Vụ cán bộ xã lừa tiền hộ nghèo ở Quảng Trị: Công an huyện Đakrông vào cuộc

(PLO) -Không riêng gì 14 hộ nghèo ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) bị Nguyễn Văn Dũng (SN 1967) - cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã rao tin làm nhà chính sách rồi lừa tiền của bà con, mà còn thêm nhiều hộ nghèo và cận nghèo khác ở các thôn trong xã cũng trở thành nạn nhân của vị cán bộ này, với số tiền bị lừa từ vài ba triệu đồng đến cả chục triệu đồng.
Vì tin lời vị cán bộ chính sách mà hàng chục hộ dân trong xã Tà Rụt lâm vào cảnh khốn cùng khi đã nghèo lại còn đèo thêm nợ
Vì tin lời vị cán bộ chính sách mà hàng chục hộ dân trong xã Tà Rụt lâm vào cảnh khốn cùng khi đã nghèo lại còn đèo thêm nợ

Thêm nhiều bị hại lên tiếng

Trước đó, Báo PLVN đã có bài viết “Quảng Trị: Bất bình cán bộ xã rao tin làm nhà chính sách để “moi” tiền người nghèo” phản ánh về việc 14 hộ nghèo của thôn A Liêng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) bị Nguyễn Văn Dũng - cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã hướng dẫn nộp 3,5 triệu đồng/hộ để được hưởng nhà hộ nghèo nên người dân đã chạy vạy vay mượn tiền đưa cho Dũng, tổng số tiền của các hộ lên tới 47,5 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà như Dũng hứa. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, người dân đã gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng.

Ngay sau khi thông tin vụ việc được đăng tải, Báo PLVN tiếp tục nhận được thêm thông tin của nhiều hộ dân ở các thôn khác trong xã Tà Rụt như Vực Leng, A Vương, A Đăng, Tà Rụt 3...  phản ánh rằng họ cũng bị cán bộ Dũng lừa nộp tiền để được hỗ trợ nhà chính sách, nhà tránh lũ với số tiền từ vài ba triệu đồng đến chục triệu đồng.

Ông Hồ Văn Liên (một hộ nghèo của thôn Vực Leng) cho biết, cũng vào giữa năm 2017, Dũng ghé đến thăm nhà của ông và bảo sẽ cố gắng giúp đỡ để gia đình được hỗ trợ xây nhà chính sách, có trị giá từ 60 - 70 triệu đồng/căn nhà. Ông Liên đã đưa cho Dũng 5 triệu đồng. Và kể từ lúc nhận tiền xong, ông Dũng bặt tăm, còn căn nhà chính sách đợi mãi vẫn không có.

Cay đắng hơn là trường hợp hộ ông Hồ Văn Phong (ở thôn A Đăng). Theo lời ông Phong, khoảng tháng 8/2017,  Dũng đến thăm rồi nói có dự án cho tiền sửa nhà, khi nào có tiền, đích thông   Dũng sẽ gọi thợ đến tu sửa lại ngôi nhà cho khang trang…, điều kiện hưởng dự án là phải đưa cho Dũng 10 triệu đồng. Tin lời hứa của Dũng nên ông Phong đã gom góp và đi vay nhóm tiết kiệm được 7 triệu đồng nộp cho Dũng. Sau đó, Dũng nhận số tiền này và bảo với gia đình còn thiếu 3 triệu nữa. Vì không thể xoay xở thêm ngần ấy tiền như yêu cầu nên ông Phong đã giao luôn sổ đỏ đất rừng gần 1ha của gia đình để Dũng đem đi cầm cố, và đến giờ họ cũng không rõ sổ đỏ ấy Dũng đã mang cầm cố ở nơi nào nữa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở thôn Vực Leng ngoài hộ ông Hồ Văn Liên thì còn thêm 2 hộ khác đã đưa tiền cho Dũng, gồm hộ Hồ Văn Dũng 2,5 triệu đồng và hộ Hồ A Thun 3 triệu đồng. Ở thôn A Vương có 4 hộ, gồm hộ Hồ Văn Hên 2 triệu đồng, Hồ Văn Cượt 3,5 triệu đồng, Hồ Văn Thanh 3 triệu đồng và Hồ Văn Xiên 1 triệu đồng. Ở thôn Khẹp có hộ ông Hồ Tuôr đã đưa cho Dũng 9 triệu đồng. Còn ở thôn Tà Rụt 3 có hộ ông Hồ Văn Phưn cũng nộp cho Dũng 10 triệu đồng… và thêm nhiều hộ nghèo và cận nghèo khác. 

Công an huyện Đakrông vào cuộc

Trao đổi với Báo PLVN về vụ việc này, ông Hồ Văn Nhiếp - Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết ông Nguyễn Văn Dũng vốn là cán bộ do huyện hợp đồng và trả lương để làm công tác xóa đói giảm nghèo tại xã. Mặc dù đến ngày 31/12/2017 ông Dũng mới chính thức hết hợp đồng làm việc tại địa phương, thế nhưng kể từ tháng 11/2017 đến nay, ông này cũng không còn đến ủy ban xã làm việc mặc dù xã đã nhiều lần gửi giấy yêu cầu. Việc thu tiền của bà con là do ông Dũng tự ý, không ai đưa ra chủ trương này.

Cũng theo ông Nhiếp, số hộ bị hại cùng với tổng số tiền mà người dân đã nộp cho Dũng đến giờ xã vẫn chưa có số liệu chính thức. Hiện xã mới tiếp nhận đơn của 18 trường hợp ở 4 thôn A Liêng, Vực Leng, A Đăng và Tà Rụt 3 tố giác việc Dũng lừa tiền.

Xác định tính chất vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nên công an huyện Đakrông đã vào cuộc.

“Vì người dân bây giờ mới có đơn gửi lên cơ quan chức năng về vụ việc này nên chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra theo đúng trình tự thủ tục, còn kết quả cụ thể thì chưa có. Lúc nào có kết quả chúng tôi sẽ cũng cấp cho báo chí” – ông Hồ Sỹ Nhung - Trưởng Công an huyện Đakrông thông tin.

Đọc thêm