Cách đây 21 năm, anh Minh bị bắt và bị Viện KSND huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau 18 tháng 20 ngày tạm giam, anh Minh bị đưa ra xét xử qua 3 phiên tòa, tuy nhiên, tại các phiên tòa, HĐXX đều tuyên “không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo”. Ngày 22/7/1998, anh Minh được nhận “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” và thay bằng “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Đi mượn vàng bỗng dưng bị bắt
Trong đơn, anh Minh trình bày: Ngày 2/2/1997, anh ra nhà anh Trần Hợp Sơn (ngụ tại Buôn Trấp) để gặp anh Nguyễn Bá Tính với lý do anh Tính hẹn ra nhà Sơn lấy 1 chỉ vàng cho vay để làm ăn.
Sau khi đi xe ôm tới trung tâm thị trấn Buôn Trấp, rồi đi bộ một đoạn mới tìm thấy nhà anh Sơn. Bước vào nhà, đã thấy anh Tính ngồi đó từ trước nên anh Minh đến nói chuyện.
Đang trong lúc anh Minh nói chuyện với hai người trên thì có 4 người đàn ông mặc thường phục bước vào. Họ hỏi về chiếc xe trong nhà và các máy móc phụ tùng xe máy có giấy tờ gì không? Khi đó chủ nhà là anh Sơn (làm nghề mua bán xe máy cũ) đã nhận chiếc xe đó của mình và nói có giấy tờ Miên (Campuchia - PV).
Anh Sơn có đưa ra giấy tờ để chứng minh. Sau đó họ hỏi thế chiếc xe cánh én (Honda Super Cub sản xuất năm 1980) dựng nơi đầu nhà là của ai thì anh Sơn nói là không biết.
Sau một hồi làm việc, 4 người trên cùng đi ra ngoài. Một lúc sau, họ trở lại và yêu cầu anh Minh và anh Tính cùng về trụ sở Công an huyện Krông Ana làm việc. Về trụ sở công an, anh Minh được một cán bộ điều tra hỏi về chiếc xe cánh én dựng đầu nhà.
Dù đã trả lời là “không biết” nhưng sau đó anh vẫn bị đưa xuống nhà tạm giam công an huyện Krông Ana. Mấy ngày sau, anh Minh lại được đưa ra tra khảo tiếp và bị khởi tố về tôi “Trộm cắp tài sản”.
Theo đó, cơ quan CSĐT cho rằng, anh Minh đã ăn trộm chiếc xe máy đang dựng trước nhà Sơn. Trong hồ sơ có viết, khoảng 20h30 ngày 2/2/1997, tổ tuần tra Công an huyện Krông Ana phát hiện anh Minh và Tính chạy xe máy với tốc độ cao đến nhà Sơn. Chiếc xe mà Tính và Minh chạy được xác định là của một người dân bị mất cắp trước đó vài ngày.
Trong khi đó, anh Minh khẳng định, anh đi bộ đến nhà anh Sơn để gặp anh Tính và không hề biết tại đây có chiếc xe máy. Điều tréo ngoe là anh Tính không thể lái xe do bị cụt tay phải thế nhưng những điều này đều bị phớt lờ. Bị tạm giam, anh Minh xin cán bộ quản giáo viết đơn kêu oan gửi Công an tỉnh Đắk Lắk nhưng lá đơn đó không được xem xét.
Ba phiên tòa “không đủ chứng cứ buộc tội”
Dù trong các bản cung, anh Minh luôn khẳng định mình vô tội nhưng vẫn bị Viện KSND huyện Krông Ana truy tố về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Ngày 2/10/1997, TAND huyện Krông Ana đưa vụ án ra xét xử, Trịnh Công Minh bị tuyên phạt 12 tháng tù giam, còn anh Tính bị tuyên 9 tháng tù. Thấy quá vô lý, anh Minh kháng án và viết đơn kêu oan gửi lên TAND tỉnh Đắk Lắk.
Đến ngày 18/12/1997, TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án trên ra xét xử. Trong phiên tòa này, TAND tỉnh nhận xét, “lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay cũng như lời khai của y tại cơ quan CSĐT và tại phiên tòa sơ thẩm Minh đều không thừa nhận trộm cắp chiếc xe máy C70, BKS 47-484 F8 vì Minh đến nhà Sơn chỉ vì mục đích mượn tiền theo lời hứa của Tính.
