Bị hành hung vô cớ
Báo PLVN số ra ngày 21/3/2016 đã có bài “Lâm Đồng: “Biến” bị hại thành bị can?”, phản ánh việc bà Trần Thị Thơm (tổ dân phố Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khiếu nại với nội dung: gia đình bà có một lô đất tại tổ dân phố Đăng Lèn canh tác ổn định, xây dựng nhà ở sinh sống hơn chục năm qua và không hề có tranh chấp với ai. Bỗng nhiên trưa 23/8/2015 xuất hiện 8 người lạ mặt cầm theo dao, búa, gậy sắt… hùng hổ tới chỉ thửa đất mà gia đình bà đang canh tác nói là đất của họ. Nhóm người này lấy cọc sắt mang theo đóng vào giữa vườn để chiếm đất.
Thấy vậy, bà Thơm ra hỏi thì bị nhóm người này hành hung. Không dừng lại, họ còn chặt phá 300m đường ống dẫn nước tưới hoa màu và phá hoại hoa màu của bà Thơm. Nghe tiếng bà Thơm kêu cứu, anh Phạm Văn Công (em chồng bà Thơm, ở Nghệ An mới vào chơi) chạy ra xem thì bị những đối tượng này dùng gậy sắt đánh tới tấp. Để bảo vệ tính mạng, anh Công đã vớ cái xẻng kề đó đỡ thì trúng ngón tay một người đàn ông mà sau này mới biết là Nguyễn Đăng Dũng.
“Sau khi thoát được nhóm người này, tôi gọi điện cầu cứu hàng xóm. Thấy nhiều người kéo tới, nhóm người này mới chịu lên xe hậm hực ra về và không quên để lại những lời đe dọa gia đình tôi”, bà Thơm cho biết.
Theo bà Thơm, vết thương của Dũng chỉ xước ngoài da ở ngón tay, còn anh Công bị nhóm người lạ mặt đánh đập bị thương rất nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu, điều trị một tuần mới được xuất viện do bị chấn thương vùng cột sống thắt lưng.
Sau khi sự việc xảy ra, cho rằng có sự nhầm lẫn nào đó và muốn yên ổn làm ăn nên gia đình bà Thơm không trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau đó vài tuần thì thấy Công an huyện Lạc Dương tới khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, lấy lời khai của bà Thơm và nhân chứng, chụp hình vết thương của anh Công cùng tài sản bị phá.
“Những tưởng các đối tượng đến phá hoại tài sản của gia tôi và hành hung em chồng tôi sẽ bị xử lý, nhưng bất ngờ ngày 19/1/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Dương ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với em tôi về hành vi “Cố ý gây thương tích” khiến gia đình vô cùng hoang mang, lo sợ”, bà Thơm lo lắng.
Nhiều khuất tất?
Theo bà Thơm, trước khi bắt tạm giam anh Công, điều tra viên và kiểm sát viên huyện Lạc Dương liên tục thúc gia đình bà phải bồi thường cho Dũng mấy chục triệu đồng. Đây là việc hết sức vô lý bởi một nhóm người dùng hung khí vô cớ đánh người, hủy hoại tài sản, chiếm đoạt đất lại được đề nghị bồi thường?
“Đến ngày 2/3/2016, điều tra viên vẫn thúc gia đình tôi đưa cho người bị sứt da ngón tay mấy chục triệu đồng để được hưởng án treo, trong khi vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra? Tại sao các điều tra viên, kiểm sát viên nhiều lần nói gia đình tôi cứ nhận là Công cầm dao thì sẽ giảm nhẹ tội, cho án treo? Phải chăng người vi phạm đang được cơ quan chức năng bảo vệ?”, bà Thơm hoài nghi.
