3 lần giảm “sốc”
Đó là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Anh (SN 1969, địa chỉ khu phố 3, phường Hiệp Phú, quận 9, TP. HCM) có đất bị giải tỏa trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và đường song hành.
Theo trình bày của bà Anh, gia đình bà quản lý và sử dụng phần diện tích đất 202 m2 tọa lạc tại thửa số 4, tờ bản đồ số 13, thuộc khu phố 3, phường Hiệp Phú. Phần đất này được một người khai phá trước năm 1975, sau đó bán lại cho người khác xây dựng nhà ở.
Năm 1992, người này chuyển nhượng lại cho bà Anh bằng giấy tay. Do đất nằm trong quy hoạch nên phần đất này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên bà Anh vẫn được phép kê khai và đóng thuế.
Trên phần đất 202 m2 này có tồn tại 1 quán ăn được xây dựng từ năm 1992. Phần đất bà Anh sử dụng cho đến nay không hề có tranh chấp hay bị chính quyền địa phương ra quyết định hành chính nào về việc lấn chiếm, chiếm dụng hoặc xây dựng trái phép.
Đến năm 2001, giai đoạn 1 của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được triển khai, 202m2 đất nằm trong khu vực bị giải tỏa trắng để xây dựng đường song hành. Sau khi đo đạc, xác minh nguồn gốc đất, Hội đồng GPMB quận 9 ra quyết định đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho gia đình bà Anh là 222 triệu đồng, với giá đất được áp là 1.060.000 đồng/m2. Gia đình bà Anh đồng ý.
Bà kể: “Tôi đến phường nhận tiền bồi thường thì họ nói chưa có. Trong khi tất cả những hộ xung quanh tôi đều được nhận tiền. Chờ cả năm trời vẫn không thấy tiền bồi thường của gia đình, tôi khiếu nại đến các cơ quan chức năng”.
Bất ngờ, năm 2002, gia đình bà Anh nhận được thông báo mới về việc đền bù, hỗ trợ mới cho phần đất nói trên. Về diện tích đất có xê dịch chút ít, giá đất được đền bù giảm còn một nửa, tức khoảng 500.000 đồng/m2. Như vậy, số tiền bồi thường gia đình bà Anh nhận giảm từ 222 triệu đồng xuống còn 110 triệu đồng.
Bà Anh dựng chòi giữ xe trên phần đất đang khiếu nại bồi thường. |
Bà Anh phản ánh: “Tuy tiền thấp hơn một nửa so với năm 2001 nhưng gia đình vẫn chấp nhận. Càng kéo dài thì thiệt hại cho gia đình. Hơn nữa số tiền 110 triệu đồng vào thời điểm năm 2002 tương đối lớn. Ý định của tôi là nhận được tiền sẽ mua đất chỗ khác vì đất lúc đó còn rẻ. Dù chúng tôi đồng ý nhưng phía chính quyền một lần nữa không cho nhận tiền bồi thường. Trong tất cả các hộ, chỉ có gia đình tôi là gặp trở ngại. Tôi không hiểu vì lý do gì”.
Gia đình bà Anh tiếp tục khiếu nại, yêu cầu phải giao tiền bồi thường nhưng vẫn không được giải quyết.
Đến năm 2007, gia đình bà Anh nhận quyết định bồi thường, hỗ trợ mới cho phần đất bị giải tỏa. Bất ngờ, số tiền chỉ còn 19 triệu đồng. Trong quyết định bồi thường lần này, phần đất được xác định 202 m2 trước đó chỉ còn lại 48 m2. Và tiền bồi thường đất chỉ được tính 10% số tiền quy định. Gia đình bà Anh không chấp nhận.
Từ đó đến nay, gia đình bà Anh khiếu nại gần 10 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Khiếu nại kéo dài
Năm 2008, công trình đặt ống thép BOO ngang qua phần đất mà bà Anh đang khiếu nại. Công ty đặt ống thép nhờ bà tháo dỡ công trình để thuận tiện việc thi công. Bà Anh đồng ý. Vì đất của bà Anh chưa nhận tiền bồi thường nên phía công ty đặt ống thép hỗ trợ gia đình bà 39 triệu đồng. Bà cho biết đây là tiền riêng, không liên quan đến tiền bồi thường đất nhưng không hiểu tại sao UBND phường Hiệp Phú lại quyết làm khó dễ, không giao tiền.
“Tôi và phía công ty đặt ống thép tự thương lương. Tôi tự nguyện để họ thi công. Theo đó, chính sách hỗ trợ cho những gia đình có đất bị việc thi công ống thép gây ảnh hưởng đều được hỗ trợ. Danh sách có tới 23 hộ gia đình và số tiền lên đến hơn 850 triệu. Tất cả họ đều được nhận số tiền này, riêng gia đình tôi thì không được. Số tiền này không dính dáng đến tiền bồi thường từ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội nhưng UBND phường muốn giữ lại để làm áp lực, buộc chúng tôi phải nhận tiền bồi thường 19 triệu nói trên”, bà Anh nói.
Bà Anh cho hay: khi bà hỏi số tiền 39 triệu đồng mà công ty đặt ống thép hỗ trợ, UBND phường Hiệp Phú nói không biết ở đâu. Nhưng nếu bà chấp nhận số tiền 19 triệu đồng bồi thường thì UBND phường Hiệp Phú sẽ biết số tiền 39 triệu đồng ở đâu và sẽ giao một lần cho bà Anh. Bà cho rằng chính quyền như thế là ép bà.
Trở lại với phần đất 202m2, sau khi bà tự nguyện tháo dỡ quán ăn tạo điều kiện cho phía công ty đặt ống thép thi công, bà dựng một nhà giữ xe để tạo thêm thu nhập và phản đối việc bồi thường rẻ mạt. Mới đây, chính quyền mời bà Anh lên làm việc, yêu cầu bà nhận tiền bồi thường, tháo dỡ công trình nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Bà Anh nói: “UBND quận 9 áp dụng giá bồi thường không đúng, không thống nhất cho cùng một tuyến đường, cùng thời gian sử dụng, cùng loại đất có nhà ở trước năm 1993. Việc bồi thường của UBND quận 9 gây nhiều thiệt hại đến gia đình tôi. Vì thế tôi viết đơn khiếu nại yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết bồi thường theo giá trị hiện hành khi thu hồi phần đất 202 m2 nói trên”.
Tiền bồi thường năm 2001 và 2007 |
Trả lời về sự việc, đại diện Ban bồi thường GPMB quận 9 nói: “Trường hợp của bà Anh, UBND phường Hiệp Phú đang xác minh lại nguồn gốc đất để báo cáo, tham mưu có hướng giải quyết. Khi nào UBND phường Hiệp Phú xác minh xong sẽ làm việc với báo”.
Người này cho rằng bảng tính giá bồi thường năm 2001, 2002 không phải do Ban BTGPMB hiện tại thu thập hồ sơ mà thời điểm đó là do một tổ trực thuộc UBND quận 9 thực hiện. Người này nói rằng việc lập bảng giá này có sai sót về xác định nguồn gốc và diện tích đất của bà Anh.
Vì thế, năm 2007, Ban BTGPMB quận 9 xác minh lại mới tham mưu cho UBND quận ký quyết định thu hồi 2 bảng giá trước đó và ra bảng giá mới là 19 triệu đồng như bà Anh phản ánh.