Quyết định đang bị kiện, vẫn cưỡng chế
Như PLVN đã phản ánh, năm 2008, ông Nguyễn Ngọc Quyết nhận chuyển nhượng thửa ruộng 654 m2 thuộc thửa số 1/80 ở xứ đồng Dương Lôi của gia đình ông Nguyễn Thọ Tuấn. Đây là một trong ba thửa có tổng diện tích 1.224m2 cùng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do UBND huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (cũ) cấp cho gia đình ông Tuấn. Vợ chồng ông Tuấn đã giao bản gốc sổ đỏ cho ông Quyết. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực. Ông Quyết sử dụng thửa đất từ đó đến nay.
Ngày 20/9/2017, UBND Từ Sơn có Quyết định số 1600A/QĐ-UBND thu hồi 545,8 m2 của hộ ông Tuấn tại thửa đất số 11, xứ đồng Dương Lôi. Ông Quyết khiếu nại vì vợ chồng ông Tuấn đã có đơn xác nhận việc chuyển nhượng đất, đề nghị UBND Từ Sơn thông báo và liên hệ với ông Quyết để thực hiện việc thu hồi, đền bù.
Ngày 27/7/2018, ông Quyết chôn cọc làm mốc và dựng biển cảnh báo “khu đất chưa đền bù, cấm xây dựng, mua bán” tại thửa đất thì bị cán bộ UBND và Công an phường Tân Hồng tổ chức phá dỡ và ra quyết định “tịch thu tang vật”.
Ông Quyết khiếu nại và bị bác khiếu nại nên đã khởi kiện vụ án hành chính. Ông đề nghị Tòa hủy quyết định thu hồi đất và hai quyết định giải quyết khiếu nại, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2019/HC-ST ngày 23/7/2019, TAND tỉnh Bắc Ninh bác yêu cầu khởi kiện của ông Quyết vì cho rằng giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tuấn và ông Quyết chưa có công chứng, chứng thực.
Ông Quyết kháng cáo. Ngày 6/12/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm nhưng do người bị kiện vắng mặt không có lý do nên phiên tòa phải hoãn. Trong khi vụ án đang chờ cấp phúc thẩm giải quyết thì ngày 10/12/2019, Chủ tịch UBND Từ Sơn đã ra Quyết định số 1198/QĐ-UBND thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất nhằm thực hiện quyết định thu hồi đất với ông Tuấn (thực chất là đất ông Quyết đang sử dụng).
Ngày 20/12/2019, ông Quyết có đơn đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội cấm thực hiện việc cưỡng chế. Ngày 25 /12 /2019 Văn phòng Luật sư Quang Dũng và Cộng sự là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Quyết cũng có văn bản gửi đến thẩm phán của TAND Cấp cao, cho rằng việc tổ chức cưỡng chế của UBND Từ Sơn tại thời điểm chưa có bản án có hiệu lực pháp luật là không đúng. Viện dẫn vào đơn của đương sự và Điều 71 Luật Tố tụng Hành chính 2015, luật sư đề nghị cấm thực hiện việc cưỡng chế, chờ kết quả giải quyết của Tòa án theo quy định.
Thế nhưng đề nghị của nguyên đơn và luật sư không được đáp ứng. Đến ngày 30/12/2019, lực lượng cưỡng chế thực hiện quyết định trên.
Dấu hiệu không thượng tôn pháp luật
Trước đó, ngày 19/12/2019, UBND Từ Sơn Sơn có Văn bản số 621/UBND-NC gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội, nêu rõ “trong quá trình TAND tỉnh Bắc Ninh thụ lý giải quyết, UBND, Chủ tịch UBND Từ Sơn đã cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. UBND, Chủ tịch UBND Từ Sơn đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc Quyết và xin giữ nguyên những nội dung đã trình bày từ trước đến nay, không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ nào khác”.
UBND Từ Sơn, Chủ tịch UBND Từ Sơn đề nghị được “vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc và xin được vắng mặt trong phiên xét xử của TAND Cấp cao tại Hà Nội với vụ án hành chính nêu trên do phải giải quyết các công việc tại địa phương, không thể tiếp tục tham gia vụ án được”. Phó Chủ tịch Hoàng Bá Huy là người được Chủ tịch UBND Từ Sơn ủy quyền tham gia tố tụng đã ký văn bản này.
Một luật sư đánh giá, theo nguyên tắc, bản án sơ thẩm bị kháng cáo là bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Trong khi chưa có bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật mà UBND Từ Sơn cưỡng chế thi hành việc thu hồi đất, bất chấp khiếu nại của công dân và hoạt động tố tụng của Tòa án; là bất bình thường, không thượng tôn pháp luật.
Việc từ chối, xin vắng mặt các buổi làm việc và phiên xét xử phúc thẩm là từ bỏ quyền lợi của mình nhưng cũng có thể hiểu là thiếu hợp tác với Tòa án, vi phạm về nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính. Khoản 15 và 16 Điều 55 Luật Tố tụng Hành chính quy định đương sự có nghĩa vụ “Tham gia phiên tòa, phiên họp; Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án”. “Chính cơ quan hành chính không tôn trọng Tòa án là vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay”, luật sư này nhận định.
TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng bị đánh giá là không kịp thời ngăn chặn việc cưỡng chế, đẩy người dân vào tình thế khó khăn bội phần trong hành trình xin được bảo vệ quyền lợi chính đáng tại Tòa án.
Được biết TAND Cấp cao tại Hà Nội chuẩn bị đưa vụ án ông Nguyễn Ngọc Quyết khởi kiện Chủ tịch UBND Từ Sơn, Bắc Ninh ra xét xử.
Theo quy định tại các khoản 15, 16 Điều 55 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, người bị kiện nói riêng, đương sự nói chung có quyền, nghĩa vụ: tham gia phiên tòa, phiên họp và phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.