Đơn của anh Minh |
HĐXX xét thấy, trong quá trình điều tra những chứng cứ thu thập được chưa làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa quan trọng về việc định tội với bị cáo và việc truy tố xét xử chỉ dựa trên sự đối chất của Sơn, Tính và biên bản tuần tra của công an huyện là chưa đảm bảo tính khách quan của vụ án và cấp phúc thẩm không thể điều tra bổ sung tại phiên tòa được.
Từ những lập luận trên, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án Sơ thẩm số 46 ngày 2/10/1997 của TAND huyện Krông Ana để giao hồ sơ lại cho cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.
Ngày 26/6/1998, tòa sơ thẩm huyện Krông Ana xét xử lần 2 cũng tuyên trả hồ sơ cho Viện KSND vì “chưa đủ chứng cứ buộc tội bị cáo”. Như vậy, sau 18 tháng 20 ngày anh Minh bị tạm giam một cách khó hiểu, ngày 22/7/1998, Viện KSND huyện Krông Ana đã ra quyết định “Hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Công Minh”.
Được thả để trở về địa phương nhưng anh Minh vẫn bị buộc không được đi khỏi nơi cư trú. Lúc đó, anh Minh phẫn uất không chịu ra khỏi buồng giam vì cơ quan chức năng chưa nói rõ lý do thả. Nhưng cuối cùng, anh vẫn bị đẩy ra ngoài với tờ quyết định “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, cánh cửa phòng giam khô khốc đóng lại.
17 năm sống trong cảnh “giam lỏng”
Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên Câu chuyện Pháp luật khi còn sống, anh Minh đã đưa ra nhiều tài liệu, hồ sơ chứng minh mình bị oan bởi cách làm việc vô trách nhiệm của cơ quan hữu trách huyện Krông Ana. Từ ngày bị đẩy ra khỏi cánh cửa trại tạm giam, vợ chồng anh Minh đã làm đơn gửi đi khắp các nơi để đòi lại sự công bằng cho mình.
Hơn 17 năm trời, anh Minh phải đội lơ lửng trên đầu thân phận “bị can” với lệnh “Cấm đi khỏi nơi cư trú” một cách đầy khó hiểu.
Kể về quãng thời gian sống với “án treo” đó, anh Minh bức xúc: “Mỗi ngày trôi qua với tôi thật khó nhọc, tôi bị cả gia đình và bà con quanh vùng nghi ngờ vướng vào vòng lao lý. Sống với sự nghi ngờ xen lẫn sự khinh miệt thật không dễ dàng chút nào. Mỗi lần đi ra ngoài tôi phải cúi gằm mặt bởi những lời bàn ra, tán vào. Quá chán ngán, tôi giam mình ở trong nhà, không đi đâu cả.
17 năm tôi đã quen với sự chịu đựng trước sự soi mói của mọi người. Nhưng khổ nhất là vợ con tôi cũng bị vạ lây. Nếu vợ tôi mà không tin tôi, không hiểu cho tôi thì có lẽ tôi đã mất niềm tin vào cuộc sống này rồi”.
17 năm đem đơn thư đi khiếu kiện, kêu oan, anh Minh không thể nhớ rõ mình đã mang đi bao nhiêu đơn, gửi bao nhiêu cơ quan từ địa phương đến trung ương. Không nhớ rõ bao nhiêu lần anh phải đứng giữa trời mưa đội đơn kêu oan, thậm chí là cầu xin: “Hãy đưa tôi ra xét xử và phạt tù nếu như tôi có tội”.
Sau hàng trăm lá đơn gửi các cơ quan chức năng, các nơi anh gửi đều có hồi âm trả lời và văn bản hướng dẫn. TAND Tối cao đã có công văn số 560/PC-TANDTC-VP (ngày 15/7/2013) gửi đến VKSND huyện Krông Ana.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng có đã có 2 công văn, số 48/PCĐ-ĐQH (ngày 19/7/2013) và công văn số 47 (ngày 03/09/2013) gửi cho Viện KSND huyện Krông Ana xem xét giải quyết và báo cáo cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biết kết quả.
