Vụ án cựu Bí thư Bến Cát (Bình Dương) kêu oan: Hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (25/5), sau hai ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại với vụ án có bị cáo là cựu Bí thư TX Bến Cát (Bình Dương) Nguyễn Hồng Khanh. 
HĐXX phúc thẩm xác định những cáo buộc cấp sơ thẩm đưa ra với  các ông Khanh, Hùng, Lộc là không đúng.
HĐXX phúc thẩm xác định những cáo buộc cấp sơ thẩm đưa ra với các ông Khanh, Hùng, Lộc là không đúng.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm, ông Khanh bị cáo buộc giúp sức cho hai cán bộ ngân hàng là ông Nguyễn Huy Hùng (GĐ BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) và ông Nguyễn Quang Lộc (Phó phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Khanh bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức khi mua tài sản thế chấp là khu đất của bà Hồ Thị Hiệp (đã chết) từ 2012 - 2015. Còn ông Hùng và ông Lộc bị cáo buộc xử lý tài sản thế chấp sai quy định, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Bản án sơ thẩm, ông Hùng bị tuyên 12 năm tù, ông Lộc 11 năm, ông Khanh 10 năm. Từ khi bị bắt đến nay, cả ba đều kêu oan.

“CQĐT Bình Dương vi phạm tố tụng”

Tòa phúc thẩm nhận định, giao dịch mua bán giữa ông Khanh và bà Hiệp là đúng luật. Quá trình xử lý nợ của ông Hùng, ông Lộc, không có cơ sở xác định o ép bà Hiệp hoặc mua bán giá rẻ gây thất thoát tài sản. Tài sản thế chấp không phải tài sản nhà nước, nên việc xử lý tài sản thế chấp nếu có vi phạm thì không đúng tội danh cấp sơ thẩm cáo buộc.

HĐXX TAND Cấp cao tuyên hủy án sơ thẩm đã kết tội ông Hùng, ông Lộc, ông Khanh; trả hồ sơ điều tra lại.

Theo cấp phúc thẩm, án sơ thẩm cáo buộc ông Hùng, ông Lộc xử lý tài sản thế chấp của bà Hiệp không đúng quy định; không đúng giá gây thất thoát tài sản nhà nước; cáo buộc ông Khanh mua tài sản thế chấp nhưng không nộp tiền vào tài khoản của bà Hiệp để ngân hàng thu hồi nợ, mà trả tiền mặt là đồng phạm giúp sức. 

Ngoài ra, CQĐT còn cáo buộc ông Khanh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng do chưa định giá được nên tách ra xử lý thành một vụ án khác.

Tòa phúc thẩm xét thấy, các hành vi mà cơ quan tố tụng Bình Dương cáo buộc vi phạm, xuất phát từ việc thỏa thuận xử lý tài sản thế chấp của cá nhân bà Hiệp. Tất cả cáo buộc cần được xem xét một cách toàn diện, xác định đúng bản chất vụ việc. Vì lẽ đó, việc tách riêng một số hành vi nêu trên trong vụ án này là trái quy định pháp luật.

Với tố cáo ông Khanh “câu kết với ngân hàng, ép buộc bà Hiệp bán tài sản thế chấp giá rẻ”, HĐXX nhận định, chứng cứ tại hồ sơ, lời khai của nhân chứng môi giới thì tố cáo không có căn cứ.

Ông Khanh không biết có việc xử lý tài sản thế chấp, không biết bà Hiệp và không biết cán bộ ngân hàng. Tố cáo là không đúng nhưng CQĐT chưa cho đối chất để làm rõ là vi phạm tố tụng.

Ngoài ra, CQĐT còn một số vi phạm tố tụng khác. Những vi phạm này, CQĐT cần rút kinh nghiệm.

“Giao dịch mua bán giữa ông Khanh - bà Hiệp là đúng luật”

Về nội dung vụ án, cấp sơ thẩm nhận định việc sai phạm trong quá trình xử lý tài sản thế chấp là hành vi vi phạm tài sản nhà nước. Với cáo buộc này thì khách thể xâm phạm phải là tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, theo hợp đồng thế chấp, tài sản bà Hiệp thế chấp là quyền sử dụng đất mà không giao tài sản thế chấp. Ngân hàng xác định tài sản thế chấp không phải tài sản ngân hàng. Như vậy, việc ông Khanh mua tài sản thế chấp, có sự đồng ý của ngân hàng có phải là Nhà nước hay không? Vấn đề này, chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.

Các bị cáo trong vụ án này có được giao tài sản nhà nước theo thẩm quyền hay không? Cấp sơ thẩm chưa xác định được vấn đề này để làm cơ sở xác định đúng tội danh phạm tội, dẫn đến việc buộc các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước” là chưa đầy đủ cơ sở. Vấn đề này phải được xem xét và đánh giá lại.

Việc xác định hành vi phạm tội của từng bị cáo. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Hùng, Lộc cấu kết với bà Hiệp là bên thế chấp và ông Khanh là bên mua trong việc mua bán tài sản thế chấp rẻ hơn giá thị trường; để ông Khanh trả tiền mặt bên ngoài cho bà Hiệp là hành vi thất thoát tài sản nhà nước.

Hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, người làm chứng, người liên quan thể hiện, bà Hiệp chủ động đề xuất cho ngân hàng để bán tài sản thu hồi nợ; là người rao bán tài sản, đăng công khai trên báo; có nhiều người đến hỏi mua nhưng mua với giá thấp; bà Hiệp khai ông Khanh là người mua giá gấp đôi với giá những người hỏi mua trước đó; ngân hàng có kiểm tra lại giá và thấy phù hợp; ông Khanh được người môi giới mời chào mua; ông Hùng, ông Lộc không có sự bàn bạc hay thỏa thuận nào với bà Hiệp hoặc với ông Khanh vì chưa bao giờ 3 bên ngồi lại với nhau… Do đó, không có cơ sở để nói việc xử lý tài sản thế chấp là rẻ do có sự bàn bạc giữa các bị cáo với bà Hiệp hoặc bà Hiệp bị o ép phải bán đất giá thấp cho ông Khanh gây thất thoát.

Đặc biệt, bị cáo Khanh, với tư cách là người nhận chuyển nhượng đất của bà Hiệp, có sự đồng ý của ngân hàng. Riêng việc trả một phần tiền cho bà Hiệp bên ngoài là dựa vào thỏa thuận mua bán với bà Hiệp và dựa vào đề xuất của bà Hiệp được ngân hàng đồng ý. Do đó, việc cáo buộc ông Khanh là đồng phạm giúp sức là chưa đủ cơ sở, không phù hợp.

Quan hệ mua bán giữa ông Khanh với bà Hiệp là đúng luật, không có chuyện bà Hiệp bị lừa dối, cưỡng ép hoặc không đủ nhận thức. Từ đó, việc tuyên các hợp đồng mua bán vô hiệu, tịch thu 1/2 số tiền đã mua bán là không có căn cứ.

Từ phân tích nêu trên, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, người liên quan, ý kiến đại diện VKS, luật sư bào chữa, hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.

Đọc thêm