Vụ 'cả nhà đi tù vì nàng dâu đa tình' bị 'thổi phồng'?

(PLO) - Vì muốn làm cho ra nhẽ việc cô vợ “hẹn hò với trai” mà Quang Văn Toàn cùng bố đẻ, em trai phải đối mặt với án tù gần 10 năm. Đằng sau bi kịch của một gia đình nghèo ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) là một bản án có dấu hiệu oan sai, cần sớm được sửa.
Ông Quang Văn Thành trình bày về nỗi đau của gia đình
Ông Quang Văn Thành trình bày về nỗi đau của gia đình

Rước trọng tội vào thân vì bắt giữ tình địch

Quang Văn Toàn và Nguyễn Thị Oanh được hai gia đình tổ chức đám cưới theo đúng nghi thức truyền thống, nhưng lại không đăng ký kết hôn. Ngày 9/7/2013, Toàn phát hiện vợ nhắn tin hẹn hò đi chơi với một thanh niên lạ nên đã tra hỏi và buộc chị Oanh phải khai báo mối quan hệ với “người lạ” này (tên là Nguyễn Văn Bính, trú tại Thường Tín, Hà Nội).

Vì muốn làm rõ mối quan hệ mờ ám này, Toàn quyết “tóm” kẻ tình nghi bồ bịch với vợ nên yêu cầu chị Oanh phải hẹn gặp anh Bính. Theo yêu cầu của chồng, chị Oanh đã gọi điện và nhắn tin để Bính đến đón đi chơi. 

Không nghi ngờ việc Oanh hẹn đến đón là một cái bẫy, anh Bính cùng bạn đi taxi đến xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội để đi chơi cùng Oanh. Lúc này, người chồng bị “cắm sừng” đã gọi cho bố đẻ là ông Quang Văn Thành cùng em trai là Quang Văn Đại và một số anh em, bạn bè khác đến để bắt quả tang kẻ “cắm sừng” mình. 

Khi anh Bính và bạn đến thôn Bạch Nao và gọi điện cho chị Oanh, Toàn đã cầm điện thoại của chị Oanh, nhắn tin cho anh Bính đến đón Oanh với mục đích dụ kẻ tình nghi vào bẫy. Khi anh Bính đi vào ngõ, Toàn đã chặn đường và bắt anh Bính, còn người bạn đi cùng anh này nhanh chân chạy thoát. Toàn đưa anh Bính về nhà và gọi bố cùng anh em, bạn bè đến giải quyết vụ việc.

Tại nhà mình, Toàn đã tra hỏi anh Bính về mối quan hệ với vợ mình, nhưng anh Bính không thừa nhận mà chỉ nhận là đi cùng một người bạn đến thôn Bạch Nao. Việc “kẻ tình nghi” không nhận dan díu với vợ mình khiến Toàn càng tức giận và đòi anh Bính phải gọi gia đình đưa người bạn kia đến để làm rõ sự việc. Nhiều người bạn của Toàn không giữ được bình tĩnh cũng đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với anh Bính khiến thanh niên này hết sức sợ hãi và phải gọi gia đình đến để “bảo lãnh” cho về.

Khi gia đình anh Bính đến “xin người”, nhưng không đem theo “kẻ tình nghi” thứ hai, Toàn và nhóm bạn đã không chịu thả người. Vì thế, gia đình anh Bính đã ra về tay không. Trong lúc giữ anh Bính tại nhà, một người bạn của Toàn đã nảy ra ý định phải buộc anh Bính gọi gia đình bồi thường danh dự cho vợ Toàn, với số tiền 50 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình anh Bính không đồng ý và đã trình báo công an.

Sự việc đã khiến Toàn cùng bố đẻ, em trai và 6 người bạn khác bị truy tố về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và tội “Cướp tài sản”. VKSND huyện Thanh Oai cho rằng, việc đòi anh Bính phải mang 50 triệu đồng “bồi thường danh dự” là hành vi cướp tài sản với mức án tù lên đến 15 năm.

Ngày 17/3/2015, TAND huyện Thanh Oai đã xét xử và Toàn bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù, ông Thành (bố đẻ Toàn) và Đại (em ruột Toàn) bị kết án 7 năm 6 tháng tù về hai tội danh mà VKS truy tố. Ngoài ra, Tòa án cũng kết án đối với 6 người bạn của Toàn với mức án không kém nhiều so với mức án mà bố con Toàn phải gánh chịu.

Vụ việc đã bị thổi phồng khiến người dân gánh tù oan?

Bản án sơ thẩm đã bị TAND TP Hà Nội hủy để điều tra, xét xử lại vì cấp phúc thẩm cho rằng một số bị cáo có dấu hiệu bị buộc tội không đúng. Hiện nay, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra lại vụ án.

Đồng tình với quan điểm của cấp phúc thẩm, Luật sư Phạm Thị Hạnh, người bào chữa cho bị cáo Toàn cho rằng, đây là vụ án có tình tiết đơn giản nhưng cấp sơ thẩm đã áp dụng luật “nhầm” dẫn đến các bị cáo bị phạt tù rất nặng cho một sự việc thực tế không nghiêm trọng như vậy.

“Việc kết án cha con Toàn về tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng định khung “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng” là trái pháp luật. Vì, theo quy định của Bộ luật Hình sự, dấu hiệu khách quan bắt buộc của điều khoản này là người thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản phải thực tế chiếm đoạt số tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Việc các bị cáo mới “đòi bồi thường” 50 triệu đồng, chưa lấy tiền mà đã truy tố theo tội danh, khung hình phạt này là không có căn cứ”, Luật sư Hạnh đánh giá. 

Đồng tình với ý kiến này, Luật sư Trần Việt Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng đã có sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Tất cả các hành vi phạm tội cướp tài sản bị truy tố theo khoản 2 đều cần đến hậu quả thực tế. Nếu không có hậu quả, như chưa lấy tiền, chưa gây thương tích… thì chưa thể truy tố theo khoản 2 của tội danh “cướp tài sản”. Do đó, VKS và Tòa cấp sơ thẩm đã sai khi buộc tội các bị cáo về khung hình phạt mà họ không phạm phải, khiến họ phải gánh mức án tù rất cao một cách oan uổng.

Những bị cáo thật đáng trách khi hành động thiếu suy nghĩ và họ đã phải trả giá cho việc xâm phạm quyền tự do của người khác cho dù vì bất cứ lý do gì. Nhưng điều đó không có nghĩa là cơ quan tố tụng có thể ghép tội họ mà không cần đến các chuẩn mực của pháp luật. Vì vậy, vụ án này cần được sửa sai trước khi quá muộn!.

Đọc thêm