Vụ 'anh rể hiếp dâm em vợ' ở TP HCM: Điều kỳ lạ trong văn bản của hai cấp viện kiểm sát

Vụ việc anh rể bị tố hiếp dâm em vợ xảy ra tại quận 7, TP HCM đã hơn 03 năm nhưng chưa có kết quả giải quyết, “yêu râu xanh” vẫn nhởn nhơ còn nạn nhân thì liên tục kêu cứu. Một vụ án tưởng chừng đơn giản hóa ra phức tạp, kéo dài. 
Vết thương trên người nạn nhân P.T.T.
Vết thương trên người nạn nhân P.T.T.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, dấu hiệu làm “nhẹ” đi vụ việc trong cách trích dẫn lời khai, đánh giá chứng cứ, nhận định vụ án của Phòng 2 - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải làm rõ.

Như báo PLVN phản ánh: Đối tượng Lê Phú Cự từng có vợ con, nhưng vẫn quan hệ tình cảm và có 2 con chung với chị gái của chị P.T.T (SN 1993, quốc tịch Hoa Kỳ). Gia đình chị P.T.T thương yêu, coi Cự như con rể, cho ở chung nhà và giúp đỡ nhiều tiền bạc để làm ăn. Tuy nhiên, vào trưa 6/7/2015, trong lúc cả nhà đi vắng, Cự đã có hành vi dùng vũ lực tấn công tình dục đối với chị P.T.T, nhưng không thành. 

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận 7  đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam Lê Phú Cự.  Khi chuyển hồ sơ đến VKSND quận 7 để phê chuẩn thì ông Lê Trọng Tiên – Viện trưởng VKSND quận 7 ký văn bản số 01/VKS-HS ngày 03/12/2015 gửi lãnh đạo Phòng 2, VKSNDTP để “Thỉnh thị ý kiến nghiệp vụ”. 

Sau 26 ngày “ngâm cứu”,  Phòng 2, VKSNDTP mới có văn bản số  49/VKS-P2 ngày 30/12/2015 trả lời “thỉnh thị”, dẫn đến VKSND Q7 vi phạm quy định về thời gian phê chuẩn theo Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều kỳ lạ, giữa hai hai văn bản nêu trên lại có sự “chệch choạc” trong việc trích dẫn lời khai của Lê Phú Cự. Cụ thể: Trong văn bản của VKSND Quận 7, lời khai của Cự ghi rõ: “Cự về phòng ngủ của mình thấy P.T.T  em vợ đang nằm ngủ, nên nảy sinh ý định dâm ô, lấy điện thoại chụp ảnh vùng mông của P.T.T và làm rớt điện thoại trên người P.T.T đang nằm ngủ, nên dùng tay chụp trúng người P.T.T và té úp mặt vào vùng mông P.T.T…”

Cũng lời khai của Cự, trong văn bản của VKSNDTP thì ghi khác: “Khi vừa tắm xong, Cự mặc quần áo đi ra thấy T đang ngủ, Cự có lấy điện thoại Iphone chụp lại hình của T nhưng do lóng ngóng và hồi hộp làm điện thoại rớt vào người của em P.T.T, Cự nhanh chóng chụp lấy điện thoại nên bị té ập đầu vào người của P.T.T”.

Từ VKSND Q7  thì Cự “té úp mặt vào vùng mông” sang P2.VKSNDTP thì “Cự té ập đầu vào người” Phải chăng hành vi “té úp mặt vào mông” sẽ khó ngụy biện, che giấu hành vi phạm tội hơn “té ập  đầu vào người”?

Về lời khai của nhân chứng N.Vỹ, VKSND Quận 7 ghi: “Lúc đứng dưới sân bên ngoài cổng rào có nhìn thấy P.T.T đứng trên cửa sổ kêu cứu, thấy Cự cùng đứng với P.T.T nói vọng xuống nhà cúp điện, đợi sẽ xuống mở cửa. Khi Vỹ leo cổng vào thì thấy P.T.T đi xuống phòng khách tầng trệt, khóc, quần áo thì mặc bình thường”.

