Vụ án hai phụ huynh xô xát tại Long An: Tan nhà nát cửa vì nóng giận

(PLVN) - Vì chuyện học tập của con trẻ, hai phụ huynh xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát ngay trong trường học. Bị hại tố bị đánh bằng nón bảo hiểm gây thương tích. Bị cáo nói không đánh, chỉ xô bị hại để giải cứu vợ. Án phải trả đi trả lại nhiều lần, đến nay vẫn còn tranh cãi. Tại sao một vụ án “cỏn con” lại làm khổ cơ quan tố tụng, bị hại, bị cáo, người liên quan và nhân chứng suốt 4 năm.
Bị cáo Đức luôn kêu oan, cho rằng không đánh bị hại gây thương tích.
Bị cáo Đức luôn kêu oan, cho rằng không đánh bị hại gây thương tích.

Đánh nhau trong trường vì chuyện các con 

Phiên xử ngày 19/7 đối với bị cáo Trần Minh Đức (SN 1981, ngụ xã Bình Tâm, TP Tân An) về tội “Cố ý gây thương tích”, là phiên sơ thẩm lần 3 do TAND TP Tân An, tỉnh Long An thực hiện.

Phiên toà diễn ra trong không khí rất căng thẳng, nghiêm ngặt. Gần 20 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ tư pháp được huy động, nhiều kiểm sát viên có mặt dự khán. Tất cả người tham dự, kể cả người làm chứng, người liên quan đều bị kiểm tra, buộc phải bỏ giỏ xách, ba lô ra ngoài.

Theo cáo trạng được viết vào tháng 12/2017, khoảng 7h30 ngày 19/9/2015, tại phòng họp lớp 4/8 trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường 1, TP Tân An), Trần Văn Phong (bị hại) và bà Nguyễn Thị Thu Vân (vợ ông Đức) là hai phụ huynh học sinh cùng lớp.

Do có mâu thuẫn về chuyện học tập giữa hai con em, ông Phong tìm đến buổi họp, đập bàn, chửi bới bà Vân nên cả hai bị mời ra khỏi phòng. Bà Vân gọi điện cho chồng để đến đưa về nhưng chồng không nghe máy. Ông Phong và bà Vân ra phía trước phòng họp tiếp tục cự cãi.

Sau đó ông Đức biết chuyện, tìm đến. Cáo trạng cáo buộc ông Đức đi từ ngoài vào dùng nón bảo hiểm đánh một cái vào mặt khiến bị hại ngã xuống đất, tư thế hai tay chống ra sau, mông chạm đất. Bị hại bị chảy máu ở khu vực mặt mũi. Hai bên tiếp tục rượt đuổi ra ngoài đường từ phía cổng sau của trường.

Lúc này, lực lượng công an phường 1, TP Tân An đến yêu cầu bị hại đi bệnh viện và đưa ông Đức về trụ sở lấy lời khai.

Kết quả giám định thương tích của Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Long An cho thấy bị hại bị: Gãy xương chính mũi, sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Với tỷ lệ thương tích là 14%. Từ đó CQĐT Công an TP Tân An khởi tố, bắt tạm giam đối với bị cáo Đức về tội: “Cố ý gây thương tích”. Sau khi giam 14 tháng, bị cáo được tại ngoại.

Bốn năm khốn khổ 

Ngày 13/7/2016, phiên sơ thẩm thứ nhất được đưa ra xét xử nhưng buộc phải trả hồ sơ vì nhiều sai sót trong hồ sơ vụ án.

Đến cuối năm 2016, TAND TP Tân An mở phiên sơ thẩm lần 2, tuyên buộc bị cáo Đức 16 tháng tù. Ngày 22/3/2017, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Toà cũng kiến nghị CQĐT VKSND Tối cao xem xét, làm rõ theo thẩm quyền đối với điều tra viên Huỳnh Văn Quýt.

CQĐT phải nhiều lần ra kết luận điều tra bổ sung. Vụ án phải nhiều lần thay đổi kiểm sát viên, hội đồng xét xử. Đến tháng 12/2017, VKS ra cáo trạng mới nhưng vụ án không thể đưa ra xét xử với nhiều lý do, thậm chí TAND TP Tân An còn ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ văn bản của VKSND Tối cao (giải quyết tố cáo). Bị cáo buộc phải kháng cáo quyết định này thì phiên toà mới được mở lại. Sau nhiều lần hoãn, ngày 19/7 phiên xử được mở lại.

