Việc thực nghiệm hiện trường nhưng có tập dượt trước đó bị luật sư đánh giá vi phạm tố tụng |
Không vật chứng, vẫn “có đủ cơ sở”
Theo cáo trạng, khoảng 10h30 ngày 26/4/2019, được phân công kiểm tra việc khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực Suối Le thuộc xã Sông Lũy, ông Hoàng cùng cán bộ xã đến địa điểm trên, phát hiện xe ben BKS 86C-119.11 (do con trai ông Đông thuê người lái) đang chở đất sỏi. Tài xế cho xe bỏ chạy và bị chặn lại. Bị yêu cầu chạy xe về trụ sở xã, tài xế đóng cửa xe, bỏ đi.
Ông Hoàng gọi điện cho Chủ tịch xã và được yêu cầu tháo hai biển số xe (trước và sau) mang về xã. Nghe tin, con ông Đông chở theo cha mẹ đi vào hiện trường thì gặp ông Hoàng và một người khác cầm hai biển số xe đang chạy xe máy chở nhau đi ra. Hai bên dừng lại, lúc này ông Hoàng còn ngồi phía trước trên xe máy thì ông Đông đứng phía sau bên trái dùng vật sắc nhọn màu trắng đâm phía sau. Ông Hoàng quay mặt sang phải thì bị thương tích, bỏ chạy.
Kết luận giám định, vết thương trên mặt ông Hoàng do vật sắc gây ra, có chiều hướng từ phải sang trái, tỷ lệ thương tích là 11%. Ông Đông bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là “với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.
Tại phiên tòa, ông Đông trình bày: “Cáo trạng truy tố không đúng. Tôi bị oan. Tôi xuống xe, cầm chai nước, cách Hoàng khoảng 1,8m. Nói mấy câu, tôi ném chai nước trúng mặt Hoàng nhưng không biết trúng chỗ nào. Lúc đó Hoàng đứng đối mặt với tôi và lấy tay trái che mặt, bỏ chạy”.
Còn ông Hoàng khai: “Khi tôi còn ngồi trên xe, nghe tiếng ông Đông chửi bên trái phía sau nên quay mặt sang phải, thấy ông Đông cầm vật sắc nhọn dài khoảng 3-4cm đâm. Tôi nhìn sang phải nên trúng vào má phải”.
Khi được luật sư hỏi: Tại sao lời khai ban đầu nói bị đâm bằng dao bấm nhưng lần sau lại nói là vật sắc nhọn, ông Hoàng nói: “Do lần đầu nghĩ là dao nhưng do không thấy cán nên lần sau khai là vật sắc nhọn”.
Nhân chứng Phan Tấn Đồng khai rằng ngồi sau ông Hoàng và thấy ông Đông đứng bên trái, đâm bằng vật sắc nhọn dài 3 – 4cm. Ông Hoàng ôm má phải thì thấy có máu. Nhân chứng Thế Anh khai: “Tôi thấy ông Đông đánh vào mặt Hoàng. Tôi không nhìn thấy trên tay ông Đông là vật gì”.
Hai nhân chứng khác là vợ con ông Đông khai thấy ông Đông cầm chai nước khi bước xuống xe.
VKS cho rằng dù ông Đông không thừa nhận nhưng qua lời khai nhân chứng, chứng cứ khác và thực nghiệm hiện trường, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội. VKS đề nghị tuyên ông Đông 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam, bồi thường 40 triệu đồng.
Dấu hiệu thông cung, tiêu hủy vật chứng
Phản bác lập luận của VKS, LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS Đồng Nai) nói: “VKS cứ khăng khăng ông Đông dùng vật sắc nhọn nhưng vật đó là vật gì, con dao, miếng sắt, cây kim, cái kéo… Vật đó ở đâu ra và hiện đang ở đâu? VKS buộc tội ông Đông bằng chứng cứ gián tiếp là lời khai của bị hại và hai người làm chứng. Lời khai cả ba người này có sự mâu thuẫn và liên tục thay đổi. Khi bị hại thay đổi thì hai người kia cũng thay đổi và giống nhau về thời gian, nội dung”.
“Ông Hoàng ngồi trên xe, khai rất rõ là có tiếng ông Đông chửi bới bên trái nhưng lại quay mặt sang bên phải để nhìn. Ông Đông đứng bên trái nhưng sao không đâm thẳng vào ông Hoàng mà đâm vòng từ sau ra trước, về bên phải để trúng má phải ông Hoàng. Ông Hoàng quay lại mấy lần để nhìn thấy vật sắc nhọn và bị đâm? Một hay hai?”.
Quan trọng nhất là tư thế cầm hung khí của ông Đông. Lần đầu, ông Hoàng khai ông Đông cầm hung khí có lưỡi lòi ra ở ngón út, sau đó lại khai “nhìn thấy vật sắc nhọn lòi ra từ giữa ngón trỏ và ngón cái (ngược lại so với lần đầu). Đến khi thực nghiệm hiện trường thì lại cầm hung khí lòi ra ở ngón út. Vậy đâu mới là tư thế cầm hung khí?
Theo LS, thực nghiệm hiện trường cho thấy, từ tư thế quay mặt đến cách ngồi trên xe của ông Hoàng và nhân chứng Đồng đã được sắp đặt làm thế nào cho phù hợp với cáo buộc, chứ không phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Nhân chứng Đồng khai trước khi thực nghiệm hiện trường thì đã được VKS cho diễn tập, hướng dẫn trước. Tại sao có điều lạ thường này? Và người đóng thế ông Đông thì ai hướng dẫn cho người đó những động tác?
LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP HCM) thì có ý kiến: “Trước đây, nhân chứng Thế Anh khai có thấy chai nước và nói chai nước đó của ông Đông. Đến lúc đối chất, vẫn còn chai nước của ông Đông. Nhưng hôm sau, điều tra viên lấy lời khai lại thì chai nước biến mất. Tôi thấy có dấu hiệu thông cung, mớm cung, người làm chứng khai báo không trung thực, không đúng sự thật”.
LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nêu: “Kết luận giám định có vấn đề. Theo quy định thì vết thương có ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay không chứ không hề có “ảnh hưởng thẩm mỹ nhẹ”. Thời điểm xem xét vết thương là còn mới, chưa ổn định, là chưa phù hợp với quy định về giám định. Vết thương không ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì chỉ có tỷ lệ thương tích từ 4 – 7%. Kết luận 11% là không thể được. Ngoài ra, việc Chủ tịch xã chỉ đạo tháo biển số xe là trái luật, không đúng thẩm quyền từ đó mới gây ra vụ án”.
Trả lời các LS, về hung khí, VKS “đoán” vật sắc nhọn là một miếng thép do ông Đông tự chế. Còn vấn đề tập dượt trước khi thực nghiệm hiện trường là “do chưa nắm rõ hiện trường nên phải làm trước”.
Phần tranh luận diễn ra hơn 1 ngày xoay quanh những vấn đề mà LS đặt ra. HĐXX nhiều lần quay lại thẩm vấn những người tham gia tố tụng. HĐXX quyết định nghị án kéo dài đến ngày 3/6 sẽ tuyên án.