Ngày 18/8/2009, Cty Tài chính TNHH MTV cao su Việt Nam (Cty Tài chính cao su) và Cty Hoàng Thịnh ký Hợp đồng tín dụng (HĐTD) cho vay dài hạn với thời hạn 8 năm, kể từ ngày bên vay rút khoản vay đầu tiên là ngày 21/8/2009. Tuy chưa hết thời hạn hợp đồng (ngày 21/8/2017), nhưng lấy lý do Cty Hoàng Thịnh không trả lãi vay đúng hạn, Cty Tài chính cao su đã khởi kiện đòi nợ đối với Cty Hoàng Thịnh. Sau đó, tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh đã buộc Cty Hoàng Thịnh phải trả cả tiền gốc và lãi cho nguyên đơn là 14.075.089.167đ.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 2/10/2012, Tòa phúc thẩm TANDTCtại TP HCM có sửa bản án sơ thẩm nhưng vẫn giữ nguyên nội dung yêu cầu Cty Hoàng Thịnh phải trả 14.075.089.167đ cho Cty Tài chính cao su.
Thời điểm hai bên ký Hợp đồng thì thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004), Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam (ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng), và Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 của Thống đốc NHNN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế trên)…
Ngoài các quy định nói trên, không có quy định nào (kể cả BLDS) cho phép phạt nhiều lần về cùng một vi phạm trong HĐTD. Điều 7 HĐTD số 01/2009/HĐDH-TCCS-GD5 (ngày 18/8/2009) được ký giữa Cty Tài chính cao su và Cty Hoàng Thịnh có ghi: “Bên vay trả lãi từ ngày 1 đến 10 hàng tháng. Đến ngày trả lãi, bên vay chủ động trả lãi cho bên cho vay. Nếu bên vay không trả lãi đúng hạn thì sẽ chịu phạt theo mức 5%/số tiền lãi chậm trả”. Thỏa thuận này của các bên là trái với quy định của pháp luật, cần phải tuyên bố là vô hiệu.. Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm không phát hiện ra điều này mà còn viện dẫn và căn cứ vào nội dung Điều 7 của HĐTD số 01/2009/HĐDH-TCCS-GD5 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
Để đảm bảo cho khoản vay 20 tỷ đồng, Cty Hoàng Thịnh đã phải ký 3 hợp đồng thế chấp với nội dung rất rõ ràng: Hợp đồng số 56 và 56C để đảm bảo cho khoản tiền 10 tỷ đồng (mỗi hợp đồng đảm bảo cho khoản vay 5 tỷ đồng). Số tiền 10 tỷ đồng này đã được giải ngân.
Còn hợp đồng thế chấp số 56B là để đảm bảo cho khoản tiền vay 10 tỷ đồng tiếp theo. Nhưng tại Bản án phúc thẩm số 01/2012/KDTM-PT (02/10/2012), HĐXX Tòa phúc thẩm TAND tại TP HCM lại nhận định: “Các hợp đồng thế chấp này không phân biệt cho khoản vay theo khế ước nhận nợ nào”.
Theo bà Trang thì nhận định trên mang tính chủ quan, áp đặt, duy ý chí. Việc các bên ký Hợp đồng thế chấp số 56B là để đảm bảo cho khoản tiền vay 10 tỷ đồng tiếp theo. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản hình thành từ vốn vay trong tương lai (Dự án trồng cao su kết hợp quản lý bảo vệ rừng trên diện tích 532,25 ha, được định giá trên 60,7 tỷ đồng) là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số (GCNQSDĐ) AN 949298 ngày 24/4/2009 do Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cấp cho Cty Hoàng Thịnh (diện tích đất 532,25 ha). Cty Hoàng Thịnh cùng với Cty Tài chính cao su đem GCNQSDĐ nói trên đến Trung tâm thông tin- đăng ký quyền sử dụng đất Lâm Đồng để đăng ký thế chấp tài sản. Như vậy, Cty Hoàng Thịnh đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với mong muốn vay tiếp 10 tỷ đồng. Nhưng Cty Tài chính cao su không giải ngân 10 tỷ đồng (lần 2) này. Như vậy, Cty Tài chính cao su (bên cho vay) đã vi phạm nghĩa vụ, vi phạm cam kết “có trách nhiệm cung cấp vốn vay theo yêu cầu của bên vay đã ghi trong hợp đồng”.
Nếu không cho Cty Hoàng Thịnh vay tiếp thì Cty Tài chính cao su phải giải chấp khối tài sản gắn liền với GCNQSDĐ số AN 949298 để Cty Hoàng Thịnh có điều kiện tìm đối tác khác để vay vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đã gần 5 năm trôi qua Cty Tài chính cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đã không thực hiện việc giải chấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp khi muốn dùng tài sản này để thế chấp vay vốn và thực hiện nghĩa vụ khác của mình.
“Hành vi “om” khối tài sản 532,25 ha đất rừng sản xuất, “om” 60,7 tỷ đã của Cty Tài chính cao su đã gây tác hại, cản trở sự phát triển của Cty Hoàng Thịnh- là doanh nghiệp rất tâm huyết đối với nghề trồng rừng. Chúng tôi không biết lấy tài sản nào nữa để thế chấp vay vốn để hoạt động, chi lương cho công nhân, lương bảo vệ, chi phí trồng cây, chăm sóc cao su…Trong khi đó, giá cao su hiện đang bị sụt giảm nên doanh nghiệp lại càng gặp muôn vàn khó khăn”- bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.
Với nhiều thiếu sót trong bản án sơ thẩm, phúc thẩm như bà Trang đã phản ánh trên đây thì việc xem xét vụ án kinh doanh thương mại giữa Cty Tài chính Cao su và Công ty Hoàng Thịnh theo trình tự giám đốc thẩm là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.