Vụ án ném bịch rác vào người hàng xóm gây tranh cãi

(PLO) -Theo HĐXX mặc dù bị cáo Dung có dùng giỏ cần xé đựng rác ném vào người bị hại Mai nhưng không gây ra thương tích vì tại bản kết luận giám định pháp y về hung khí của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận: Tổn thương vùng mắt trái phù hợp với tác nhân là vật tày, cứng có hình tròn là phù hợp với đáy ly thủy tinh đựng nến do bị hại bỏ trong giỏ rác.
Hình minh họa
Hình minh họa

Bị cáo Dung không trực tiếp sử dụng mảnh thủy tinh vỡ để gây thương tích cho bị hại nên không thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”, nhưng bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây thương tích do ném giỏ rác vào bị hại dẫn tới mảnh thủy tinh văng vào mắt.

Ném giỏ rác, mảnh thủy tinh văng vào mắt 

Đang ngồi “tán dóc” vui vẻ cùng bốn người bạn gái trước sân nhà, Phan Thị Tuyết Mai (SN 1976, trú tổ dân phố Khánh Cam 1, hiện ở tổ dân phố Lam Sơn, phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bỗng thấy bà hàng xóm bên cạnh nhà tên là La Thị Kim Dung (SN 1982, trú tổ dân phố Trà Long 1, hiện ở tổ dân phố Lam Sơn, phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh) bưng một thau nước tạt ra đường bốc lên mùi hôi nồng nặc.

Mai liền đứng dậy lên tiếng: “Ê con ranh kia, tao đang ngồi nói chuyện với bạn, cắc cớ gì mà mày lại bưng nước cống ra tạt vào chúng tao, mày muốn gì?”. Dung phân bua: “Nước mưa đọng trên máng xối tôi múc đổ cho sạch chứ nước cống gì mà bà lại nói ngoa thế! Chẳng muốn gì nhưng ai muốn thì chiều hết!”. Thế là chẳng ai chịu ai, hết đấu “võ mồm” sang “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” và vụ án xảy ra.

Theo hồ sơ vụ án, La Thị Kim Dung và Phan Thị Tuyết Mai là hàng xóm của nhau, cùng trú tại tổ dân phố Lam Sơn, phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh. Khoảng 20h ngày 13/11/2014, giữa Mai và Dung xảy ra kình cãi nhau vì vụ đỗ nước như đã nói ở trên. Mai dùng giỏ rác (trong đó có 2 ly đèn cầy bằng thủy tinh đã sử dụng) đánh Dung.

Dung lấy tay đỡ và giật được giỏ rác và dùng hai tay ném giỏ rác vào người Mai. Lúc này ly đèn cầy bằng thủy tinh trong giỏ rác văng ra trúng vào mắt của Mai gây thương tích 15%. Sau đó Dung bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.

Giữa tháng 6/2016 vừa qua, TAND TP Cam Ranh mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP Cam Ranh đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 điều 104, điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 BLHS xử phạt Dung từ 9 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. 

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng cần truy tố, xét xử bị cáo La Thị Kim Dung theo quy định tại khoản 2 điều 104 BLHS trong trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và gây cố tật nhẹ cho nạn nhân.

Ngoài ra cần thực hiện điều tra làm rõ việc bị cáo có cố tình ném cốc thủy tinh vào mặt bị hại hay không và làm rõ lời khai của nhân chứng để xác định có đồng phạm trong vụ án hay không? (Đối với Nguyễn Thị Ánh Diệu và Nguyễn Ngọc Vũ (chồng Dung) quá trình điều tra xác định không có hành vi tham gia đồng phạm đánh Mai nên không truy cứu trách nhiệm hình sự – PV).

Tuy nhiên, theo HĐXX mặc dù bị cáo Dung có dùng giỏ cần xé đựng rác ném vào người bị hại Mai nhưng không gây ra thương tích vì tại bản kết luận giám định pháp y về hung khí của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận:

Tổn thương vùng mắt trái phù hợp với tác nhân là vật tày, cứng có hình tròn là phù hợp với đáy ly thủy tinh đựng nến do bị hại bỏ trong giỏ rác. Bị cáo Dung không trực tiếp sử dụng mảnh thủy tinh vỡ để gây thương tích cho bị hại nên không thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”, nhưng bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây thương tích do ném giỏ rác vào bị hại dẫn tới mảnh thủy tinh văng vào mắt.

HĐXX xử phạt bị cáo Dung 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm
HĐXX xử phạt bị cáo Dung 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm

Phúc thẩm xong, bị hại “vẫn ấm ức”

Trong vụ án này, HĐXX cũng nhận định theo hướng dẫn quy định tại điểm c điều 1, mục 1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thương tật 15% của bị hại không thuộc trường hợp “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”. Do đó, Viện kiểm sát truy tố bị cáo Dung về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 điều 104 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. 

Theo nhận định của HĐXX hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vì mâu thuẫn cá nhân mà xâm phạm đến sứ khỏe của người khác là một trong những khách thể quan trọng được luật Hình bảo vệ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, gây hoang mang lo lắng đến đời sống cộng đồng dân cư. Vì vậy, cần xử phạt bị cáo nghiêm khắc để giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. 