Công văn trả lời của các cơ quan chức năng |
Đến ngày 16/9/2013, anh Minh nhận được công văn số 01/2013/GB-TA của TAND huyện Krông Ana trả lời: Sau khi xem xét nội dung đơn thư khởi kiện xét thấy nội dung ông yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện KSND huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk). TAND huyện Krông Ana đã chuyển đơn và tài liệu của ông đến Viện KSND huyện Krông Ana để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thời gian đợi chờ đó, anh Minh cũng đã gửi hàng chục lá đơn tới Viện KSND huyện Krông Ana để được xem xét, giải quyết, thế nhưng cơ quan này vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Anh Minh cho biết, “phía Viện KSND huyện Krông Ana chưa có bất cứ công văn nào trả lời đơn thư của tôi và cũng chưa có bất kỳ cuộc làm việc nào với tôi cả. Có phải vì vụ việc của tôi quá lâu rồi họ không thể giải quyết được hay vì họ đang muốn né tránh, ém nhẹm vụ việc?”.
Mang theo nỗi tủi hờn xuống mồ
Trước lúc qua đời, anh Minh cầm tay tôi nghẹn ngào: “17 năm qua tôi chỉ muốn một lời xin lỗi công khai từ đại diện của cơ quan có thẩm quyền. Tôi bị bắt giam 18 tháng 20 ngày rồi lại mang nỗi oan suốt gần 2 thập kỷ là một nỗi đau, sự nhục nhã mà không phải ai cũng có thể chịu đựng nổi.
Xin lãnh đạo các cơ quan chức năng cho biết tôi còn phải chịu án “giam lỏng” này đến bao giờ? Và cơ quan nào là cơ quan giải quyết vụ việc của tôi?. Cơ quan nào “giải thoát” và xóa lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho tôi?”.
“Đó cũng là quãng thời gian, tôi phải mang nỗi nhục với anh em, họ hàng và bà con xóm làng. Nhiều người không hiểu lí do, ngọn nguồn, cơn cớ sự việc mà chỉ nhìn vào lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mà soi mói, bàn luận. Cũng vì chuyện bị truy tố với tội “trộm cắp tài sản” mà mẹ tôi đau lòng, đổ bệnh suốt một thời gian dài. Bà qua đời khi tôi chưa kịp chứng tỏ sự vô tội của mình.
Tôi còn nhớ mãi lúc cuối đời bà trăn trở “mẹ đã dạy con như thế nào, đói cho sạch, rách cho thơm”, tại sao con lại làm như thế? Nước mắt tôi lăn dài, cổ họng nghẹn đắng mãi mới thốt thành lời, mẹ phải tin con, con sẽ chứng minh cho mẹ thấy là con vô tội. Thế nhưng, với sự im lặng của cơ quan đã khởi tố thì làm sao tôi có thể chứng minh mình vô tội được?”, anh Minh nghẹn ngào khóc.
Sau hàng trăm lần gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan, đến ngày 16/3/2015, Viện KSND huyện Krông Ana mới ra quyết “Hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với anh Minh. Vài ngày sau, Công an huyện Krông Ana ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trịnh Công Minh.
Chị Tâm, vợ anh Minh |
Cứ ngỡ, sau khi được tháo cái “vòng kim cô” kia ra, thì nỗi nhục sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là niềm vui từ một lời xin lỗi từ các cơ quan tố tụng. Nhưng 3 năm đằng đẵng nữa lại trôi qua trong sự tuyệt vọng từ sự “im lặng” đáng sợ của cơ quan gán “bản án trên trời” đổ lên con người lương thiện.
Thế rồi, một ngày tháng 2/2018, anh Minh qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, anh Minh đã nắm chặt tay vợ mình trên giường bệnh, căn dặn phải tiếp tục đấu tranh đòi lấy lại danh dự cho bản thân: “Mình phải đòi lại công lý, phải giải oan cho tôi để con cái mình không còn mang danh con kẻ trộm cắp”.
Được biết, ngày 31/10/2018, chị Tố Thị Thanh Tâm (SN 1983, vợ anh Minh), đã gửi đơn đến Viện KSND huyện Krông Ana đề nghị tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho chồng.
Trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện KSND huyện Krông Ana thừa nhận trường hợp của anh Trịnh Công Minh là án oan. Vị này cho biết thời điểm xảy ra vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã để xảy ra sai sót dẫn đến oan sai đối với công dân.
Tuy nhiên, đơn đề nghị giải quyết vụ việc của vợ anh Minh lại một lần nữa bị “lòng vòng”, đùn đẩy ở những nơi được gọi là có thẩm quyền giải quyết. Vậy là, bản án “oan thấu trời” này liệu bao giờ mới được làm sáng tỏ?
Khoản 2 Điều 4 Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước quy định: “Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này”.
Khoản 5 điều 34 bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.