Theo đó, HĐXX TAQS Trung ương đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng) giảm cho bị cáo từ chung thân xuống 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tòa bác kháng cáo của bị cáo này về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tổng hợp hình phạt chung của 2 tội danh bị cáo Thế Anh phải chấp hành là 22 năm tù.
Cùng tội “Nhận hối lộ”, HĐXX cũng giảm án cho bị cáo Lê Văn Phương (cựu phó Phòng CSGT Công an Trà Vinh) từ 3 năm 6 tháng tù xuống còn 3 năm tù và Phạm Hồ Hải (cựu trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên hải, Trà Vinh) từ 5 năm 6 tháng tù xuống còn 4 năm tù.
Đối với kháng cáo của bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và 5 bị cáo còn lại, HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ, xin được hưởng án treo của các bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. Trước đó, TAQS Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Bởi theo nhận định của HĐXX, những cống hiến của các bị cáo và gia đình với Nhà nước và quân đội, tòa sơ thẩm đã xem xét và áp dụng giảm nhẹ theo quy định. Tại phiên phúc thẩm, các tình tiết về bệnh tật, gia đình, tuổi già, khó khăn, cha mẹ già, con nhỏ mà 6 bị cáo đã nêu chưa phải là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt nhưng tòa vẫn xem xét cân nhắc. Tuy nhiên “không đủ để thay đổi đáng kể bản án sơ thẩm đã tuyên”, lời chủ tọa.
HĐXX TAQS Trung ương. |
Trước đó, nói lời sau cùng, các bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, đồng đội vì làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng quân đội, cảnh sát biển, làm gia đình, cha mẹ, vợ con đau khổ.
Cựu đại tá Thế Anh nói có gì sai bị cáo đã nhận hết. Thế Anh xin tòa giảm án cho Nguyễn Văn An (cháu họ, người giúp nhận tiền hối lộ). Còn cựu thiếu tướng Lê Văn Minh nói nhận thức mức án 15 năm của tòa sơ thẩm đã là một sự khoan hồng, nhưng vẫn “quá nặng nề” với ông trong lúc sức khỏe ngày càng giảm, nhiều bệnh tật.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi quen biết, lợi dụng ảnh hưởng của ông Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) đối với lực lượng cảnh sát biển, để thuận lợi việc buôn lậu xăng, Đào Ngọc Viễn (GĐ Cty TNHH Đại Dương Hải Phòng) đã nhiều lần rủ ông Thoại góp vốn cùng mình và Phan Thanh Hữu (Giám đốc Cty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh) để kinh doanh xăng dầu.
Cơ quan chức năng xác định ông Thoại cùng các bị cáo khác đã tham gia buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị gần 2.800 tỷ đồng, thu lợi tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thế Anh vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã đồng ý giúp đỡ để bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu. Thế Anh đã nhận hối lộ của Hữu số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.
Đối với Nguyễn Văn An (cháu của Thế Anh), mặc dù nhận thức rõ việc Hữu chi tiền là đưa hối lộ cho Thế Anh để giúp đỡ việc làm ăn phi pháp, nhưng An vẫn cố ý thực hiện hành vi giúp Thế Anh nhận tiền hối lộ của Hữu trong một thời gian dài. Từ tháng 10/2019-1/2021, An đã trực tiếp và qua Cao Phước Hoài, Nguyễn Văn Quân nhận tiền của Phan Thanh Hữu và đã chuyển cho Thế Anh tổng số 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.
Đối với bị cáo Lê Văn Minh, cơ quan chức năng xác định ông Minh vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong thời gian từ tháng 12/2019-1/2021, đã trực tiếp nhận và thông qua người nhà nhận của Hữu 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, “bảo kê” cho hoạt động vận chuyển, bôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.