Vụ án DN bị “tín dụng đen” đập phá tan hoang: CQĐT bị phản ánh “thiếu trách nhiệm, bỏ lọt tội phạm”

(PLVN) - Anh Nguyễn Văn Hà (SN 1989, con trai ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết, ngụ phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) có đơn đến Báo PLVN tố cáo ông Nguyễn Xuân Đường (tên thường gọi Đường Nhuệ - PV) và một số người có hành vi xâm phạm, chiếm giữ trụ sở công ty nhà mình; hủy hoại, cướp đoạt tài sản công ty, đe dọa giết người... Nhóm PV PLVN đã vào cuộc điều tra tìm hiểu.
Công ty Lâm Quyết bị cướp phá tan hoang
Công ty Lâm Quyết bị cướp phá tan hoang

Doanh nghiệp tố cáo bị đập phá tài sản, cướp giấy tờ 

Theo nội dung đơn thư, Công ty TNHH Lâm Quyết được thành lập năm 2006 do ông Nguyễn Văn Lẫm làm Giám đốc, vợ ông Lẫm là bà Phạm Thị Quyết làm thành viên. Công ty chuyên sản xuất kinh doanh đồ gỗ. 

Do ký được nhiều hợp đồng, cần nhiều vốn để mua vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nên vợ chồng ông Lẫm bà Quyết vay tiền của ông Nguyễn Xuân Đường nhiều lần, tổng cộng số tiền là 1,7 tỷ với lãi suất thỏa thuận miệng là 2.000 đồng/triệu/ngày, không có thời hạn vay.

Ngày 3/10/2017, vào khoảng 18h, khi ông Lẫm và bà Quyết không có mặt ở công ty, ông Đường bị cho là đã dẫn người mang theo dao kiếm đến Công ty Lâm Quyết đòi nợ, sau đó cho người ăn ngủ luôn tại văn phòng công ty. 

Sáng hôm sau, công nhân của công ty Lâm Quyết đến làm việc thì bị người của ông Đường đuổi ra ngoài. Mọi hoạt động sản xuất của Công ty Lâm Quyết do đó bị đình trệ.

Sau khi nhận tin báo, ông Lẫm được cho là đã điện thoại trình báo với Trưởng Công an TP Thái Bình. Sau đó, đại diện công an cấp xã cùng Công an TP Thái Bình đã đến công ty lập biên bản, yêu cầu nhóm người bàn giao lại toàn bộ nhà xưởng, tài sản của công ty cho người nhà của ông Lẫm trông coi quản lý. Dù công an địa phương đã ra lệnh trục xuất những người lạ mặt ra khỏi công ty, nhưng những người này vẫn bất tuân, vẫn chiếm giữ trụ sở, ăn ngủ ngay tại đó. 

Trong suốt thời gian này, ông Đường bị cho là thường xuyên gọi điện, đe dọa ép ông Lẫm phải ủy quyền hoặc bán công ty cho ông Đường. Ông Lẫm đã đưa ra nhiều bằng chứng về việc này, trong đó có file ghi âm cuộc nói vào tháng 10/2017, cho thấy ông Lẫm đã bị dọa rằng: “Nếu không bán công ty thì tốt nhất trốn đi chứ đừng về Thái Bình”, “Nếu bước chân về gặp ở đâu đánh ở đó”, “sẵn sàng cho đàn em đánh giết chấp nhận sau đó nuôi đàn em ở trong tù”…

Hoang mang lo sợ, ông Lẫm đã có đơn gửi tới Công an TP Thái Bình và các cơ quan chức năng khác của tỉnh, tố cáo sự việc. Công an TP Thái Bình đã mời ông Lẫm, bà Quyết đến để làm việc.

Tuy nhiên, ông Lẫm bà Quyết cho biết, bất ngờ rằng buổi làm việc này chỉ xoay quanh việc bà Quyết vay mượn dân sự của một người khác, chứ không hề làm việc về chuyện công ty ông Lẫm bà Quyết bị đập phá cướp tài sản, ông Lẫm bị dọa giết.

