Vụ án liên quan dự án KDC Tam Phước: Hơn 200 bị hại kỳ vọng sau quyết định của TANDTC

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần nhập vụ án bị cáo Tình - Sương “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vụ án hai bị cáo này “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” làm 1; hàng trăm người bị hại trong vụ án tin tưởng quyền lợi chính đáng của họ sẽ được đảm bảo, sẽ lấy lại được tài sản đã bị chiếm đoạt.
Các bị hại tham dự phiên xử vào năm 2019.
Các bị hại tham dự phiên xử vào năm 2019.

Bất thường 1 thủ phạm, 1 vật chứng, lại tách làm 2 vụ án

Theo hồ sơ vụ án, năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt tỷ lệ 1/500; Quyết định thu hồi đất; Quyết định giao 157ha đất cho Cty CP Sài Gòn Cây cảnh (đại diện là GĐ Nguyễn Văn Tình và vợ là PGĐ Nguyễn Thị Chí Sương) làm chủ đầu tư dự án khu dân cư (KDC) xã Tam Phước, huyện Long Thành.

Để đầu tư vào dự án, ông Tình, bà Sương vay tiền ngân hàng và huy động vốn từ vợ chồng ông Lê Đình Tài - Trần Thị Hải Yến (ngụ TP Biên Hòa) và 223 cá nhân ký kết hợp đồng góp vốn.

Sau đó do không có khả năng trả nợ, vợ chồng ông Tình bị truy tố về các tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, ra Bản án 111/2012/HSST ngày 9/11/2012. Ngày 8/5/2013, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, đã hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung.

Sau đó cơ quan tố tụng Đồng Nai tách vụ án thành 2 vụ án. Gồm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (nạn nhân là ông bà Tài - Yến); và vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 223 cá nhân góp vốn vào dự án. Vụ án lạm dụng tín nhiệm được tòa tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm năm 2014, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm năm 2015.

Còn vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 223 cá nhân, sau 5 năm mới được tòa tỉnh Đồng Nai xử, ra Bản án 49/2019/HSST ngày 26/8/2019. Hiện vợ chồng Tình - Sương đang thụ án tù.

Cục Thi hành án dân sự (THADS) Đồng Nai đã kê biên quyền sử dụng đất và tài sản trên diện tích 10,2ha đất nằm trong dự án KDC Tam Phước của ông Tình, bà Sương để thi hành án cho vụ án thứ nhất; mang bán đấu giá. Ông Tài là nạn nhân trong vụ án, sau đó cũng chính là người mua trúng đấu giá vào năm 2017.

Quyết định này đã khiến 223 người bị hại trong vụ án thứ 2 bị ảnh hưởng quyền lợi dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Năm 2019, VKSNDTC có kết luận kiểm sát việc thi hành án nói trên, chỉ ra một số sai sót như: Vi phạm trong xác minh điều kiện thi hành án về hợp đồng thế chấp vay tiền; vi phạm trong xử lý 102.200m2 đất có tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ Cty Sài Gòn Cây Cảnh đã bồi thường và 223 cá nhân góp vốn đầu tư vào dự án; vi phạm khi sử dụng Chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực; vi phạm về việc cho bảo lưu danh sách người tham gia đấu giá là ông Tài sau khi ông Tài đã nhận lại tiền đặt trước và phí đấu giá; vi phạm trong việc bán tài sản gắn liền với đất không có sự đồng ý của ông Tình, bà Sương và người liên quan...

Ngày 26/12/2019, Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm 17/QĐ-VKSTC-V7, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy Bản án 108/2014/HSST và 274/2015/HSPT.

VKSNDTC từng ra kết luận kiểm sát việc thi hành án với vụ án xôn xao Đồng Nai.

VKSNDTC từng ra kết luận kiểm sát việc thi hành án với vụ án xôn xao Đồng Nai.

Quyết định của TAND Tối cao.

Quyết định của TAND Tối cao.

Quyết định đúng đắn của TANDTC

Ngày 22/4/2021, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xét xử giám đốc thẩm. Tại Quyết định số 20/2021/HS-GĐT, đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC; hủy Bản án sơ thẩm 108/2014/HSST và Bản án phúc thẩm 274/2015/HSPT để điều tra lại.

Hội đồng Thẩm phán nhận định việc tách vụ án thành 2 vụ án để điều tra, truy tố, xét xử là vi phạm khoản 2 Điều 117 BLTTHS 2003, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi hợp pháp của nhiều bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Với một đối tượng tài sản là 10,2ha đất, bị cáo Tình - Sương đã sử dụng để giao dịch thế chấp, bán cho ba nhóm chủ thể khác nhau, gồm thế chấp cho ngân hàng; thế chấp cho vợ chồng ông Tài, bà Yến; và bán đất nền cho 203 người dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Trong vụ án này, phương thức, thủ đoạn gây án của bị cáo là sử dụng bất động sản chưa được cấp phép, tự ý phân lô bán đất nền, thế chấp để vay tiền và chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Do đó, việc tách vụ án để xử lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc chứng minh toàn diện vụ án, xâm hại quyền lợi hợp pháp của nhiều bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

Việc xử lý tài sản 10,2ha đất cho ông Tài, bà Yến chỉ là hai trong số nhiều bị hại đã làm cho việc giải quyết vụ án không toàn diện, không công bằng và triệt để, cần phải khắc phục để bảo đảm giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật.

Theo Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cần nhập vụ án bị cáo Tình - Sương “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vụ án hai bị cáo này “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” làm 1.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng kiến nghị Cục THADS tỉnh Đồng Nai hủy kết quả bán đấu giá tài sản và tiếp tục kê biên 10,2ha đất để bảo đảm việc thi hành án. Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thụ lý lại vụ án từ đầu.

Sau phiên giám đốc thẩm, hàng trăm bị hại tỏ rõ sự vui mừng, kỳ vọng. Bà Lê Thị Kim, một trong những bị hại của vụ án chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào việc điều tra lại lần này để quyền lợi chính đáng của hơn 200 nạn nhân được thực hiện”.

Luật sư Trần Văn Cường (Đoàn Luật sư Nam Định) cho biết, căn cứ Điều 136 Luật THADS 2014, trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xử lại; thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án mới. Như vậy, 10.2ha đất và tài sản trên đất là vật chứng của vụ án, CQĐT sẽ kê biên để đảm bảo thi hành cho tất cả các bị hại.

Đọc thêm