Kéo dài 5 năm, qua 4 phiên xét xử
Ngày 16/6/2020 vừa qua, TAND tỉnh Phú Thọ đưa vụ án “Tranh chấp tài sản sau ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Thiên Thanh và bị đơn là ông Lê Văn Hương (chồng cũ bà Thanh) ra xét xử phúc thẩm. Trong vụ án này, bà Lê Thị Phương Lan (em gái ông Hương) là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự số 27/2015/QĐST-HNGĐ ngày 1/4/2015 của TAND huyện Thanh Ba (QĐ số 27/2015/QĐST-HNGĐ) công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thanh và ông Hương. Về tài sản, tòa phán quyết bà Thanh được quản lý, sử dụng mảnh đất 80m2 khu 14, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba.
Tuy nhiên, quá trình thi hành án phán quyết của tòa, bà Lan cho rằng mảnh đất đứng tên mình đã bị giả mạo hồ sơ chuyển nhượng sang tên anh trai và chị dâu và trở thành tài sản chung của vụ án ly hôn. Bà Lan làm đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan, trên cơ sở đề nghị của Chi cục Thi hành án huyện Thanh Ba, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Giám đốc thẩm QĐ số 27/2015/QĐST-HNGĐ của TAND huyện Thanh Ba.
Tại Quyết định Giám đốc thẩm ngày 12/5/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định: 80m2 khu 14, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba đang có tranh chấp nên khi giải quyết vụ án phải đưa bà Lan tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tòa án cấp sơ thẩm đã giao diện tích đất trên cho bà Thanh quản lý, sử dụng là chưa đủ căn cứ. Từ nhận định này, Ủy ban Thẩm phán đã hủy phần tài sản của QĐ số 27/2015/QĐST-HNGĐ, giao hồ vụ án cho TAND huyện Thanh Ba giải quyết lại.
Ngày 14/5/2018, vụ án tiếp tục được TAND huyện Thanh Ba đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tại phiên tòa này, bà Lan đã được Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, bản án sau đó được tuyên, TAND huyện Thanh Ba vẫn tiếp tục công nhận quyền sử dụng đối với mảnh đất tại khu 14, xã Lương Lỗ là tài sản chung của vợ chồng bà Thanh và tòa giao cho bà Thanh quyền sử dụng mảnh đất này. Không đồng tình với phán quyết của tòa, bà Lan tiếp tục có đơn kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm.
Bất thường trong giám định chữ ký
Theo đơn gửi Báo PLVN, bà Lan trình bày: Năm 2004, bà được bố mẹ đẻ cho mảnh đất sau đó bà làm thủ tục sang tên và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) mang tên mình. Do phải đi làm ăn xa, bà Lan giao GCN cho bố mẹ đẻ giữ hộ. Ở nhà do cần vốn làm ăn nên vợ chồng ông Hương và bà Thanh đã mượn GCN này để cầm cố vay tiền rồi giả mạo chữ ký sang tên chiếm luôn mảnh đất.
Bà Lan cho rằng bà không ký vào bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc chuyển nhượng đất nên ngay khi biết được sự việc, từ năm 2015, bà đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng. UBND huyện Thanh Ba kết luận phản ánh của bà Lan là có căn cứ, Chi cục Thi hành án huyện Thanh Ba đã đề nghị giám đốc thẩm QĐ số 27/2015/QĐST-HNGĐ của TAND huyện Thanh Ba.
Trong khi đó, bà Thanh lại khẳng định, vợ chồng bà mua lại thửa đất của bà Lan với giá 15 triệu đồng, bà đã trả đủ tiền, sau đó làm các thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định, các chữ ký trong bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng là hoàn toàn đúng quy định.
Trước khi vụ án được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử phúc thẩm, ông Hương cũng có đơn trình bày sự việc và thừa nhận vợ chồng ông đã giả mạo chữ ký để làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất của em gái sang tên cho vợ chồng ông.
Được biết, sự việc đã qua 5 năm với 4 phiên tòa, cùng với đó là 5 lần giám định chữ ký của bà Lan. Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Minh Ngọc - Công ty Luật The Light cho biết: Quá trình giám định chữ ký của bà Lan trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) có nhiều tình tiết bất thường như: Cùng phương pháp giám định nhưng kết quả giám định lại khác nhau; Các cơ quan giám định không sử dụng chung mẫu so sánh để giám định là không đảm bảo tính khách quan trong quá trình giám định.
Luật sư Ngọc nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo hồ sơ chuyển nhượng giữa bà Lan cho vợ chồng ông Hương, bà Thanh nhưng giai đoạn sơ thẩm HĐXX đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết khi không triệu tập những người làm chứng theo yêu cầu của đương sự; Thủ tục giám định chữ ký không khách quan theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Giám định tư pháp.
Tại phiên toà phúc thẩm ngày 16/6/2020, Luật sư đã chỉ ra những sai phạm về tố tụng, cũng như những vấn đề thiếu khách quan trong giám định. Luật sư kiến nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để trưng cầu giám định theo thủ tục đặc biệt quy định Điều 30 Luật Giám định tư pháp. Sau khi nghe Luật sư trình bày quan điểm, HĐXX cấp phúc thẩm đã họp hội đồng và chấp thuận, từ đó quyết định: Tạm ngừng phiên toà và kiến nghị lên Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao giám định lại theo thủ tục đặc biệt.