Vụ án khai giá bán đất thấp hơn thực tế tại Bình Dương: Trốn lệ phí trước bạ có phải là "trốn thuế"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến, ngày 23/7 tới đây, TAND huyện Phú Giáo sẽ mở phiên sơ thẩm vụ “Trốn thuế” vì kê khai giá chuyển nhượng đất thấp hơn giá thực tế. Bị cáo trong vụ án là bà Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967, ngụ ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa) và 2 người khác. Vụ án có những tình tiết pháp lý thú vị gây tranh luận như trốn lệ phí trước bạ có phải là “trốn thuế”? Con trai ký giấy bán đất cho mẹ cũng bị đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN), là có phù hợp?
Bị cáo Huệ cho rằng cần làm rõ hơn một số tình tiết trong vụ án. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Bị cáo Huệ cho rằng cần làm rõ hơn một số tình tiết trong vụ án. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

1 thửa đất, 2 vụ án, 3 người bị khởi tố

Theo hồ sơ, đầu năm 2019, bà Huệ cho bà Vương Thị Dung vay nhiều lần với tổng số tiền 14 tỷ đồng, lãi suất 1%/tháng.

Ngày 13/5/2019, bà Dung muốn vay thêm 10 tỷ đồng. Ban đầu bà Dung muốn thế chấp bằng thửa đất số 101, tờ bản đồ 09 tại xã Tân Long. Tuy nhiên, sau đó hai bên thỏa thuận bà Huệ mua lại thửa đất giá 18 tỷ đồng. Cùng ngày, hai bên lập hợp đồng đặt cọc 10 tỷ đồng, thống nhất sẽ ký hợp đồng mua bán vào 18/6/2019. Số tiền 8 tỷ đồng còn lại, bà Huệ trừ 2 tỷ đồng bà Dung nợ; và trả nợ thay cho bà Dung 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Huệ, vào ngày 18/6, do gia đình bên bán đất có việc bận, không thể thực hiện trích lục hồ sơ, ký hợp đồng mua bán nên bà Dung nhờ anh Trần Thanh Tài (con trai bà Huệ) đứng đại diện ủy quyền thay bà để thực hiện trích lục bản đồ, xác nhận bất động sản và ký hợp đồng mua bán. Bà Dung đưa cho anh Tài 1 triệu đồng là chi phí thực hiện trích lục hồ sơ.

Ngày 19/6/2019, được bà Dung ủy quyền, anh Tài chuyển nhượng thửa đất 101 cho bà Huệ, chính là mẹ của mình. Hợp đồng mua bán ghi giá 5 tỷ đồng và bên mua chịu trách nhiệm nộp toàn bộ thuế, phí, lệ phí (kể cả thuế TNCN).

Cho rằng việc bà Dung làm văn bản ủy quyền cho anh Tài cũng là mua bán đất nên với thửa đất này, Chi cục Thuế huyện Phú Giáo tính 2 lần thuế TNCN.

Ngày 26/6/2019, Chi cục Thuế xác định thuế TNCN của anh Tài và bà Dung mỗi người gần 146 triệu đồng; lệ phí trước bạ với bà Huệ 36,5 triệu đồng. Việc nộp thuế, lệ phí được tính theo giá đất nhà nước quy định; vì giá trên hợp đồng mua bán thấp hơn giá đất Nhà nước quy định. Sau khi có thông báo thuế, lệ phí, bà Huệ nộp thay cho anh Tài và bà Dung.

Sau khi được sổ đỏ cập nhật biến động, ngày 4/11/2019 bà Huệ lập hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) với giá 18 tỷ đồng; nhưng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng có công chứng là 3 tỷ đồng. Ông Quang là người nộp tất cả các loại thuế, lệ phí.

Ngày 26/11/2019, Chi cục Thuế Phú Giáo xác định thuế TNCN của bà Huệ là 146 triệu đồng; lệ phí trước bạ với ông Quang là 36,5 triệu đồng. Ông Quang đã nộp thuế, lệ phí và được cấp sổ đỏ.

Sau khi cấn trừ nợ từ việc mua bán thửa đất, bà Dung còn nợ bà Huệ 12 tỷ đồng. Ngày 9/4/2021, bà Huệ khởi kiện đòi bà Dung trả tiền.

