Gây thiệt hại 26 tỷ đồng…
Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, trong quá trình triển khai bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho người dân 3 xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long (huyện Sơn Tây) có tài sản, đất sản xuất... thuộc diện giải tỏa đền bù của dự án thủy điện Đăk Đrinh (huyện Sơn Tây), ông Tô Cước (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăk Đrinh - đã chết) và Hà Văn Tiên (SN 1969, nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Tây, Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án) biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định.
Tuy nhiên, Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi.
Sau đó, ông Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên. Đồng thời, ông Cước còn chỉ đạo Tiên và Nguyễn Anh Dũng (SN 1956, nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án) trực tiếp triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh tại các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung.
Tiên và Dũng đã chỉ đạo cho địa chính của 3 xã nói trên là Nguyễn Vỹ Cường (SN 1983, xã Sơn Dung), Lê Khắc Tâm Anh (SN 1970, xã Sơn Liên) và Trần Minh Việt (SN 1986, xã Sơn Long) trực tiếp thực hiện chủ trương.
Cả 5 người này đều biết rõ chủ trương quy về chủ cũ là xác định không đúng cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Cước dẫn đến làm thiệt hại tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 26 tỷ đồng.
Cụ thể, tại xã Sơn Liên có 22 người chủ yếu làm nghề buôn bán, cán bộ… không sinh sống và không có hộ khẩu tại xã Sơn Liên, không đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp đã mua 113 thửa đất của người khác. Hội đồng bồi thường đã xác lập hồ sơ 113 thửa đất này có xác nhận của UBND xã Sơn Liên là đất thuộc quyền sử dụng của 39 người (trong đó có 5 người đứng hộ tên), những người này không trực tiếp sản xuất trên đất nhưng được Hội đồng bồi thường lập phương án và thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sai quy định gây thiệt hại hơn 9,6 tỷ đồng.
Tại xã Sơn Dung, với thủ đoạn tương tự, có 37 người mua đất làm nghề buôn bán, cán bộ công chức… không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đã mua 182 thửa đất và không canh tác. Để hợp thức hóa, nhóm người này đã nhờ 39 người dân bản địa đứng hộ tên vào diện nhận tiền bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp gây thiệt hại hơn 11,2 tỷ đồng. Tương tự ở xã Sơn Long gây thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng.
… nhưng chỉ nhận án treo
Ngày 23/1/2015, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 lãnh đạo, cán bộ của huyện Sơn Tây về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 17/4/2017, TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra xét xử vụ án trên, song do những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nhân chứng trong vụ án vắng quá nhiều nên HĐXX đã hoãn phiên tòa.
Tiếp đó, ngày 16/5/2017, TAND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa kéo dài 9 ngày, nhưng do vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ nên HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án, điều tra lại.
Tiếp đến, trong phiên xét xử sơ thẩm kéo dài từ ngày 12 đến 14/12/2017, đại diện VKSND đề nghị bị cáo Tiên mức án từ 7 đến 8 năm tù, bị cáo Dũng từ 6 đến 7 năm tù, bị cáo Cường và bị cáo Anh mỗi bị cáo từ 3 đến 4 năm tù. Riêng bị cáo Việt bị đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Liên quan đến vụ án này, HĐXX đã triệu tập 241 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan và 40 nhân chứng. Trong số 241 người HĐXX triệu tập có hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo cấp ngành ở nhiều địa phương liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ của dự án thủy điện Đăk Đrinh.
Tuy nhiên, đến chiều ngày 19/12, HĐXX chỉ xử phạt bị cáo Hà Văn Tiên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, xử phạt bị cáo Lê Khắc Tâm Anh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Riêng 3 bị cáo Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vỹ Cường, Trần Minh Việt được miễn hình phạt. Mức hình phạt này khiến nhiều người cho rằng có sự “giơ cao đánh khẽ”, chưa thể hiện được hết tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (là những người không thuộc đối tượng nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp) phải nộp lại tất cả số tiền vào ngân sách Nhà nước.