang khắc phục sự cố dầu của Vietsovpetro…”, bị cáo Hiệp nói.

Và theo lời bị cáo Hiệp, ngoài ra thì chuyến bay thứ 2… bị cáo cũng rất tự hào, mặc dù chuyến bay nó không đủ chỗ nhưng mà bị cáo thông báo cho các đại lý bán vé không được bán hành lý để trên chuyến bay đó mang về cho nhân dân tỉnh Khánh Hòa 10.000 bộ kit-test và 10.000 bộ chắn bọt chống dịch.

Dự kiến, thứ 2 (ngày 17/7), phiên tòa chuyển sang phần tranh luận./.

Đọc thêm