Tuy nhiên, ngày 15/9/2022, phát sinh đơn đề nghị tòa xác minh việc bà Huệ trốn thuế khi chuyển nhượng đất. Ngày 16/02/2023, TAND huyện chuyển hồ sơ cho công an huyện để xác minh dấu hiệu “trốn thuế” TNCN từ việc ký hợp đồng mua bán đất giá thấp hơn giá thực tế.

Ngày 27/10/2023, CQĐT khởi tố bà Huệ trong vụ án “trốn thuế”. Tháng 1/2024 CQĐT khởi tố anh Tài và ông Quang cũng về hành vi “trốn thuế”. Sau này cả hai vụ án được gộp làm một.

Với vụ án thứ nhất, quá trình chuyển nhượng giữa bà Dung - bà Huệ, thì bà Huệ bị xác định có vai trò đầu vụ, anh Tài bị xác định là đồng phạm với số tiền trốn thuế, lệ phí 267,6 triệu đồng.

Với vụ án thứ hai, quá trình chuyển nhượng giữa bà Huệ - ông Quang, thì ông Quang bị xác định có vai trò đầu vụ, bà Huệ đồng phạm với số tiền trốn thuế, lệ phí là 267,6 triệu đồng.

Giấy biên nhận cho thấy tiền nộp thuế là bà Dung chuyển.

Giấy biên nhận cho thấy tiền nộp thuế là bà Dung chuyển.

Luật sư kiến nghị một số vấn đề cần làm rõ

Trong vụ án này, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng còn một số vấn đề cần làm rõ.

Thứ nhất, việc CQĐT xác định hành vi “trốn thuế” bao gồm cả lệ phí trước bạ là phù hợp hay không? “Tại khoản 1 và 2 Điều 3 Luật Quản lý Thuế thì khái niệm thuế và lệ phí khác nhau. Điều 200 BLHS xác định hành vi “trốn thuế” chứ không phải “trốn lệ phí”. Do đó, cần xác định lại số tiền “trốn thuế” trong vụ án”, LS Quynh nói.

Thứ hai, trong vụ án thứ hai, tại các thông báo thuế, giấy nộp tiền thuế đứng tên bà Dung, còn bà Huệ chỉ là người đóng thay. Bút lục 336 xác định, vào ngày 22/6/2019 bà Huệ có viết giấy nhận của một người phụ nữ tên là Trần Thị Hoài số tiền 300 triệu đồng với nội dung: “Tiền của bà Vương Thị Dung để đóng thuế đất Tân Long và phí công chứng bán đất cho tôi (Huệ - NV). Chi phí xong còn bao nhiêu trả lại bà Dung, nếu thiếu thì bà Dung trả thêm cho bà Huệ”.

“Mặc dù tại hợp đồng mua bán giữa bà Dung và bà Huệ có ghi bà Huệ là người nộp thuế, lệ phí. Nhưng trên thực tế tiền nộp thuế là bà Dung đưa; và theo quy định pháp luật bên chuyển nhượng đất mới là người nộp thuế, thông báo thuế, giấy nộp tiền thuế đều đứng tên bà Dung. Nên cần xác định rõ trong lần chuyển nhượng này ai mới là người nộp thuế, tránh bỏ lọt tội phạm”, LS Quynh nêu quan điểm.

Thứ ba, cần xem xét việc khởi tố truy tố anh Tài về tội “Trốn thuế” với vai trò đồng phạm. “Tài không tham gia quá trình mua bán. Việc đứng ủy quyền là do gia đình bên bán bận việc không thực hiện được trích lục hồ sơ và số tiền lớn nên không thể để người không quen biết đứng ủy quyền”, LS nêu quan điểm.

Thứ tư, nếu Chi cục Thuế cho rằng việc bà Dung ủy quyền cho anh Tài cũng là mua bán đất; thì khi anh Tài ký hợp đồng bán cho mẹ (bà Huệ - NV), theo Điều 4 Luật Thuế TNCN 2007, giao dịch này được miễn thuế. Tuy nhiên, Chi cục Thuế vẫn ra thông báo thuế TNCN 146 triệu đồng với anh Tài; và số tiền này đã được nộp. “Cơ quan tố tụng cần trừ đi số tiền đã nộp “lố” này, chứ không thể cộng cả 146 triệu đồng này để từ đó quy khung hình phạt với bị cáo”, LS nói.

Đọc thêm