Vụ án “Kiện đòi tài sản” ở Thanh Hóa: Tòa án bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng có làm sai lệch bản án?

(PLVN) -  Xuất phát từ việc vay tiền nặng lãi, anh Phạm Văn Thanh (xã Định Thành, huyện Yên Định) phải ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, để chỉ mục đích ràng buộc số tiền đã vay nợ. Sau đó, chủ nợ đã âm thầm sang tên, đổi sổ đỏ thành chủ sở hữu.

Theo Anh Phạm Văn Thanh (trú thôn 9, xã Định Thành, huyện Yên Định, Thanh Hóa) trình bày, năm 2000, anh và vợ Bùi Thị Chung mua 200m2 đất tại thửa số 646, tờ bản đồ 33 của ông Phạm Văn Hào. Năm 2012 vợ anh mất vì không may bị bệnh hiểm nghèo, một mình anh phải nuôi 2 đứa con, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn.

Năm 2014, anh có vay của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hồng, vợ bà Đỗ Thị Hòng ở cùng xã Định Thành, số tiền 30 triệu đồng, lãi xuất 3.000 đồng/ngày/triệu, việc vay tiền được ghi vào sổ nợ do vợ chồng ông Hồng, bà Hòng quản lý.

"Do gặp khó khăn kinh tế, tôi không trả được lãi đúng hạn nên bị cộng dồn lãi vào gốc. Năm 2015, vợ chồng ông Hồng, bà Hòng yêu cầu tôi phải làm Hợp đồng thế chấp nhà đất, thì ông Hồng, bà Hòng sẽ cho vay thêm 120 triệu đồng. Tính cả gốc và lãi đến thời điểm đó tôi phải nhận khoản nợ 350 triệu đồng trong thời hạn 1 năm.

“Ông Hồng, bà Hòng chốt nợ lên đến 600 triệu đồng, đồng thời đề nghị tôi thay hợp đồng thế chấp sang Hợp đồng chuyển nhượng. Tôi không đồng ý nhưng ông Hồng lại cho người đến nhà đe dọa, ép buộc tôi phải ký. Mặt khác vợ chồng ông Hồng lại cam kết việc ký Hợp đồng chuyển nhượng chỉ là hình thức để bảo đảm tôi sẽ trả số tiền gốc và lãi”, anh Thanh nói.

Vẫn theo lời anh Thanh, do không có tiền trả nợ cộng với việc bị ép buộc nên tôi phải ký Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng ông Hồng, bà Hòng (hai bên ký không có sự tham gia của công chứng viên), đồng thời tôi phải ký giấy nhận số tiền 1 tỷ đồng. Trên thực tế, số tiền 1 tỷ tôi không được nhận mà chỉ là giấy tờ khống, do tiền lãi nặng phát sinh từ khoản nợ 350 triệu đồng từ năm 2015.

Hợp đồng chuyển nhượng gạch xóa, bỏ trống, không đóng giáp lai theo quy định

Anh Thanh trình bày, sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 14/03/2016 được vài tháng, ông Hồng đã làm thủ tục sang tên với lý do nếu anh Thanh không trả được thì sẽ bán thu hồi nợ, tiền còn thừa sẽ trả lại cho anh Thanh.

Được biết, trong quá trình Tòa án huyện Yên Định giải quyết vụ tranh chấp kiện đòi tài sản. Anh Thanh đã đề nghị Tòa án Yên Định hủy Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa anh Thanh và ông Hồng, bà Hòng; hủy giấy chứng nhận QSD đất do ông Hồng, bà Hòng đã sang tên. Sau đó vụ án được chuyển lên Tòa án tỉnh Thanh Hóa để thụ lý.

Ngôi nhà của ông Thanh tại thôn 9, xã Định Thành, huyện Yên Định

Hành vi giả mạo chữ ký bị Tòa án bỏ qua

Ngày 24/6/2019, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa vụ án tranh chấp “Kiện đòi tài sản” ra xét xử, anh Thanh đã đề nghị Tòa án làm rõ chữ ký giả mạo ghi dưới phiếu người yêu cầu công chứng Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất.

“Hợp đồng chuyển nhượng ngày 14/3/2016 là do vợ chồng ông Hồng, bà Hòng đã soạn thảo trước và mang cho tôi ký, không có mặt công chứng viên", anh Thanh cho biết.

Theo Kết luận giám định ngày 09/05/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thanh Hóa, chữ ký trong Phiếu yêu cầu công chứng Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 14/03/2016 không phải chữ ký của anh Phạm Văn Thanh.

 

Như vậy, ai giả mạo chữ ký của anh Thanh tại tờ khai yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng ngày 14/3/2016 thì chỉ có ông Hồng, vợ bà Hòng và công chứng viên Nguyễn Thị Nga (Văn phòng công chứng Thiệu Hóa) mới biết? và đó là bằng chứng mấu chốt của vụ án này. Tuy nhiên vấn đề này lại chưa được Tòa án tỉnh Thanh Hóa làm rõ.

Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì, hợp đồng chuyển nhượng không được công chứng trước mặt công chứng viên nên về hình thức hợp đồng có rất nhiều vi phạm; hợp đồng chuyển nhượng có 5 tờ, 5 trang nhưng không được đánh số trang hay đóng dấu giáp lai, vi phạm quy định tại Điều 49 Luật Công chứng 2014.

"Các vi phạm nêu trên hoàn toàn với thực tế là công chứng viên đã ghép bản hợp đồng chuyển nhượng đã có chữ ký hai bên để ghép vào lời chứng của công chứng viên", Luật sư cho biết.   

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/06/2019, Tòa án tỉnh Thanh Hóa lại không truy xét, làm rõ hành vi giả mạo chữ ký yêu cầu công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 14/03/2016 dẫn đến phán quyết bản án sơ thẩm số 11/2019/DS-ST ngày 24/06/2019 buộc anh Phạm Văn Thanh phải trả lại cho ông Hồng, bà Hòng căn nhà 3 tầng năm trên diện tích 200 m2, thửa số 646, tờ bản đồ số 3, thôn 9, xã Định Thành của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phản ánh không đúng sự thật khách quan.

Ngay sau khi kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, anh Phạm Văn Thanh, người có quyền lợi liên quan đã gửi đơn kháng cáo và được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 20/2/2020 tuy nhiên vụ án được tạm hoãn, hiện vẫn chờ ngày xét xử.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm