Vẫn gia hạn dù tạm giam dấu hiệu sai quy định
Chiều 31/12/2018, tại thôn 4 (xã Long Bình, huyện Phú Riềng) đã xảy ra vụ ẩu đả giữa hai nhóm người xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt.
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội “Cố ý gây thương tích”, tháng 8/2019 Công an Phú Riềng bắt tạm giam 4 bị can nhóm Chu Văn Hùng (SN 1992, thôn 4) vào tháng 8/2019 gồm Hùng, Trần Trọng Trí (anh rể Hùng), Trần Thiện Nhân (SN 2/12/2002, con trai Trí) và Chu Minh Đức (SN 2001, em họ Hùng) vì cho rằng những người này dùng hung khí đánh Lê Thùy Anh (SN 1990, trú thôn Phú Tân) gây thương tích 40%.
Hai tháng sau, Cơ quan điều tra (CQĐT) tiếp tục khởi tố tạm giam Nguyễn Đình Quý (SN 1999, thuộc nhóm Thùy Anh) về tội “Cố ý gây thương tích” do có hành vi đánh Hùng tổn hại 10% sức khỏe và Trí 7% sức khỏe.
Tuy nhiên, theo Luật sư (LS) Lê Ngọc Hà (Văn phòng LS Đa Phúc, người bào chữa cho Hùng, Trí, Nhân và Đức), qua các tài liệu mà LS thu thập được, có thể thấy việc CQĐT không khởi tố Thùy Anh là không khách quan, dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; vì đối tượng này có vai trò khởi xướng kích động. Hơn nữa, việc công an huyện bắt tạm giam Nhân khi bị can này chưa đủ 18 tuổi là vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 419 BLTTHS 2015; Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (TTLT 06) về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật TTHS về thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi.
Bà Chu Thị Huyền (mẹ bị can Nhân) cho hay: “Sau khi hết thời hạn tạm giam (2 tháng 20 ngày) với Nhân, tôi liên lạc với điều tra viên thì được trả lời là Nhân đã bị gia hạn tạm giam. Tôi rất bức xúc việc này vì con tôi dưới 18 tuổi, đã bị tạm giam sai quy định vẫn chưa được xem xét xử lý. Nay sai phạm này lại tiếp nối bằng việc gia hạn tạm giam”.
LS Hà cho hay, Văn phòng LS Đa Phúc đã có văn bản gửi CQĐT đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm giam với Nhân do vi phạm Điều 419 Bộ luật TTHS, Điều 12 TTLT 06/2018 và vi phạm về chế độ tạm giam (không có nơi giam giữ riêng người dưới 18 tuổi). Nhưng CQĐT đã không thực hiện theo đề nghị, cũng không có văn bản trả lời Văn phòng LS mà lại tiếp tục tạm giam Nhân. Tới đây Văn phòng LS sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền cao hơn cũng như các cơ quan bảo vệ trẻ em.
Công an tỉnh Bình Phước “né” vi phạm của cấp dưới?
Tuy các bài báo của PLVN đã chỉ rõ việc làm của Công an huyện Phú Riềng có dấu hiệu vi phạm Điều 419 Bộ luật TTHS, Điều 12 TTLT 06/2018, nhưng trong văn bản trả lời Báo PLVN vào ngày 26/11 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an Bình Phước đã không đi thẳng vào những quy định liên quan trực tiếp nêu trên để xem xét việc làm của cấp dưới.
Theo CQĐT Công an Bình Phước thì Công an huyện Phú Riềng đã khởi tố vụ án vào ngày 1/5/2019 nhưng sau đó chưa ra quyết định khởi tố bị can và chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn (tạm giam) với Nhân. Quá trình điều tra, Nhân thay đổi lời khai ban đầu, gây khó khăn cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Do đó, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật TTHS, ngày 19/8/2019, Công an Phú Riềng khởi tố bị can, đề nghị tạm giam với Nhân và được VKSND huyện phê chuẩn lệnh bắt tạm giam là “đảm bảo căn cứ pháp luật”.
Đối chiếu với khoản 2 Điều 119 Bộ luật TTHS thì có thể thấy nội dung này chỉ áp dụng với trường hợp “bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định hình phạt tù trên 2 năm”. Trong khi đó, tại chính tại văn bản của mình, CQĐT Công an tỉnh Bình Phước lại thông tin “Nhân bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134 BLHS có khung hình phạt từ 5 - 10 năm tù, thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng”. Như vậy, Công an tỉnh Bình Phước đã lấy một quy định về “tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng” áp dụng vào trường hợp khởi tố về “tội rất nghiêm trọng”.
Chưa hết, cơ quan này còn mắc sai lầm khi căn cứ Điều 119 Bộ luật TTHS (áp dụng với bị can, bị cáo nói chung) trong khi đáng lẽ phải căn cứ vào các điều luật của chương 28 BLHS (thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi).
Theo LS Hà, điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật TTHS quy định rõ ràng là “hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;...”. Như vậy, hành vi theo quy định trên cần phải phân định chính xác gồm 2 nhóm là “mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối” và “mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác cung cấp tài liệu sai sự thật”. Hành vi mà pháp luật muốn ngăn chặn trong trường hợp này là “mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác” chứ không phải là “cung cấp tài liệu sai sự thật”.
Việc Công an tỉnh Bình Phước trích dẫn thiếu (chỉ nêu “… cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật…”) và “đánh tráo” từ hành vi “mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục” thành hành vi “cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật” như trên là sai lầm trong xác định căn cứ tạm giam bị can.
Cần nhắc lại, theo Điều 57 và Điều 60 Bộ luật TTHS, khi chưa bị khởi tố, Nhân có quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”. Còn khi đã bị khởi tố, Nhân có quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Các điều luật đều không có quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bị tố giác hay của bị can là “không được thay đổi lời khai”.
Ngoài ra, Điều 15 Bộ luật TTHS quy định rõ: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Như vậy, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước coi việc Nhân (với tư cách là người bị tố giác) “thay đổi lời khai ban đầu” là “gây khó khăn cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án” để áp dụng biện pháp tạm giam; rõ ràng là không đúng quy định và có dấu hiệu “khỏa lấp” sai phạm cho cấp dưới.
Ðiều 419 BLTTHS: Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết.
Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.
Điều 12 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi): Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải
1. Trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự .
Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm.
2. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự .