Vụ án làm thay đổi đất nước

(PLVN) - Ở nước Anh, vụ án mạng xảy ra năm 1993 nhưng đến tận năm 2012 mới được đưa ra xét xử trước tòa án và có phán xử tuy đơn giản nhưng lại thuộc diện những vụ trọng án làm cho đảo quốc này thay đổi rất cơ bản về chính trị, pháp lý và xã hội. 

Rất nhiều người Anh và chính trị gia ở Anh cho rằng vụ án này đã làm cho đảo quốc cởi mở hơn và khoan dung hơn so với tất cả các nước khác ở châu Âu, trên phương diện mối quan hệ giữa người nước ngoài và người Anh, giữa người da trắng và người da.

Vụ việc xảy ra hồi tháng 4/1993 tại một bến đỗ xe buýt công cộng ở khu dân cư phía Nam thủ đô London của nước Anh. Chàng thanh niên da mầu Stephen Lawrence (18 tuổi) cùng bạn thân đợi xe. Đột nhiên có 5 thanh niên da trắng ập đến và dùng dao đâm nhiều nhát vào Lawrence, vừa đâm vừa hô to: “Thằng da đen khốn kiếp”. Stephen Lawrence bỏ chạy được khoảng 100m thì ngã gục xuống, chết vì bị mất nhiều máu. Cảnh sát tiến hành điều tra, bắt được nghi phạm nhưng không chứng minh được những nghi phạm kia là thủ phạm.

Công bằng mà nói thì cảnh sát tiến hành điều tra không được kỹ càng và chuyên nghiệp, không biết vì yếu kém về chuyên môn hay  không nhiệt tình điều tra ra thủ phạm bởi nạn nhân là người da đen. Trong suốt 18 năm sau đó, cha mẹ của chàng trai bị sát hại kia kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho con trai mình. Họ làm tất cả những gì có thể làm được để dư luận, xã hội và chính giới phải chú ý đến vụ án và phải tiến hành điều tra lại vụ việc.

Không nhờ có những nỗ lực bền bỉ này thì vụ sát hại chàng thanh niên xấu số đã nhanh chóng bị quên lãng ngay ở nước Anh. Năm 1998, sau khi Công đảng Anh trở lại cầm quyền, chính phủ Anh cho lật lại vụ việc và điều tra lại từ đầu. Từ những chứng cứ còn có được, đặc biệt là từ những sợi tóc và 2 vết máu khô, cảnh sát Anh nhận diện ra được 2 trong số 5 kẻ đã giết chết Stephen Lawrence năm 1993.

Năm 2012, hai người này bị đưa ra xét xử trước tòa và bị khép vào tội giết người. Hai sát thủ kiên quyết không khai ra danh tính của 3 người còn lại nên cảnh sát chưa bắt giữ được họ. Một vụ án mạng thuần túy nhưng lại có tính chất chính trị và xã hội khi động cơ gây án của những kẻ giết người là kỳ thị sắc tộc và người nước ngoài. Vụ án vì thế không còn là một vụ án hình sự bình thường nữa mà trở thành chuyện chính trị-xã hội đối với cả nước Anh.

Chính giới và xã hội Anh đột nhiên nhận thấy những khiếm khuyết và bất cập trong hệ thống pháp lý, nhận thấy những nguy cơ bùng nổ xung khắc về chính trị xã hội nội bộ trên đảo quốc và tổn hại về thể diện quốc gia trên thế giới. Pháp luật mới được ban hành. Chính phủ đã có hành động cụ thể để chống phân biệt sắc tộc, tôn giáo.

Vụ án này cũng tác động như một cú sốc thực sự đối với xã hội Anh và vì thế cũng thôi thúc chuyển biến trong nhận thức của xã hội về mối quan hệ giữa người khác biệt về chủng tộc và tôn giáo ở Anh. Chỉ có điều là vụ án vẫn chưa thật sự kết thúc vì vẫn còn 3 thủ phạm nữa chưa sa lưới pháp luật.

Đọc thêm