Tuy nhiên, xét trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo; ăn năn hối cải; là người lao động nhất thời phạm tội, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nguy hiểm; tại phiên tòa bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục một phần hậu quả chi bị hại, bị hại Mai có một phần lỗi khi sử dụng giỏ rác ném vào người bị cáo trước dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo. Do đó sau khi nghị án HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dung một năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Cũng theo nhận định của HĐXX trong hồ sơ và tại phiên tòa, bị hại Mai cho rằng ngoài bị cáo Dung thì chồng bị cáo là Nguyễn Ngọc Vũ và Nguyễn Thị Ánh Diệu cũng tham gia đánh bị hại, tuy nhiên những người làm chứng có mặt tại hiện trường là ông Nguyễn Tự Nguyện, bà Phạm Thị Hoàng Yến, bà Hồ Thị Thu Vân và bà Châu Thị Thu Cúc đều thống nhất xác định ngoài bị cáo Dung xô xát với bị hại Mai thì không có bất cứ ai khác tham gia đánh bị hại. Vì vậy, HĐXX thấy không có cơ sở để trả hồ sơ điều tra bổ sung về việc có đồng phạm hay không.

Không đồng tình với bản án, bị hại tiếp tục làm đơn kháng cáo và tuyên bố “sẽ cho bị cáo đi tù bằng được”. Ngày 15/11/2016 TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tòa đã chấp nhận kháng cáo của bị hại Mai, sửa án sơ thẩm, áp dụng điểm b, khoản 2 Điều 104 BLHS xử phạt bị cáo Dung 2 năm tù nhưng cũng cho bị cáo hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm. Án tuyên xong, bị hại vẫn không đồng tình, cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên giám đốc thẩm yêu cầu xử tù giam đối với bị cáo.

Tranh cãi khoản bồi thường:

Vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án này cũng khiến các bên tranh cãi, tại phiên tòa sơ thẩm, bị hại Mai yêu cầu bị cáo Dung phải bồi thường tiền thuốc và vé xe đi lại từ Cam Ranh đến TP HCM là 55.188.376 đồng; tiền mất thu nhập do thương tích là 30.000.000 đồng/tháng x 15 tháng = 450.000.000 đồng; tiền tổn thất về tinh thần 30 tháng lương cơ bản.

HĐXX xét thấy, đối với các khoản khám chữa bệnh có hóa đơn, chứng từ bao gồm: khám chữa bệnh tại Bệnh viện Cam Ranh là 1.824.784 đồng. Bệnh viện Nhân dân 115 là 2.150.000 đồng, Bệnh viện mắt là 733.515 đồng. Tổng cộng là 4.708.299 đồng. Đây là các khoản chi phí hợp lý cho viêc khám chữa bệnh do thương tích gây ra nên HĐXX chấp nhận.

HĐXX cũng chấp nhận chi phí di chuyển từ Cam Ranh đi Sài Gòn và ngược lại 4 lần 2 vòng và chi phí thuê xe đến Bệnh viện tổng cộng là 270.000 đồng/vòng, tổng cộng 8 vòng là 2.160.000 đồng.

Giấy chứng nhận thương tích của bị hại tại Bệnh viện Cam Ranh xác định tình trạng của bị hại khi ra viện là tạm ổn. Bị hại liên tục vào TP HCM khám chữa bệnh nhưng không có giấy chuyển viện và không có hồ sơ bệnh án tại các bệnh viện cũng như chỉ định thuốc điều trị của bác sĩ nên các khoản bị hại tự mua thuốc và chi phí mua vé xe còn lại không được chấp nhận.

Đối với thu nhập bị mất, bị hại xác định thu nhập hàng tháng không ổn định và không cung cấp được chứng cứ chứng minh thu nhập thực tế nên HĐXX căn cứ vào mức thu nhập trung bình tại địa bàn Cam Ranh buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại mức thu nhập bị mất 6 tháng x 5 triệu đồng/tháng = 30 triệu đồng. Đối với khoản tổn thất về tinh thần, HĐXX chấp nhận mức bồi thường là 12 tháng x 1.210.000 đồng = 14.520.000 đồng là phù hợp với thực tế. 

Vì bị thương tích nên bị hại cũng cần phải bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, vì vậy HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại tiền bồi dưỡng với mức 150.000đ/ngày x 30 ngày = 4.500.000 đồng. Như vậy, tổng công số tiền bị cáo Dung phải bồi thường cho bị hại Mai là 55.888.299 đồng. Tại phiên tòa bị cáo đã bồi thường cho bị hại 10 triệu đồng nên bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường cho người bị hại 45.888.299 đồng.

Mức bồi thường này không được bị hại đồng ý. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX đã tăng mức bồi thường về tổn thất tinh thần từ 12 tháng lên 15 tháng (mỗi tháng 1.210.000 đồng). Tổng cộng bị cáo Dung còn phải phải bồi thường cho người bị hại Mai số tiền là 49.518.299 đồng.

Đọc thêm