Hình ảnh nhóm người bị cho là đến Công ty Lâm Quyết cưỡng đoạt, đập phá tài sản (Hình do nạn nhân cung cấp)
Hình ảnh nhóm người bị cho là đến Công ty Lâm Quyết cưỡng đoạt, đập phá tài sản (Hình do nạn nhân cung cấp)

Ngày 18/10/2017, ông Đường tiếp tục cho thêm người đến Công ty Lâm Quyết đập phá hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản. Theo các clip ghi lại, những người này đã lục soát, đập phá hủy hoại tài sản, máy móc sản xuất, các loại gỗ tấm đã xẻ, các loại gỗ thành phẩm như khuôn hộp cửa, cánh cửa thành phẩm của các công trình công ty đang thi công. Một số cánh cửa trụ sở công ty, tủ tài liệu, bàn ghế làm việc… cũng bị tháo dỡ lấy đi.  

Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Theo đơn tố cáo của gia đình ông Lẫm, bà Quyết: “Hành vi hung hăng, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước của Nguyễn Xuân Đường và đàn em là coi thường pháp luật, gây đình trệ sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp mất khả năng cũng như điều kiện tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết với khách hàng; hủy hoại, làm hư hỏng và cướp tài sản của công ty, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Toàn bộ sổ sách, chứng từ xuất, nhập vật tư nguyên liệu, chứng từ thu chi cùng các bản thanh quyết toán công nợ của công ty bị người của Nguyễn Xuân Đường lục soát lấy đi hết…”.

Công ty bị đập phá, 27 công nhân, người lao động của công ty Lâm Quyết từ chỗ đang có công ăn việc làm ổn định với thu nhập bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng cũng bỗng nhiên thất nghiệp, cuộc sống lâm  vào  cảnh khó khăn.

Sau khi công ty bị đập phá, cướp tài sản, ông Lẫm và bà Quyết một lần nữa gửi đơn tố cáo đến Công an TP Thái Bình đề nghị khởi tố sự việc nhưng đề nghị này không được chấp nhận.

Ông Lẫm bà Quyết tiếp tục gửi đơn lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Bình. Hồ sơ được chuyển xuống Đội điều tra tổng hợp Công an TP Thái Bình thụ lý giải quyết. Ông Lẫm bà Quyết đã nhiều lần đề nghị Đội điều tra tổng hợp xuống hiện trường khám nghiệm hiện trường, điều tra xác minh, nhưng yêu cầu không được thực hiện.

Hơn ba tháng sau khi gửi đơn đến Công an TP Thái Bình, bà Quyết mới nhận được Thông báo số 01 (ngày 29/1/2018) của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình thông báo gia hạn thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Gia đình ông Lẫm cho rằng sau đó Công an vẫn không xuống khám nghiệm hiện trường, không xác minh xác định thiệt hại của công ty bị đập phá. Đến ngày 29/3/2018, Cơ quan CSĐT Công an Thái Bình có Thông báo số 12, thông báo không khởi tố vụ án hình sự.

Theo gia đình ông Lẫm bà Quyết: “Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã có dấu hiệu dung túng, bỏ lọt tội phạm khi không truy cứu trách nhiệm hình sự vụ việc, dù chúng tôi có các chứng cứ chứng minh hành vi của ông Nguyễn Xuân Đường và đàn em hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản của chúng tôi. Sự việc đã và đang gây bức xúc trong dư luận và người dân Thái Bình trong suốt nhiều tháng qua”.

Theo các chứng cứ mà ông Lẫm bà Quyết cung cấp, trong vụ án này, ông Nguyễn Xuân Đường còn có một số hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm khác; và một số cán bộ có thẩm quyền khi xử lý vụ việc đã xử ép ông Lẫm bà Quyết, làm sai quy định pháp luật. Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.  

Nhận xét về sự việc, Luật sư Trần Hồng Lĩnh (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) nói: “Sau khi xem đơn, xem các video clip, fie ghi âm và chứng cứ về vụ việc, tôi nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của tội “đe dọa giết người”, tội “xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác”; tội “cưỡng đoạt tài sản”; tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc xử lý vụ việc này, điều tra và có thông báo rõ ràng, tránh để dư luận đặt ra nghi vấn “phải chăng tội phạm được bao che?”.

Theo quy định pháp luật, nếu thực sự sự việc nghiêm trọng đúng như những gì nạn nhân tố cáo, nếu không vào cuộc, cơ quan điều tra địa phương còn có thể bị quy trách nhiệm xâm phạm hoạt động tư pháp, ví dụ như tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ”, tội “không truy cứu trách nhiệm Hình sự người có tội””.

Đọc thêm