Ổ loét giác mạc hoại tử tróc rộng, mỏng
Liên quan đến nội dung “Bệnh viện mắt Hà Nội 2 nói gì về việc bóc giả mạc cho bé 2 tuổi dẫn đến hoại tử mắt”, chiều 22/8, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương, nơi cháu bé đang điều trị.
Tại buổi làm việc, đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương có bác sĩ Hoàng Minh Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp; PGS. TS Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa Giác mạc; TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Khoa Giác mạc – bác sĩ trực tiếp điều trị cho cháu từ khi cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương...
Các bác sĩ đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam chiều 22/8. |
Chia sẻ về tình trạng của cháu L.H.Đ (26 tháng tuổi ở Hà Nội), bác sĩ Thủy cho biết, ngày 3/8, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương với bệnh cảnh mắt bên trái bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng nặng, mi mắt sưng nề, nhiều giả mạc, giác mạc đã có vết loét, hoại tử, cả 2 mắt đều viêm kết mạc nặng.
“Lúc đó, cháu bé còn nhỏ nên khóc rất nhiều và đau nhức, nên việc thăm khám chỉ sơ bộ và thời điểm đó đã cho nhập viện luôn”, bác sĩ Thủy cho hay.
Sáng ngày 4/8, các bác sĩ đã tiến hành gây mê toàn thân để kiểm tra mắt cho cháu, kết quả cho thấy mắt trái, mi và kết mạc phù rất nhiều, giả mạc dày dính, giác mạc hoại tử nặng, trên 7mm, rất nhiều tiết tố, bẩn. Các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm soi vi khuẩn, kết quả cho thấy rất nhiều cầu khuẩn gram dương (loại vi khuẩn có độc tính cao). Mắt phải viêm giác mạc nhẹ, giác mạc còn rất tốt.
“Sau khi kiểm tra xong, bệnh viện đã áp dụng theo phác đồ điều trị, lập tức cho sử dụng 2 loại kháng sinh mạnh tra tại mắt, một kháng sinh đường uống và thuốc hạ nhãn áp. Ngay sau khi điều trị, cách 1 ngày giả mạc đã tái tạo, các bác sĩ tiếp tục bóc giả mạc. Kết quả khi hết tuần đầu tiên giả mạc đã sạch, không tái tạo lại, đồng thời kết mạc đỡ phù, mí bớt nề, mắt bắt đầu hé được, và cháu cũng đỡ quấy khóc hơn”.
Phóng viên làm việc với các bác sĩ Bệnh viện mắt Trung ương. Ảnh Ngọc Nga |
Bác sĩ Thuỷ người điều trị trực tiếp cho cháu thông tin, khi sang tuần thứ 2, thể trạng của cháu bé tốt hơn, đã đỡ đau, ít khóc và ăn uống tốt hơn. Thời điểm này vào ngày 14/8, các bác sĩ lại tiếp tục tiến hành gây mê để kiểm tra chính xác lần 2, kết quả cho thấy kết mạc và mi đã giảm viêm khá rõ, mở dễ hơn, đỡ sưng nề, giả mạc đã sạch, không tái tạo lại. Về giác mạc quá trình nhiễm trùng giảm bớt, bề mặt bớt tiết tố nhầy bẩn, tuy nhiên, hoại tử thì vẫn rất nặng. Do đó các bác sĩ vẫn tiếp tục cho bệnh nhi duy trì tra kháng sinh, thuốc hạ nhãn áp, tăng cường thuốc dinh dưỡng để liền biểu mô.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Khoa Giác mạc – bác sĩ trực tiếp điều trị cho cháu từ khi cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ về tình trạng của cháu bé. |
PGS.TS Lê Xuân Cung cũng thông tin thêm, theo tài liệu của Bộ Y tế, loét giác mạc nặng là một biến chứng của viêm kết mạc cấp. “Khi tổn thương giác mạc dù nặng hay nhẹ đều bị ảnh hưởng thị lực. Mục tiêu hiện giờ là điều trị để bảo tồn nhãn cầu cho cháu Đ., khống chế nhiễm trùng. Sau này khi nhiễm trùng được khống chế, ổ loét giác mạc liền được sẽ có những giải pháp khác để giúp cải thiện thị lực cho cháu, lúc đó sẽ tùy vào mức độ tổn thương như thế nào mới có thể quyết định được thị lực của cháu tốt hay không. Hiện tại thì không khẳng định được thị lực của cháu như thế nào, trước mắt chúng tôi đang cố gắng hết sức, bảo tồn mắt cho cháu”, Trưởng khoa Giác mạc cho hay.