Trong suốt 4 năm, vụ án phải thực nghiệm điều tra đến 3 lần. Nhưng cả 3 lần đều vẫn còn tranh cãi. Có bản hiện trường bị cáo, nhân chứng nói không đúng, có bản bị hại, người làm chứng nói không đúng.

Tại sao vụ án được đánh giá là rất nhỏ nhưng phải kéo dài? LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) nói trước khi tranh luận nội dung: “Vụ án kéo dài là do những sai sót của cơ quan tố tụng, những vấn đề mâu thuẫn trong vụ án, thậm chí là có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ. Từ đó, khiến vụ án càng rắc rối, tranh cãi kéo dài và phải trả hồ sơ nhiều lần để làm rõ.

Một vụ án tưởng chừng rất đơn giản nhưng càng ngày càng phức tạp. Phức tạp vì hồ sơ càng ngày càng mâu thuẫn từ thương tích, cơ chế hình thành vết thương, mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng, của bị hại, bị cáo và giữa những người này với nhau. Tôi biết vụ án kéo dài 4 năm khiến bị hại, nhân chứng, người liên quan chịu nhiều bức xúc, bực bội. Nhưng đó không phải là lỗi của bị cáo. Lỗi thuộc về cơ quan tố tụng”.  

Hậu quả của việc án kéo dài là sự mất công, mất sức của bị cáo, của nhân chứng và người liên quan. Hậu quả mà như bị cáo nói lời nói sau cùng: “Suốt 4 năm qua, gia đình bị cáo tan nhà nát cửa. Nhà phải bán đi để theo đuổi vụ án. Con cái mặc cảm với xóm làng, bị bà con xa lánh, mất mát rất nhiều. Chỉ mong HĐXX có một bản án công tâm, là chỗ dựa cho một gia đình như bị cáo”.

VKS quy kết bị cáo trốn tránh trách nhiệm

Trở lại với phiên xét xử sơ thẩm lần 3, điều rất khó hiểu là tại sao các lần trước, kết luận điều tra và cáo trạng quy kết bị cáo phạm tội ở khoản 1 nhưng đến nay lại quy kết ở khoản 2 (mức án nặng hơn).

Đại diện VKS cho rằng dù còn một số mâu thuẫn, bị cáo không nhận tội nhưng có đủ hồ sơ, chứng cứ, lời khai khẳng định bị cáo phạm tội và đề nghị mức án từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù. VKS nói rằng bị cáo đang cố trốn tránh trách nhiệm, cố chối tội và các luật sư đang cố bảo vệ cho bị cáo chứ không bảo vệ pháp luật.

Vấn đề này bị luật sư phản ứng: “Vụ án kéo dài, để lại hậu quả nặng nề là do ai, do bị cáo hay do cơ quan tố tụng. Ở đây, do cơ quan tố tụng làm sai lệch hồ sơ vụ án khiến toà phải trả đi trả lại. Bị cáo trốn tránh như thế nào? Bị cáo trả giá rất nhiều.

Bị giam hơn 14 tháng. Gia đình tổn thất. Còn luật sư chúng tôi, ngoài việc bảo vệ thân chủ, còn bảo vệ pháp luật, chúng tôi đề nghị triệu tập nhiều người, đề nghị làm rõ nhiều vấn đề là nhằm làm sáng tỏ vụ án, giúp HĐXX có nhận định chính xác vụ án”.

Về nội dung vụ án, các luật sư cho rằng cơ chế hình thành vết thương trong vụ án rất lạ. Đỉnh nón bảo hiểm là vật tày nhưng lại gây ra vết thương hở. Đỉnh nón không thể gây ra vết thương này được vì gãy xương mũi chính là nơi mềm nên dù có tác động cũng không thể gây ra vết thương hở. Vị trí của những người làm chứng không thể nhìn thấy toàn bộ sự việc và có lời khai mâu thuẫn qua các lần làm việc với cơ quan điều tra và mâu thuẫn lẫn nhau.

Mũ bảo hiểm của bị cáo thì được nhân chứng mô tả rất chi tiết nhưng bị hại và vợ bị cáo thời điểm xảy ra sự viêc cũng có cầm nón bảo hiểm nhưng các nhân chứng lại không mô tả được, thậm chí là không biết màu sắc.

Các bản ảnh thực nghiệm hiện trường và biên bản hiện trường mâu thuẫn nhau. Hồ sơ giám định thương tích không có bản chụp X quang, bị hại nói rằng không có chụp ở cơ quan giám định nhưng trong kết luận giám lại có kết quả chụp X quang là gãy xương chính mũi phải. Vậy phim X quang này ở đâu? Các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Vụ án được nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 22/7 tới.

Đọc thêm