Trong khi đó, dư luận người dân tại địa phương cho rằng chính gia đình bà Thơm mới là người bị hại cần được cơ quan chức năng bảo vệ, không hiểu sao giờ lại trở thành người có tội, bị gây khó dễ trong mọi việc. Những người đến hành hung, phá hoại tài sản của gia đình bà Thơm thì lại được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Ngày 26/8/2016, VKSND huyện Lạc Dương có Bản cáo trạng số 10/VKS-LD công bố kết quả điều xác định khoảng 12h30 ngày 23/8/2015, do có tranh chấp đất đai tại tổ dân phố Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương nên giữa bà Trần Thị Hòa với bà Trần Thị Thơm đã xảy ra xô xát. Thấy vậy, anh Phạm Văn Công, là em chồng bà Thơm đã dùng một con dao cán bằng tre dài khoảng 1m, lưỡi bằng kim loại dài khoảng 30cm chém vào ngón tay của chồng bà Hòa là ông Nguyễn Đăng Dũng, ngụ đường Nguyễn Hoàng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Theo kết quả giám định thương tích của Trung tâm Pháp y Lâm Đồng, ông Nguyễn Đăng Dũng bị thương tích 11%. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà Thơm yêu cầu giám định lại tại Phân Viện pháp y Quốc gia ở TP HCM, thương tích của nạn nhân chỉ là 9%. Anh Phạm Văn Công bị khởi tố theo yêu cầu người bị hại về tội “cố ý gây thương tích”. Chính vì vậy, gia đình bà Thơm đã có đơn kêu oan cho em mình.
Theo bà Thơm, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra và VKSND huyện Lạc Dương đã có dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội và làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trong vụ án này, vợ chồng bà và anh Công mới thực sự là người bị hại. “Chính ông Nguyễn Đăng Dũng đã cầm đầu, dẫn theo nhiều người khác đến đòi chiếm đoạt đất, hủy hoại tài sản và hành hung chị em tôi. Hôm xảy ra vụ việc, em tôi ra can ngăn cũng bị nhóm của ông Dũng đánh trọng thương phải nhập viện điều trị. Trong quá trình hai bên giằng co, Công đã dùng xẻng chống cự, chẳng may va vào tay ông Dũng chứ không phải là dùng dao như kết luật điều tra”, bà Thơm cho biết.
Cũng trong đơn kêu oan, bà Thơm cho rằng anh Công đã bị ép cung, buộc phải khai nhận cầm dao chém ông Dũng. Bằng chứng là con dao không hề tồn tại khi được cơ quan điều tra lý giải “thời gian đã lâu nên không tìm được con dao mà Công dùng để gây án”?
Nhiều vấn đề cần làm rõ sau bản án sơ thẩm
Ngày 29/11 vừa qua, TAND huyện Lạc Dương đã đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Công 15 tháng tù. Mức án này đã khiến gia đình bị cáo hết sức bất bình, đồng thời khiến dư luận địa phương hoài nghi vào một bản án thiếu công tâm, chưa phản ánh đúng sự thật khách quan, có nhiều dấu hiệu oan sai cho bị cáo.
Và điều khiến dư luận và gia đình bà Thơm cũng như những người tới dự phiên tòa không khỏi hoài nghi, khi đích thân ông Lê Quang Thấm - Viện trưởng VKSND huyện Lạc Dương tới phòng xét xử gặp mặt và “thủ thỉ” với bị hại Nguyễn Đăng Dũng và người làm chứng cho ông Dũng là ông K’Hai. Tại sao lại có động thái này?
Đáng nói, trong vụ án này, bà Thơm cùng chồng là ông Phạm Văn Tính được TAND huyện Lạc Dương triệu tập dự tòa với tư cách là người làm chứng. Điều bất thường là sau khi nghị án, HĐXX do Thẩm phán Phạm Phương Dung làm chủ tọa quay trở lại phòng xử án quyết định thay đổi tư cách tố tụng của vợ chồng bà Thơm từ người làm chứng thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đồng thời không cho ông Tính, bà Thơm được tranh luận, không được xét hỏi. Vợ chồng bà Thơm chỉ được hỏi có yêu cầu thay đổi ai trong HĐXX không rồi tuyên án. Hành vi này của HĐXX đã tước đoạt toàn bộ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng bà Thơm với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa.
Trong khi đó, bị cáo Phạm Văn Công liên tục phủ nhận toàn bộ cáo trạng của VKSND huyện Lạc Dương, một mực kêu oan vì cho rằng mình bị ép cung. Bị cáo Phạm Văn Công và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Phạm Văn Tính, bà Trần Thị Thơm đều cho rằng các nhân chứng phía bị hại đưa ra đều là nhân chứng giả, hoàn toàn không có mặt tại hiện trường hôm xảy ra vụ việc. Cụ thể thời điểm xảy ra vụ xô xát phía bên ông Nguyễn Đăng Dũng có nhiều đối tượng còn trẻ, rất hung hãn, côn đồ, trên tay có nhiều hình xăm trổ, không phải người địa phương.
Tại phiên tòa và trong hồ sơ vụ án, lời khai của những người làm chứng có nhiều mâu thuẫn, do đó luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa, triệu tập những người làm chứng vắng mặt để đối chất, làm rõ những điểm mâu thuẫn này nhưng không được chấp thuận. HĐXX cũng không công bố toàn bộ lời khai của các nhân chứng trước tòa theo đề nghị của luật sư mà chỉ công bố trích đoạn phần lời khai nào có lợi cho bị hại.
Bị cáo Phạm Văn Công, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm Văn Tính, Trần Thị Thơm khai nhận Phạm Văn Công dùng xẻng xô xát, gây thương tích cho ông Nguyễn Đăng Dũng chứ không phải bằng dao như cáo trạng của VKSND huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, HĐXX lại căn cứ vào lời khai của bị hại và những nhân chứng bị cho là giả để khẳng định Phạm Văn Công gây thương tích cho ông Nguyễn Đăng Dũng bằng dao. Tuy nhiên, đến nay cơ quan điều tra vẫn không tìm thấy con dao này mà chỉ có chiếc xẻng là một trong những tang vật của vụ án được thu giữ.
Theo bà Thơm, VKSND huyện Lạc Dương và TAND cùng cấp đã không công bằng, thiếu khách quan khi cùng một sự việc như nhau nhưng khi Phạm Văn Công nêu ý kiến, khai báo lại quá trình diễn biến của vụ xô xát thì cả hai cơ quan này cho rằng Công khai báo không đúng sự thật, không hợp tác với cơ quan tố tụng? Trong khi hai cơ quan này lại tích cực ghi nhận lời khai của người được cho là bị hại Nguyễn Đăng Dũng và những nhân chứng được cho là giả rằng, lời khai của bị hại là đúng sự thật, hợp tình, hợp lý, phù hợp với hồ sơ vụ án?!...
Luật sư Lê Cao Tánh (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang còn rất nhiều điều mâu thuẫn. Chính vì vậy, cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xác định chính xác ai là bị hại, ai là bị cáo, người chủ mưu, tang vật gây án là dao hay xẻng? Đồng thời triệu tập những người làm chứng để xét hỏi, đối chất, làm rõ những mâu thuẫn, tránh tình trạng gây oan sai.
“Tôi là luật sư đã tham gia hàng trăm phiên tòa nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh một ông Viện trưởng VKSND lại đích thân đến tận phòng xử án trước giờ HĐXX vào làm việc để gặp mặt và “thủ thỉ” với bị hại và người làm chứng cho bị hại. Chưa biết họ trao đổi với nhau những gì nhưng cá nhân tôi và nhiều người dự tòa hôm đó khó có thể tin vào một bản án công tâm”, Luật sư Tánh nói.
Khẳng định việc mình bị các cơ quan tố tụng huyện Lạc Dương truy tố và tuyên phạt mức án 15 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” có dấu hiệu oan sai với nhiều tình tiết cần phải làm rõ, bị cáo Công đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.