Qua xem xét, Cục CSKT nhận thấy lô hàng không có dấu hiệu buôn lậu, đầy đủ tờ khai nhập khẩu và thủ tục xuất khẩu nên đã có văn bản gửi TCHQ, nêu rõ quan điểm.
Nhưng Cục ĐTCBL đã chuyển vụ việc cho Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Vụ việc đã được Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can bắt tạm giam với ông Trương Huy Liệu (Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng) và khởi tố bị can cho tại ngoại đối với bà Trần Thị Dung (Giám đốc Cty). Lô hàng 535,8m3 gỗ trắc đóng trong 21 container bị tạm giữ tại cảng Đà Nẵng. Sau đó đã bị Văn phòng CSĐT (C44) với sự đồng thuận của Vụ I VKSNDTC và Cục ĐTCBL TCHQ bán thanh lý “giá bèo” cho một doanh nghiệp tại Bắc Ninh khi chưa có phán quyết của tòa.
Ông Liệu bị bắt giam hơn 1 năm, Ngọc Hưng gần như bị phá sản. Ngoài lô hàng 535,8m3 bị thu giữ, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn niêm phong kho hàng của Cty tại 645 – 647 Lê Duẩn, phường Đông Lương, TP Đông Hà. Đây là lô hàng nhập khẩu theo 4 tờ khai hải quan khác nhau, hoàn toàn độc lập và không liên quan gì đến lô hàng bị tạm giữ tại Đà Nẵng.
Mặc dù DN đã chứng minh họ làm đúng các quy định của Nhà nước về nhập và xuất khẩu gỗ, lô hàng vẫn bị niêm phong. Sau 3 tháng, ngày 4/2/2013 cơ quan này đã tự ý dỡ niêm phong và mượn SEAL của Hải quan Quảng Trị, không phải là cơ quan tiến hành tố tụng để niêm phong. Đồng thời giao cho DN quản lý và chờ. Còn hồ sơ giấy tờ liên quan đến lô gỗ họ vẫn giữ.
Thế là với một biên bản bàn giao thiếu trách nhiệm, Ngọc Hưng không thể quản lý hay sử dụng tài sản của mình. Kho gỗ đã bị kẻ gian đột nhập lấy đi rất nhiều gỗ nhóm 1 quý hiếm. Công ty đã thông báo với cơ quan công an địa phương, làm biên bản và gửi cho Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhưng đều không nhận được hồi âm. Thiệt hại của DN không ai chịu trách nhiệm.
Mặc dù DN đã gửi đơn kêu cứu đến khắp các cơ quan có trách nhiệm nhưng vẫn không được lắng nghe, giải quyết. Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết thu thập chứng cứ tìm cho ra tội buôn lậu của Ngọc Hưng, nên đã triệu tập các nhân viên hải quan đã tham gia kiểm hóa lô hàng và các nhân viên của Ngọc Hưng.
Hậu quả là anh Trần Đình Quang nhân viên Ngọc Hưng là nhân chứng sau nhiều lần bị triệu tập ra Hà Nội lấy lời khai, đã gửi đơn tố cáo bị ép cung, vi phạm các quy định của luật tố tụng. Đơn của Quang lại được giao cho chính những người bị anh tố cáo thụ lý. Hậu quả là sau lần gặp cuối cùng với những điều tra viên mà anh tố cáo, khi trở về nhà, vì quá tuyệt vọng, anh Quang đã tìm đến cái chết và để lại thư tuyệt mệnh nói rõ nguyên nhân vì sao mình tự tử.
Cho đến nay cái chết của anh Quang vẫn chưa được điều tra kết luận. CQĐT còn khởi tố thêm 3 cán bộ nhân viên Hải quan (1 người ở Hải quan Đà Nẵng; 2 người ở Hải quan Quảng Trị) đều với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án đã được đưa ra xét xử qua hai cấp tại Đà Nẵng, những sai phạm của cơ quan tiến hành tố tụng đã lộ rõ. Việc hình sự hóa một quan hệ kinh tế, đã đẩy những người vô tội vào vòng lao lý, đẩy một DN đến bờ vực phá sản, có người bị nhục hình dẫn đến tự tử. Việc tự ý bán tang vật với giá bèo khi chưa có phán quyết của tòa đã được cơ quan điều tra của VKSNDTC khởi tố.
Nhưng vụ việc được sửa sai bằng bản án tuyên vừa đúng bằng số ngày bị giam với ông Trương Huy Liệu, án treo đối với những người khác. Còn tài sản bị tịch thu vô lý thì chưa thể đòi lại. Vụ việc đã gặp phải phản ứng dữ dội của công luận, đến cả diễn đàn Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng suốt hai nhiệm kỳ Quốc hội đã miệt mài đấu tranh bảo vệ Ngọc Hưng, vạch rõ vụ việc đã bị hình sự hóa, yêu cầu minh oan cho Ngọc Hưng. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã chính thức có ý kiến về vụ việc oan sai này. Nhưng đến nay, chưa có cá nhân nào bị chỉ đích danh chịu trách nhiệm trong vụ việc.