“Đến sáng 22/8, chúng tôi đã tiến hành gây mê lần 3 để thăm khám cho cháu Đ., kết quả ghi nhận mi kết đỡ phù nề nhiều , bề mặt sạch hơn, cơ bản đã kiểm soát được nhiễm trùng, tuy nhiên ổ loét giác mạc hoại tử tróc rộng, giác mạc mỏng nhiều. Do đó, chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục dùng kháng sinh, thuốc hạ nhãn áp… cố gắng để giữ được mắt cho cháu”, bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Tại thời điểm khám nếu phát hiện bất thường thì thái độ của bác sĩ sẽ khác
Chia sẻ thêm về thị lực của cháu bé, bác sĩ Thủy cho hay, nếu đã tổn thương giác mạc đương nhiên thị lực sẽ ảnh hưởng. Bởi đó là di chứng, hậu quả của quá trình viêm loét nhiễm trùng, chắc chắn có sự ảnh hưởng nhất định. Mức độ còn tùy theo đáp ứng của từng cơ thể khác nhau, hiện giờ chưa thể tiên lượng chính xác.
Cũng tại buổi làm việc, PV đặt câu hỏi, khi cháu Đ. được bóc giả mạc lần thứ 2, liệu thời điểm này các bác sĩ có thể phát hiện ra trường hợp mắt bị hoại tử không? Lý giải điều này, bác sĩ Thủy cho biết: “Thực ra tôi không khám cùng thời điểm đó, cho nên rất khó để đánh giá thời điểm đó mắt của cháu tổn thương như thế nào. Đa phần giác mạc ở giai đoạn đầu chưa có tổn thương và thường xuất hiện ở giai đoạn sau có thể do nhiều yếu tố tác động khác. Nếu tổn thương giác mạc mà rõ, thì khi khám sẽ thấy giác mạc mờ đục và sẽ phát hiện ra. Còn thực tế trên bệnh nhân này chúng tôi không nắm rõ, vì khi tiếp nhận, bệnh nhân ở trạng thái quá nặng”. BS Cung cũng cho biết thêm, khi bóc giả mạc phải vành mi mắt ra và làm dưới ánh sáng đèn nên nếu có viêm giác mạc (lòng đen nhìn sẽ bị đục đi) nên sẽ phát hiện ra ngay, hiếm khi bị bỏ sót
PGS. TS Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương. |
Về tình trạng mắt sưng to, chảy dịch nhiều sau khi cháu Đ. bóc giả mạc lần 2, nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 vẫn cho là bình thường. Phải chăng càng bóc giả mạc thì mắt bệnh nhi càng sưng và chảy nhiều dịch? Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, bóc giả mạc là bắt buộc khi bị viêm kết mạc cấp có giả mạc, giả mạc khi bóc kiểu gì cũng chảy máu, tuy nhiên đó không phải là biến chứng mà đó là điều thường xảy ra, bóc giả mạc ra nếu có tổn thương biểu mô thì sau đó sẽ liền lại được.
“Khi mi sưng nề như vậy thể hiện việc bị viêm rất mạnh, hậu quả là gây ra xuất tiết tạo giả mạc. Viêm kết mạc cấp này do virus gây ra, hầu như không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu dùng kháng sinh để chống bội nhiễm và chống viêm. Khi mi sưng nề, bản thân tế bào viêm đó gây tổn thương. Bình thường, viêm kết mạc cấp nếu bệnh nhân không bị bội nhiễm thì diễn biến 1 tuần là khỏi.”, PGS.TS Lê Xuân Cung nói.
Ngoài ra, bác sĩ Cung cũng lý giải thêm, khi viêm kết mạc có giả mạc thì bắt buộc phải bóc giả mạc, vì giả mạc đó là xuất tiết viêm bám trên bề mặt của kết mạc, nếu không bóc đi tế bào viêm sẽ gây tổn thương giác mạc, ngăn không cho thuốc ngấm vào. Việc bóc giả mạc khi bị viêm kết mạc là quy trình thường quy và khi tiến hành tương đối vô khuẩn (làm trong phòng tiểu phẫu được vô khuẩn). Với quy trình chuẩn thì hầu như không gây tổn thương.
