Chuyến đi biển đầu tiên đã gặp “sóng gió”
Tàu biển Tiến Thành 26 (số hiệu 3WDU9 của Công ty CP Tiến Thành) được đóng tại Công ty CP Phú Hưng (Nam Định) là một tàu vỏ thép chở hàng dài hơn 79m và rộng hơn 12m, được Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực II cấp phép chạy thử ngày 15/11/2011 và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép chạy một chuyến. Ngày 16/11/2011, tàu Tiến Thành 26 rời Nhà máy đóng tàu Phú Hưng về Xưởng sửa chữa tàu Bắc Sơn – Hải Phòng theo tuyến luồng sông Đáy ra cửa Đáy với thủy thủ đoàn 14 người do ông Nguyễn Văn Tài (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm thuyền trưởng.
Theo nhật ký hàng hải của tàu Tiến Thành 26 thì tàu khởi hành lúc 3h55’ ngày 17/11/2011, đến phao số 0 (tọa độ 19 độ 49 phút Vĩ độ Bắc và 106 độ 06 phút Kinh độ Đông) lúc 4h40’ và chuyển hướng đi Hải Phòng. Khoảng 5h35’, tàu Tiến Thành 26 có mặt tại tọa độ 19 độ 51 phút Vĩ độ Bắc và 106 độ 9 phút Kinh độ Đông. Sau đó, tàu Tiến Thành 26 đã cập cảng Xưởng sửa chữa tàu Bắc Sơn, Hải Phòng.
Nhưng, chuyến hành trình của tàu Tiến Thành 26 không kết thúc êm ả vì ngay buổi sáng hôm đó, một nhóm người nhà ngư dân xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa (đồng hương với thuyền trưởng tàu Tiến Thành 26) đã truy tìm tàu Tiến Thành 26 và cáo buộc tàu này đâm chìm tàu cá số hiệu TH-4707-TS của ngư dân Phạm Văn Nhân (xã Hoàng Phụ, huyện Hoằng Hóa) khiến 1 người mất tích và 6 người bị thương. Khoảng 20 giờ cùng ngày, một nhóm người đã đến Xưởng sửa chữa tàu Bắc Sơn để chụp ảnh tàu Tiến Thành 26 để làm bằng chứng cáo buộc tàu này đã đâm chìm tàu cá.
Ngay sau đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” và khởi tố bị can đối với Đại phó Nguyễn Tiến Trình và thủy thủ Nguyễn Văn Tuấn.
Ngày 29/4/2014, TAND tỉnh Thanh Hóa đã kết án bị cáo Trình 4 năm tù và bị cáo Tuấn 3 năm 6 tháng tù.
Quan hệ “đồng hương” và nghi vấn án oan
Để ra bản án trên, TAND tỉnh Thanh Hóa dựa vào lời khai của 2 thuyền viên tàu cá tại CQĐT là nhìn thấy chữ “Tiến Thành” ở đuôi tàu gây tai nạn khi tàu này bỏ đi. Ngoài ra, Kết luận giám định về màu sơn dính ở mũi tàu Tiến Thành là “cùng loại sơn” với một số mảnh vỡ trôi nổi trên biển (được ngư dân vớt về) cũng là bằng chứng để TAND tỉnh Thanh Hóa kết án 2 thủy thủ của tàu Tiến Trình 26.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa đã bị TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy bỏ vì thiếu chứng cứ. Đáng nói hơn, bản án phúc thẩm đã hé lộ những bằng chứng cho thấy có sự khuất tất trong vụ án này khi thuyền trưởng của tàu Tiến Thành 26 chính là đồng hương của tàu cá bị chìm và giữa những người đồng hương này đã có nhiều cuộc điện thoại trao đổi với nhau trong buổi sáng “định mệnh” của tàu Tiến Thành 26.
Theo đó, từ 7h đến 12h ngày 17/11/2017, ông Nguyễn Văn Minh (em họ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Tài) đã nhiều lần hỏi ông Tài về lộ trình của tàu Tiến Thành 26, đi từ đâu đến đâu và địa điểm neo đậu cuối cùng. Sau đó, ông Nguyễn Văn Minh và một số người khác đã đến Xưởng đóng tàu Bắc Sơn để “bắt vạ” tàu Tiến Thành 26. Việc thuyền trưởng cung cấp hải trình của tàu Tiến Thành 26 cho những người đồng hương khi sự việc tàu cá bị đắm được xác nhận đã dấy lên nghi ngờ về việc có sự thông đồng để tạo ra một vụ tàu hàng đâm tàu cá.
Nghi vấn trên càng trở nên rõ ràng khi tàu cá bị đâm không được trục vớt để xác định có một xác tàu bị đâm tan nát sau vụ va chạm hay không? Trong quá trình điều tra, xác minh về vụ việc được cho là tai nạn hàng hải này, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã yêu cầu chủ tàu cá TH-4707-TS cung cấp hồ sơ, chứng cứ và bố trí thuyền viên phục vụ điều tra nhưng chủ tàu cá không đáp ứng. Khi Cảng vụ hàng hải Hải Phòng vào Thanh Hóa để làm rõ sự việc thì chủ tàu cho biết, toàn bộ hồ sơ liên quan đã chìm cùng chiếc tàu cá bị đâm? Không có xác tàu, không có cả hồ sơ càng làm cho nghi ngờ về sự khuất tất trong vụ việc này.
Một lý do nữa có thể gây oan cho hai thủy thủ tàu Tiến Thành là việc CQĐT, TAND tỉnh Thanh Hóa lấy một số mảnh ván trôi nổi trên biển để xác định là tàu cá bị đâm chìm và buộc tội thủy thủ tàu Tiến Thành 26. Theo TAND Cấp cao tại Hà Nội, mặc dù kết luận giám định màu sơn xanh trên thân tàu Tiến Thành 26 cùng màu sơn với các mảnh gỗ vớt được nhưng không có cơ sở kết luận mảnh gỗ đó là một phần của con tàu bị đâm do con tàu không được trục vớt.
Hơn nữa, trước đó tàu Tiến Thành 26 cũng đã được kéo và đẩy do mắc cạn nên không loại trừ có va chạm với tàu kéo, tàu đẩy. “Vì vậy, khó có thể dùng màu sơn dính trên thân tàu Tiến Thành 26 để buộc tội các thủy thủ về một vụ đâm va không có cơ sở”- TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định trong bản án năm 2016.
Với những người giàu kinh nghiệm đi biển thì vụ việc càng trở nên phi lý khi hồ sơ vụ án dựng nên một vụ tai nạn hàng hải rất nhiều mâu thuẫn. Theo đó, với vị trí neo đậu của tàu cá và hải trình của tàu Tiến Thành 26 thì rất khó có thể xác định được việc 2 tàu này có va chạm với nhau. Ngay cả khi tàu Tiến Thành 26 có hải trình đi qua “khu vực” tàu cá neo đậu thì với một khu vực rộng lớn, làm sao chứng minh hai tàu đâm va khi không trục vớt xác tàu bị nạn? Do vậy, việc TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy án là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng vụ án liệu có một cái kết tốt đẹp khi chính TAND Cấp cao tại Hà Nội lại bị bản án giám đốc thẩm “ép” xử theo hướng có tội?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này.