(PLVN) - Sau nhiều ngày xét xử và nghỉ nghị án, ngày 26/3, TAND TP Huế đã ra phán quyết vụ bác sỹ Lê Quang Huy Phương bị tố cố ý gây thương tích, hiếp dâm và bắt giữ người trái pháp luật.
Theo nhận định của HĐXX, xét các KLGĐPY về thương tích của chị D.H.T.T (bị hại) thấy rằng bản KLGĐPY về tình dục của Trung tâm Pháp y của tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết luận chị T. đa tổn thương phần mềm trên thân thể: mặt, cổ, ngực lưng gây bầm tụ máu, dập cơ. Tuy nhiên, theo Thông tư của Bộ Y tế, thì không có quy định xếp tỷ lệ thương tích đối với thương tích bầm tím, sưng nề nhưng giám định viên đã áp dụng 1 vùng bầm tím sưng nề tương đương với 1 vết sẹo là không đúng quy định. Do đó, HĐXX, không chấp nhận bản KLGĐPY ngày 25/9/2019 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đối với KLGĐPY về 31%, HĐXX cho rằng có căn cứ. Do đó, HĐXX chấp nhận 1 phần bản KLGĐPY tổn thương cơ thể ngày 5/11/2019 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế. “Bị cáo Phương gây thương tích cho chị T. tỷ lệ là 31%”, lời chủ tọa. Do đó, HĐXX cho rằng bị cáo Phương phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” nên tuyên phạt 5 năm tù.
Đối với tội “Hiếp dâm” và “Bắt, giữ người trái pháp luật”, HĐXX cho rằng bị cáo phạm vào tội “Hiếp dâm” và “Giữ người trái pháp luật”. Vì theo HĐXX, chị T. tự ý đến phòng của Phương. Khi chị T. chạy ra ngoài, Phương chạy ra, mục đích kéo chị T. vào nên Phương không có hành vi bắt giữ nhưng lúc vào phòng, nhiều lần chị T. xin về, Phương không cho về nên phạm vào tội “Giữ người trái pháp luật”. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phương 1 năm 6 tháng tù về tội “Hiếp dâm” và 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Giữ người trái pháp luật”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Phương bị tuyên là 6 năm 8 tháng tù.
Chia sẻ về kết quả phiên tòa, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng kết quả phiên tòa hoàn toàn không khách quan với diễn biến hành vi, đặc biệt là các tài liệu chứng cứ phản ánh trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Theo luật sư Hướng, KLGĐ 31% thương tích về mắt là không đúng, không phù hợp với các quy định của Bộ Y tế về việc thu thập các tài liệu chứng cứ.
“Chúng tôi đã đánh giá là thời điểm giám định chỉ có bản tóm tắt bệnh án là hoàn toàn sai. Theo quy định là phải thu thập toàn bộ tài liệu chứng cứ nhưng ở đây lại bị bỏ qua. Việc vẫn sử dụng căn cứ của kết quả này để buộc tội là hoàn toàn không khách quan”, luật sư Hướng nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết tại phiên tòa, ông cùng các luật sư cộng sự bảo vệ cho bị cáo Phương đã đưa ra các căn cứ chứng minh đoạn ghi âm do chị T. tự ghi và tự giao nộp không đủ yếu tố là chứng cứ trong vụ án. “Ngay cả quy trình giám định cũng không đúng quy định của pháp luật, KLGĐ không khách quan”, luật sư Hòe nói và cho biết ông tin thân chủ của mình sẽ kháng cáo kêu oan lên cơ quan cấp trên.
Tiếp lời, luật sư Hòe cho biết đối với các hồ sơ, tài liệu do CQĐT thu thập gửi giám định để làm căn cứ giám định chưa đúng theo quy định pháp luật. Bởi các hồ sơ phô tô (có dấu xác nhận sao y bản chính của CQĐT do CQĐT tự thu thập và bàn giao cho Trung tâm pháp y Thừa Thiên Huế để làm căn cứ giám định không phải là hồ sơ xin cấp sao y bản chính từ bệnh viện. Mà theo quy định của pháp luật, trường hợp CQĐT hay cơ quan giám định muốn sao y bản chính các tài liệu, văn bản liên quan đến khám, chữa bệnh của chị T. thì việc sao y này phải được thực hiện bởi nơi quản lý hồ sơ đó.
Sau một hồi chia sẻ, luật sư Hòe cho rằng các hồ sơ, tài liệu mà Cơ quan giám định sử dụng để tiến hành giám định thương tật cho chị T. là hoàn toàn không khách quan, không đúng theo quy định của pháp luật. Cần phải giám định lại trên thân thể của chị T. và các vết thương tại thời điểm xảy ra sự việc. Việc CQĐT không ra Quyết định trưng cầu giám định lại đối với chị D.H.T.T mà chỉ là giải thích đối với bản Kết luận giám định trước đó là hoàn toàn không có căn cứ.
Chia sẻ sau phiên tòa, luật sư Đỗ Văn Nhặn cho biết các luật sư đã đề nghị một đơn vị giám định độc lập là Trung tâm tư vấn giám định dân sự và Viện ngôn ngữ học, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam dịch file ghi âm. Theo luật sư, có rất nhiều câu nói mà đánh giá tổng thể trong bối cảnh là bác sỹ Phương không có mục đích hiếp dâm chị T. “Tôi khẳng định tội “Hiếp dâm” là oan”, luật sư Nhặn nói.
Theo cáo trạng, Phương là bác sỹ, chị T. là nhân viên điều dưỡng tại Bộ phận chăm sóc da (Khoa da liễu, bệnh viện Trung ương Huế). Trưa 17/9/2019, Phương gọi điện cho chị Nguyễn Thị Thùy Trang (bác sỹ công tác tại Khoa da liễu) nhờ nói với chị Nguyễn Thị Mừng (nhân viên điều dưỡng) qua làm việc thay cho chị T. và nói chị T. đến gặp chị Trần Thị Thùy Nhung (nhân viên Khoa da liễu) lấy liều thuốc đẹp da đem đến quán cà phê “Nhà” ở tầng 1, dãy nhà B, Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế).
Sau khi nhận thuốc từ chị Nhung, chị T. điều khiển xe máy đến quán cà phê “Nhà” để giao cho Phương. Khi đến nơi, chị T. nhìn vào quán nhưng không thấy Phương. Do chị T. đã biết phòng của Phương ở tầng 2 (ngay phía trên quán cà phê) nên chị T. đi theo đường cầu thang để lên phòng Phương. Trước khi lên gặp Phương, chị T. đã lấy điện thoại của mình, bật chế độ ghi âm, để vào túi áo khoác đang mặc trên người.
Khi đến trước cửa, chị T. thấy Phương đứng trước cửa phòng liền chào hỏi và nói: “Dạ, thuốc đẹp da phải không anh”, Phương liền bảo chị T. vào phòng nói chuyện. Chị T. vào phòng, Phương liền đóng cửa lại và bảo chị T. ngồi xuống ghế rồi buộc chị T. cởi áo khoác ra.
Theo cáo buộc, sau đó Phương đã có hành vi khống chế, dùng vũ lực với chị T. nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị T. Khi chị T. chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị T. đưa vào phòng, đánh vào mặt chị T. Theo cơ quan chức năng, chị T. bị tổn hại 37% sức khỏe. Ngày 23/9/2019, chị T. có đơn yêu cầu khởi tố với Lê Quang Huy Phương.