Còn bác sĩ Minh Anh cho biết, theo logic chung của các bác sĩ, thời điểm khám cho bệnh nhi có thể kết mạc ở mi sưng nhiều, chảy nhiều dịch đó là tiến triển bình thường, nếu phần giác mạc không tổn thương thì bệnh sẽ khỏi.Nếu bác sĩ nhãn khoa bình thường, tại thời điểm khám nếu phát hiện bất thường, tiến triển xấu tức là biến chứng vào giác mạc thì thái độ của bác sĩ sẽ khác chứ không phải là vẫn cho thuốc và về nhà, tư vấn người nhà bệnh nhi yên tâm.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 lý giải không thuyết phục
Tại buổi làm việc, PV đã trích dẫn lý giải của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2: “Bệnh viện cho rằng, việc xảy ra là tiến triển bất thường nằm ngoài quy trình y khoa cho một ca bệnh vốn không có tiên lượng xấu khi đến khám, không phải mong muốn của tất cả các bên”.
Chia sẻ về lý giải của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bác sĩ Cung bày tỏ: “Tôi thấy câu nói của bệnh viện khó hiểu, có lẽ ý Bệnh viện là biến chứng này trên một bệnh thông thường là viêm kết mạc cấp là một điều hiếm gặp?”.
Bác sĩ Thủy cũng chia sẻ thêm: “Có thể cách dùng từ làm tôi không hiểu lắm, câu đó rất tối nghĩa. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thường điều trị viêm kết mạc cấp có giả mạc, những lần bóc giả mạc ban đầu chưa hết sưng ngay, vẫn viêm tái diễn, nên phải hẹn lại để bóc tiếp. Việc bóc xong vẫn sưng nề, vẫn viêm cũng hợp lý. Tuy nhiên, tùy phản ứng của mỗi người viêm nhiều hay ít, nếu thuốc ngấm kém, phản ứng viêm không rút, thì tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn thì lại tiếp tục sưng”.
Bác sĩ Hoàng Minh Anh (bên trái), Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương. |
Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng cho rằng: “Tôi cũng không hiểu câu này của phía Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 có ý gì. Tôi cũng không biết ngoài quy trình y khoa là gì, nhưng tôi có thể khẳng định, đối với những biến chứng hoại tử giác mạc do viêm kết mạc cấp là có thể xảy ra, trực tiếp Bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã tiếp nhận một số trường hợp như vậy. Trong y văn do Bộ Y tế ban hành “Một trong những biến chứng ít gặp, có thể xảy ra hoại tử giác mạc”. Tiến triển bệnh có thể dẫn tới hoại tử giác mạc do bệnh viêm kết mạc cấp gây nên, có thể hiếm gặp chứ không phải không gặp”.
Đến ngày tái khám, ngày 1/8, chị T. đưa cháu tới tái khám, nhưng mắt vẫn trong tình trạng sưng và được bóc giả mạc lần hai.
"Do vô cùng lo lắng cho mắt con vẫn sưng và chảy nhiều dịch, không thể tự vạch ra để kiểm tra mắt cho con, nên sau đó tôi có hỏi bác sĩ có cần uống kháng sinh hay thuốc gì khác nữa không? Bác sĩ có cho thuốc về nhỏ và bảo mẹ yên tâm có giả mạc bóc về con sẽ sưng phù nề và có chảy ra dịch như vậy nhưng không sao, hết giả mạc là sẽ hết không có ảnh hưởng gì", chị T. kể lại.
Tới ngày 3/8 chị T. có đưa cháu tới tái khám lần ba theo lịch, nhưng lần này mắt đã trong tình trạng nặng hơn, do đó các bác sĩ bệnh viện mắt Hà Nội 2 yêu cầu chuyển tuyến trên. Tại bệnh viện mắt TW cháu Đ. được gây mê để kiểm tra, bác sĩ kết luận bị viêm loét giác mạc dọa thủng, tiên lượng nặng, đã hoại tử 7mm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.