Công ty CP thương nghiệp 1 Thái Nguyên, (nay là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Phú Quý Thăng Long) được UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất, cấp sổ đỏ từ năm 2007 đối với diện tích 156 m2, thửa số 71, tờ bản đồ số 22, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên cho Công ty Phú Quý Thăng Long để làm trụ sở Công ty và được sử dụng ổn định, không có bất kì tranh chấp với cá nhân, tổ chức nào. Đến năm 2015, công trình bị xuống cấp nên doanh nghiệp đã tháo dỡ để xây dựng lại, thì bất ngờ bị hộ liền kề, là bà Đinh Thị Thơm chiếm dụng trắng trợn.
“Trước hành vi chiếm dụng đất trái phép của gia đình bà Thơm, Công ty chúng tôi đã làm đơn trình báo lên UBND phường Phú Xá. Lãnh đạo UBND phường đã mời những người có liên quan đến trụ sở UBND phường làm việc, giải thích cho gia đình bà Thơm về hành vi chiếm dụng đất trái phép của Công ty là vi phạm pháp luật, nhưng gia đình bà Thơm vẫn bất chấp”, đại diện Công ty Phú Quý Thăng Long, trình bày.
Ngay sau đó, Công ty Phú Quý Thăng Long đã có đơn khởi kiện bà Đinh Thị Thơm, sinh năm 1950, chồng là ông Mai Đắc Lộc (trú ở tổ 5, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên) về hành vi chiếm dụng tài sản (QSD) trái phép.
Trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án, doanh nghiệp Phú Quý Thăng Long và UBND tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp những tài liệu, chứng cứ cho Tòa án TP Thái Nguyên để chứng minh hành vi cướp đất của bị đơn.
Ngày 17/10/ 2019 TAND thành phố Thái Nguyên đã tuyên án, buộc bị đơn bà Đinh Thị Thơm phải trả lại thửa đất trên cho Công ty Phú Quý Thăng Long. Sau đó, bà Đinh Thị Thơm có đơn kháng cáo.
Cho đến ngày 20/01/2020, TAND tỉnh Thái Nguyên đã huỷ Bản án dân sự số 54/2019/DS-ST ngày 17/10/2019 của TAND TP Thái Nguyên, với lý do, mắc một số vi phạm về thủ tục tố tụng; giao hồ sơ về TAND thành phố Thái Nguyên giải quyết lại.
Đại diện Công ty Phú Quý Thăng Long cho rằng, việc TAND tỉnh Thái Nguyên hủy Bản án sơ thẩm là không phù hợp, lẽ ra cấp phúc thẩm chỉ cần sửa một số lỗi kỹ thuật, giữ nguyên Bản án sơ thẩm mới đúng, vì bản chất của vụ án là không thay đổi.
Tuy nhiên, Thẩm phán Đỗ Anh Dân (Tòa án nhân dân tỉnh) xét xử cấp phúc thẩm tiếp tục lại “ngâm án”.
Đến ngày 29/7/2020, Công ty Phú Quý Thăng Long đã gửi đơn đến TAND tỉnh Thái Nguyên và UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cơ quan có liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm hành vi chiếm đất của gia đình bà Đinh Thị Thơm, đồng thời đề nghị TAND thành phố Thái Nguyên sớm đưa vụ án ra xét xử theo quy định.
Ngày 10/8/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi ông Lê Quý My, Chánh án TAND thành phố Thái Nguyên đề nghị kiểm tra, đôn đốc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, thế nhưng, mọi chỉ đạo cũng không làm lay chuyển Chánh án TP Thái Nguyên Lê Quý My. Tiếp tục để vụ án kéo dài quá thời hạn.
Năm 2019, phiên xét xử Sở thẩm TAND thành phố đã tuyên án, buộc bà Thơm trả lại diện tích 156 m2 cho Công ty Phú Quý Thăng Long |
Mặc dù, chứng cứ giải quyết vụ án được nguyên đơn và cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Nguyên cung cấp đầy đủ, rõ ràng, ấy vậy TAND TP Thái Nguyên vẫn cho là chưa đủ. Đồng thời, Thẩm phán TAND TP Thái Nguyên Hoàng Quý Sửu ký một thông báo về việc thụ lý bổ sung vụ án mà đương sự thấy thật sư không bình thường.
“Ngay sau đó, chúng tôi đã làm đơn khiếu nại gửi đến TAND TP Thái Nguyên và TAND tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, TAND TP Thái Nguyên không đưa ra được lý do thụ lý bổ sung”, đại diện Công ty Phú Quý Thăng Long, bức xúc nói.
Mặt khác, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, trả lời rõ bằng Văn bản số 1176, cung cấp tài liệu, số liệu, gửi cho Tòa án TP Thái Nguyên đã chứng minh việc cơ quan Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho doanh nghiệp Phú Quý Thăng Long là đúng với quy định của pháp luật. Do vậy, gia đình bà Thơm chiếm dụng thửa đất trên của doanh nghiệp Thăng Long là vi phạm pháp luật.
Có thể nói, khi nhìn vào hồ sơ vụ án, ai cũng hiểu, bị đơn cướp đất bất hợp pháp của doanh nghiệp Thăng Long, nhưng chỉ TP Thái Nguyên vẫn không nhìn thấy điều này. Đáng quan ngại, không còn lý do để “hành” UBND tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp, TAND TP Thái Nguyên tiếp tục quay sang “hành” UBND huyện Đồng Hỷ, quyết tìm dấu vết, lật lại lịch sử nguồn gốc đất, xem cơ quan nhà nước làm sai hay không.
Cụ thể, tháng 7/ 2020, Thẩm phán TAND TP Thái Nguyên Hoàng Quý Sửu ký tiếp tục ký văn bản gửi UBND huyện Đồng Hỷ đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc thu hồi, bồi thường thửa đất này từ những năm 1977. Khiến, Công ty Phú Quý Thăng Long cho rằng, hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán Hoàng Quý Sửu không đúng với quy định Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung.
Người dân "hồi tố" Giấy triệu tập gây phiền hà |
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, việc tiến hành các biện pháp để thu thập chứng cứ phải dựa vào các căn cứ như, theo yêu cầu bằng văn bản của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trừ những biện pháp Tòa án được tự mình tiến hành thu thập).
Quy định đã rõ, nhưng không hiểu Thẩm phản Hoàng Quý Sửu có nắm vững các thuộc tính của chứng cứ, đồng thời xác định chính xác yêu cầu của đương sự (yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mà lại ký một số Giấy triệu tập gửi những hộ gia đình không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gây bức xúc, phiền hà cho họ.
Được biết, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án chỉ đạo và báo cáo kết quả. Theo đó, dự kiến đưa ra phiên xét xử vào ngày 31/3/2021.
Tuy nhiên, “phiên xét xử lại hoãn mà không có thông báo lý do cho chúng tôi”, đại diện Công ty Phú Quý Thăng Long, bức xúc nói.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.