Hai văn bản của Viện kiểm sát nhân dân quân 7 và Phòng 2 – Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Hai văn bản của Viện kiểm sát nhân dân quân 7 và Phòng 2 – Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Với lời khai trên, ai cũng thấy rằng Vỹ đã chứng kiến trực tiếp, nghe và thấy P.T.T “kêu cứu” ngay tại hiện trường, có mặt Cự. Thế nhưng, VKSNDTP ghi lời khai của N.Vỹ theo cách khác: “Tôi không trực tiếp thấy Cự hiếp dâm, sau sự việc thấy chị P.T.T có thái độ hoảng hốt đứng gần cửa la, Vỹ nhìn thấy Lê Phú Cự ở trần trong phòng cùng chị P.T.T thì Vỹ có nghi ngờ Cự hiếp dâm chị P.T.T…”. Từ đó, VKSNDTP cho rằng Vỹ chỉ có lời khai không nhìn thấy trực tiếp”.

Mặc khác, theo lời khai của nạn nhân, Cự đã có hành vi dùng vũ lực để tấn công P.T.T, do hoảng sợ, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề nên chị P.T.T vội vã rời Việt Nam về Mỹ, sang đến sân bay Hồng Kong thì chụp lại những thương tích gửi cho cha mình, các tấm hình này đã có trong hồ sơ vụ án. Thay vì phải làm rõ, thì VKSNDTP lại cho rằng “không còn chứng cứ nào khác”.

Do bị nạn nhân chống đối quyết liệt và kêu cứu, có sự xuất hiện của nhân chứng Vỹ nên Cự đã không thực hiện được hành vi giao cấu và dĩ nhiên không có hậu quả của sự giao cấu. Tuy nhiên, VKSNDTP lại cho rằng “Hậu quả của sự việc giao cấu cũng không xảy ra” mà bỏ qua, không xem xét theo mức độ hành vi phạm tội chưa đạt.

Với cách viện dẫn lời khai, đánh giá chứng cứ như thế, VKSNDTP đã thống nhất với quan điểm của VKSND Q7 không phê chuẩn khởi tố bị can đối với Lê Phú Cự.

Theo đó, ngày 12/1/2016 ông Lê Công Hòa – Phó Viện trưởng VKSND Q7 ký quyết định số 02/QĐHBQĐKTBC hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an quận 7 với lý do: “Ngoài lời khai của nạn nhân không còn chứng cứ trực tiếp nào khác. Lời khai nhân chứng N.Vỹ không trực tiếp nhìn thấy sự việc. Hậu quả sự việc giao cấu cũng không xảy ra”. Theo yêu cầu của VKSND Quận 7, ngày 27/1/2016 Cơ quan CSĐT Công an Quận 7 đình chỉ vụ án.

Nhận thấy căn cứ để đình chỉ vụ án không thuyết phục, có dấu hiệu khuất tất nên gia đình nạn nhân đã làm đơn khiếu nại lên VKSND tối cao, nhiều cơ quan báo chí cũng phản ánh quyết liệt.

Ngày 20/1/2017 Lãnh đạo VKSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo: Yêu cầu VKSND TP HCM chỉ đạo Viện KSND Quận 7 yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Quận 7 hủy bỏ Quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời Quyết định phục hồi điều tra vụ án, điều tra làm rõ và giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Hiện nay, vụ án đã được chuyển lên Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh  và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh điều tra, giải quyết.

Chờ đợi quá lâu không thấy Viện kiểm sát nhân dân thành phố truy tố, đưa vụ án ra xét xử, gia đình nạn nhân tiếp tục gửi đơn đến Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để yêu cầu can thiệp. 

Bảo vệ phụ nữ, trẻ em, những người yếu thế trong xã hội  và truy tố, xét xử thật nghiêm khắc các hành vi hiếp dâm, tấn công, quấy rối tình dục là việccác cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm ngay. Có như vậy, mới răn đe, giáo dục, phòng chống hiệu quả với loại tội phạm về tình dục, đạo đức suy đồi đang có chiều hướng phổ biến, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Đọc thêm