Hôm qua (20/2), TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thành (tức Hải “lé”, SN 1982 trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) về tội “Buôn lậu”; Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Đồng phạm với người “vô hình”?
Phát biểu quan điểm luận tội sau phần thẩm vấn, đại điện VKSND tỉnh Quảng Ninh vẫn khẳng định cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Mạnh Hùng là có cơ sở. Theo đó, Thành đã hứa hẹn, thỏa thuận trước về việc mua của A Sáng (người Trung Quốc) chiếc xe Land Rover (do Cty Cp Quốc tế Tân Đại Dương theo thủ tục “tạm nhập- tái xuất” đã xuất sang Trung Quốc quan cửa khẩu Ka Long ngày 23/11/2011).
Hùng biết chiếc xe này là xe nhập lậu, không có giấy tờ nhưng vẫn mua của Thành với giá 1,3 tỷ đồng. Sau đó, Thành đã nhờ anh Nguyễn Ánh Dương lái xe đến cầm cố cho anh Nguyễn Trung Kiên (chủ hiệu cầm đồ) để lấy 1tỷ 550 triệu đồng. Từ đó, Kiểm sát viên (KSV) đề nghị HĐXX tuyên phạt Thành từ 8 năm đến 8 năm 6 tháng tù về tội “Buôn lậu” và xử phạt Hùng từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Đặc biệt, trong phần phát biểu quan điểm của mình, KSV cho rằng “A Sáng là người vận chuyển xe ô tô sang Việt Nam” và thừa nhận “quá trình điều tra không làm rõ được A Sáng là ai, không rõ người này vận chuyển xe lậu sang Việt Nam như thế nào; không rõ ngày giờ, địa điểm chuyển xe qua biên giới…
Đáng nói hơn, trong phần xét hỏi trước đó, Chủ tọa phiên tòa cũng đã “giảng giải” cho bị cáo Thành rằng, “bị cáo là người giúp sức cho đối tượng buôn lậu, tiếp tay, đồng phạm buôn lậu. Đối tượng trực tiếp buôn lậu thì xử khác. Phải loại ra. Đối tượng đồng phạm sẽ xử khác, mức án sẽ khác”. Sau đó, Hội thẩm nhân dân cũng nói thêm, “bị cáo chỉ là người đồng phạm với A Sáng chẳng hạn? Cái đó để chúng tôi xem xét cho đúng người, đúng tội”.
Phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo Thành, LS Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Luật Hòa Lợi) cho rằng KSV quy kết Thành “đồng phạm” với A Sáng là không đúng bởi khi chưa làm rõ nhân thân của đối tượng cầm đầu, chưa rõ hành vi buôn lậu và ý thức chủ quan của A Sáng thì không thể coi Thành và A Sáng “đồng phạm” với nhau hay cùng có ý thức chủ quan, cùng thực hiện hành vi “buôn lậu” được. Tức là không thể buộc Thành phải chịu trách nhiệm hình sự do “đồng phạm” với một người vu vơ nào đó.
Đồng quan điểm này, LS Đinh Thị Phượng (Đoàn LS Quảng Ninh) cho rằng, để xử lý người đồng phạm thì phải xác định rõ đối tượng, hành vi của kẻ chủ mưu, kẻ cầm đầu. Chưa xác định được người chủ mưu mà đã quy kết Thành đồng phạm là oan sai.
Điều tra viên đọc số khung, số máy cho bị cáo và người liên quan
Cho rằng bị cáo Thành bị truy tố oan, LS Nguyễn Trung Thành cho rằng CQĐT không thực hiện đúng yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vì chưa làm rõ đối tượng A Sáng, chưa làm rõ nơi giao nhận xe có thuộc vành đai biên giới hay không, có cửa khẩu nào gần nhất...
Hơn nữa, việc KSV cho rằng chiếc xe được nhập lậu về Việt Nam là suy đoán chủ quan bởi không có chứng cứ thể hiện chiếc xe đã xuất sang Trung Quốc rồi “quay đầu” về Việt Nam (không rõ cán bộ hải quan xác nhận hàng thực xuất theo quy định), không rõ ai là người đưa xe về Việt Nam, đưa về Việt Nam như thế nào? Trong vụ án này, có chăng thì Thành chỉ có hành vi mua xe không rõ nguồn gốc và nếu vậy không thể đánh đồng hành vi này với hành vi “buôn lậu” được.
Tranh luận với KSV, LS Phượng đặt câu hỏi: “hiện nay, việc quy kết Thành đồng phạm buôn lậu với A Sáng chỉ căn cứ vào lời khai của Thành mà không có chứng cứ khác để đánh giá. Vậy nếu sau này, CQĐT bắt được A Sáng và người này không thừa nhận buôn lậu xe, không bán xe cho Thành thì thế nào? Có phải là kết tội oan cho Thành không?”.
Liên quan đến tang vật vụ án, LS Thành cho rằng, hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào khẳng định chiếc xe Ranger Rover do A Sáng giao cho Thành năm 2012 đúng là chiếc xe hiện đang được CQĐT gọi là “tang vật vụ án” vì tên xe trên các tài liệu khác nhau, xe không có biển kiểm soát và đã qua tay nhiều người, trong nhiều năm nhưng không có tài liệu thể hiện số khung, số máy cụ thể… Bản thân các bị cáo và người liên quan cũng không thể kể ra đặc điểm riêng của chiếc xe này. Bị cáo Hùng còn thừa nhận, “không thể nhận xe chiếc xe nếu có 2 xe cùng màu, cùng loại”.
Như vậy, hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Quảng Ninh đang giải quyết vụ buộu lậu 1 xe ô tô mà không biết chiếc xe này có đúng là chiếc xe do A Sáng nhập lậu năm 2012 hay không.
Đặc biệt, bị cáo và những người liên quan đều khẳng định số khung, số máy chiếc xe là do Điều tra viên đọc cho biết sau khi vụ việc bị phát hiện chứ trước đó không hề biết số khung, số máy chiếc ô tô này như thế nào…
LS Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, đây là dấu hiệu của sự mớm cung và điều tra “ngược” vì sau khi bắt giữ được 1 chiếc xe không giấy tờ do người của chủ tiệm cầm đồ đang lưu hành ngoài đường, CQĐT mới lấy được số khung, số máy rồi ép, hướng dẫn các bị can phải nhận là đã buôn lậu, cầm cố chiếc xe có số khung, số máy như vậy.
Cũng như phiên tòa trước, bị cáo Hùng phủ nhận cáo buộc về việc mua xe ô tô của Thành và đặt xe cho anh Kiên (chủ hiệu cầm đồ) vay 1 tỷ 550 triệu. LS Phượng cho rằng lời khai này có cơ sở vì vì không có giấy tờ, tài liệu nào thể hiện Hùng mua xe của Thành, trao đổi hoặc đặt xe, nhận tiền của anh Kiên. Tờ giấy vay tiền mang tên anh Dương (không mang tên Hùng) và cũng không có nội dung đặt xe. Còn người đưa chìa khóa xe cho Dương lái đi là anh Thái chứ cũng không phải bị cáo Hùng.
Chính vì vậy, cả LS Tuấn và Ls Phượng đều có quan điểm cho rằng, bị cáo Hùng không phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Hai LS này cũng cho rằng, không thể bắt Hùng phải trả anh Kiên 1 tỷ 550 triệu như quan điểm của KSV vì người viết giấy vay và người nhận tiền là anh Dương.
Hôm nay và ngày mai, phiên tòa tạm nghỉ vì chủ tọa cho biết chưa bố trí được hội trưởng xét xử. Ngày 23/2, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.