Hồ sơ không chuẩn xác vì không có phiên dịch?
Việc không chỉ định phiên dịch cho bị cáo Hứa Châu đã được chính bị cáo và các luật sư phản ứng nhiều lần tại các phiên tòa. Theo các luật sư, việc điều tra viên (ĐTV) Đinh Văn Toàn cùng các ĐTV khác cố tình không chỉ định người phiên dịch cho Hứa Châu là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Điều 24 Luật Tố tụng Hình sự 2003. Hứa Châu là người Hoa, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng theo luật pháp Việt Nam, họ có quyền yêu cầu cơ quan điều tra chỉ định người phiên dịch cho Hứa Châu.
“Khi Hứa Châu yêu cầu có phiên dịch, ĐTV không chấp nhận chỉ định phiên dịch. Hứa Châu không biết chữ thì ĐTV lại ghi “văn hóa lớp 2” - Luật sư Phạm Thanh Tịnh, người bảo vệ quyền lợi cho Hứa Châu cho hay.
Ông Tịnh nhận định, ĐTV không chỉ định phiên dịch cho Hứa Châu có điều kiện làm sai lệch lời khai trong các bản cung và các tài liệu liên quan khác để kết tội oan cho Hứa Châu.
Đơn cử Hứa Châu khai: “Không được chia tiền hoàn thuế GTGT” thì ĐTV lại ghi vào bản cung là: “Hứa Châu khai: “Được Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền chia tiền hoàn thuế GTGT lúc 2%, lúc 4%”. Khi đọc lại bản cung ĐTV đọc đúng lời khai của Hứa Châu là “Không bàn bạc, không được Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền chia tiền hoàn thuế GTGT”. Khi đến hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, thẩm phán công bố lời khai và công bố biên bản đối chất thì Hứa Châu mới kêu oan tại tòa và khai là không đúng lời khai của mình.
Xác minh tài liệu với người không liên quan?
Liên quan đến tài liệu đối chiếu công nợ giữa Cty Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (Cty Sài Gòn) với Cty Lâm Kim Ngọc (do Hứa Châu làm Giám đốc), nếu xác minh tài liệu này cho đúng thực tế khách quan thì ĐTV phải hỏi Ban Giám đốc cũ do Lê Dũng làm Giám đốc, Trần Thị Thu làm Kế toán trưởng của Cty Sài Gòn, bởi đây là những người trực tiếp làm, họ biết. Thế nhưng, ĐTV không xác minh Ban Giám đốc cũ, tức là bỏ qua chứng cứ quan trọng khi không thu thập các chứng từ thu chi khoản tiền hoàn thuế GTGT trên 90 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Thu - Kế toán trưởng Cty Sài Gòn cung cấp, mà hỏi Ban Giám đốc Cty Sài Gòn mới la những người không trực tiếp làm nên không hiểu, khai sai sự thật.
Trên cơ sở xác minh không đúng đối tượng đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã dùng “biên bản đối chiếu công nợ” mà Ban giám đốc mới của Cty Sài Gòn khai sai làm chứng cứ. “Từ đó, HĐXX đã xử oan cho các bị cáo Hứa Châu, Trần Thị Bích Tuyền, Lê Dũng và các bị cáo khác..., nhóm nguyên cán bộ công chức hải quan về tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Luật sư Tịnh nhận định.
Ông Tịnh cũng cho hay, các luật sư thu thập được đầy đủ chứng từ thu, chi về số tiền hoàn thuế GTGT nêu trên, Cty Sài Gòn đã sử dụng, số còn lại vẫn ở tài khoản của Cty Sài Gòn mà không ai được chia. Tài liệu này đã được phô tô giao nộp cho tòa, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua trong quá trình định tội cho các bị cáo.
Nhiều khuất tất trong việc sử dụng tài liệu được điều tra
Liên quan đến việc sử dụng tài liệu, chứng cứ trong vụ án này, các luật sư cũng chỉ ra, có tài liệu CQĐT không điều tra nhưng lại kết tội cho bị cáo, vi phạm nghiêm trọng Điều 64 BLTTHS 2003. Cụ thể, về việc Hứa Châu đổi giúp tiền đô-la cho Sok Say (Cty Blue City Campuchia) 500 nghìn đô la Mỹ và chuyển số tiền này vào tài khoản của Sok Say do Lâm Tấn Phát giới thiệu, CQĐT không điều tra sự việc này nhưng lại kết luận Hứa Châu ứng trước tiền cho Cty Blue City.
Trong khi đó, lại có tài liệu đã được điều tra nhưng ĐTV cố tình bỏ qua. Ví dụ, về 2 container gạo, có nhiều hồ sơ tài liệu chứng minh đây là số gạo do bà Tôn Thị Bạch Tuyết đưa đi làm từ thiện, Chi cục Hải quan khu 4 làm lộn 2 container này vào các container thuốc lá trong vụ án Lê Dũng và Trần Thị Bích Tuyền và bị mất. Bà Tuyết đòi bồi thường. Đây là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, nhưng không được sử dụng nên đã kết tội oan cho Hứa Châu và các bị cáo khác. Hoặc các ĐTV không điều tra làm rõ được số tiền hoàn thuế GTGT, nhưng lại quy kết Hứa Châu được hưởng số tiền trên...
Các luật sư cũng chỉ ra bất hợp lý trong hồ sơ vụ án, ví như có tài liệu thể hiện một ĐTV trong cùng buổi sáng vừa hỏi cung bị can ở TP HCM vừa hỏi cung bị can ở An Giang cách nhau 200km? Hơn 200 bản cung cũng được chỉ ra là bị làm sai lệch, hoặc cơ quan điều tra sử dụng người có liên quan trong vụ án làm người đánh máy khi hỏi cung là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS...
Các nội dung trên được bị cáo và các luật sư đưa ra trong hồ sơ vụ án đang trình lên TAND Tối cao để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.