Vụ án “hai cú đá chết người” tại Thanh Hóa: Nội dung cáo trạng “vênh” kết luận giám định

(PLVN) -  Cho rằng nhiều thương tích trên người nạn nhân là do người khác gây ra, bị can Võ Ngọc Tuấn (SN 1970, trú tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) liên tục gửi đơn thư kêu oan, khiếu nại, cho rằng kết luận điều tra, cáo trạng chưa làm rõ nhiều nội dung và mâu thuẫn với hồ sơ tài liệu của vụ án.
Bị can Tuấn tại vị trí phát hiện và đá nạn nhân.

Nhiều vết thương chưa rõ ai gây ra?

Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn và cáo trạng của VKSND huyện Triệu Sơn, khoảng 23h30 ngày 30/8/2019, tại khu vực cánh đồng thôn Đô Thịnh (xã An Nông), Võ Ngọc Tuấn phát hiện vịt của gia đình mình bị ông Lê Cảnh Hiền trộm cắp nên đã dùng chân đá 2 cái vào vùng cổ, vùng mặt ông Hiền.

Nạn nhân bị thương, phải đưa đi cấp cứu do bị tổn thương sưng nề tụ máu nặng cùng cổ trên nền bệnh rối loạn đông máu, giảm tiều cầu, suy hô hấp dẫn đến hôn mê. Quá trình hôn mê, ông Hiền xuất hiện phản xạ nhai, nuốt, thở dẫn đến trào ngược thức ăn vào đường thở nên tử vong.

Với cáo buộc trên, Võ Ngọc Tuấn đã bị khởi tố, truy tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” theo khoản 4 Điều 134 BLHS (có hậu quả chết người).

Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn điều tra, bị can Tuấn đã liên tục có đơn khiếu nại cho rằng 2 cú đá của mình (xuất phát từ việc bực tức do đã nhiều lần bị bắt trộm vịt) không phải nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân.

Theo bị can, sau khi bị đá ở cánh đồng, ông Hiền vẫn đứng dậy đi về bình thường. Nhưng trên đường về nhà, ông Hiền đã bị ai đó gây thương tích dẫn đến suy hô hấp. Như vậy, vụ án có dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Nêu những mâu thuẫn trong việc quy kết của CQĐT và VKS, ông Tuấn cho rằng, rất nhiều vết thương trên người nạn nhân hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân và có thể thấy rằng đây không phải vết thương do ông gây ra. Đơn cử như vết thương không thuộc vùng mặt như vết bầm tụ máu 6,5x4,5cm vùng dưới núm vú phải, vết bầm tím vùng cổ trước đến vùng cổ bên trái; vết xước da mặt ngoài giữa đùi phải và mặt ngoài đầu gối trái…

Trong khi đó, CQĐT và VKS đều cho rằng, sau khi bị đá vào vùng cổ trái, ông Hiền đã bị ngã sang phải khiến phần mặt phải và phần mi mắt phải tiếp xúc với cạnh mương bê tông, gây ra vết thương vùng miệng, cằm, vùng mặt và mắt phải của bị hại.

Phản bác cáo buộc trên, ông Tuấn cho rằng, việc bị hại bị ngã sang phải không thể đồng thời gây ra vết thương ở thái dương phải, đuôi mắt phải và vùng giữa của môi dưới (gãy răng số 1, tức răng cửa) của nạn nhân. Vì nếu bị hại bị ngã nghiêng sang phải thì chỉ có thể bị vết thương ở thái dương hoặc đuôi lông mày phải chứ không thể gây thêm vết rách da khâu 9 mũi ở vùng giữa môi dưới được.

Đồng thời, nếu bị hại chỉ ngã 1 lần thì cũng không thể có đồng thời có hai vết rách, một ở cung lông mày phải (dài 3,2cm), một ở đuôi mắt phải (dài 2,5cm) và gây sung nề, bầm tụ máu ở hố mắt phải được.

CQĐT thu thập được gì từ hiện trường?

LS bào chữa cho ông Tuấn phân tích thêm, các vết thương ở hố mắt phải, ở vùng môi (gãy răng cửa), vùng cổ trước nạn nhân… đều phải do lực mạnh, tác động nhiều lần từ phía trước gây nên. Kết luận giám định (KLGĐ) cũng thể hiện vết thương này hình thành do vật tày tác động (chứ không phải vật tày có cạnh sắc như cạnh bờ mương bê tông).

“Rõ ràng, việc bị hại bị ngã nghiêng sang phải không thể gây ra những vết thương ở phía trước mặt. Nhưng không hiểu sao cả CQĐT và VKSND huyện Triệu Sơn vẫn coi toàn bộ những vết thương này do bị hại ngã nghiêng vào mương nước (có cạnh sắc) tạo ra mà không tôn trọng KLGĐ trong hồ sơ vụ án?”, LS nói.

Cũng theo LS, để chứng minh bị can gây ra vết thương trên, trách nhiệm của CQĐT là phải chứng minh rõ (có thể dùng vật thay thế để thực nghiệm điều tra) về việc cú ngã nghiêng bên phải gây ra được những vết thương phía trước cơ thể của nạn nhân, chứ không thể chỉ cho người thực nghiệm “ngã tượng trưng” để đưa ra kết luận mang tính suy đoán.

Cũng qua thực nghiệm (vắng mặt bị can), CQĐT cho rằng khi bị hại bò, trườn từ ruộng lúa lên mặt thành mương và khu vực ao qua mặt trát xi măng cát; thì mặt dưới (mặt trước) cơ thể tiếp xúc với cạnh mương, mặt thành mương, phù hợp với vết xước đùi phải và đầu gối trái của bị hại.

Tuy nhiên, LS cũng cho rằng việc thực nghiệm trên chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, mang tính suy đoán, khiên cưỡng, không sát các tình tiết nêu trong KLĐT. Bởi khám nghiệm tử thi đã kết luận rõ vết xước da ở vị trí mặt ngoài đùi phải, mặt ngoài gối trái (chứ không phải ở vị trí mặt trước cơ thể do bị hại bò trườn tạo nên).

Quan điểm cáo buộc này một lần nữa cũng đã không tôn trọng KLGĐ bởi cơ quan giám định đã khẳng định các vết xước da trên cơ thể bị hại tại đùi phải và gối trái hình thành do vật tày tác động (chứ không phải là vết chà xát với bề mặt bê tông).

Một chi tiết nữa chứng tỏ bị can bị oan, theo LS, là việc CQĐT đã không hể thu thập được bất cứ vết máu hay tế bào da nào ở vị trí được coi là nạn nhân bị ngã khiến rách da đuôi mắt, giập môi, xước da chân…; CQĐT cũng không thu thập được dị vật (đất, đá, xi măng…) ở các vết thương của nạn nhân. Vậy, lấy gì để khẳng định nạn nhân bị ngã ở vị trí mương nước bê tông, rồi bò lên mặt thành mương?

Được biết, hồ sơ vụ án đã được VKSND huyện Triệu Sơn chuyển đến TAND cùng cấp để chờ xét xử sơ thẩm.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm