Theo bản án số 281/2019/HC-PT ngày 21/5/2019, TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn Trung và bà Nguyễn Thị Lan Hạ hủy một phần Quyết định số 5763/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 của UBND quận Bình Thạnh về việc áp giá bồi thường 54 triệu đồng/m2 đối với phần diện tích đất của ông bà bị thu hồi để giao cho Công ty Thanh niên xung phong đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng Lô 13 – 14 tại phường 22, quận Bình Thạnh.
Nhưng UBND quận Bình Thạnh không thi hành án dù bản án đã có hiệu lực hơn một năm và thời hạn thi hành án tự nguyện đã hết.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ thi hành án, ngày 23/7/2020, phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND quận Bình Thạnh. Ngày 05/8/2020, UBND quận Bình Thạnh đã có văn bản thông tin liên quan đến thi hành án hành chính.
Theo nội dung văn bản này, UBND quận Bình Thạnh cho rằng, việc tuyên xử của TAND Cấp cao tại TP HCM tại bản án phúc thẩm số 281/2019/HC-PT không phù hợp với quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và những tình tiết khách quan cần xác định vị trí, thời gian thẩm tra, xác minh tính pháp lý và nguồn gốc đất.
Với những lý lẽ nêu trên, UBND quận Bình Thạnh đã có văn bản số 2976/UBND-BTGPMB ngày 07/8/2019 gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm và kiến nghị ban hành quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm số 281/2019/HC-PT.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ văn bản nào của TAND tối cao và VKSND tối cao về việc tạm dừng thi hành án.
Thể hiện quan điểm không đồng tình với lý do của UBND quận Bình Thạnh đưa ra, Luật sư Võ Thái Hòa – Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, không có quy định pháp luật nào cho phép người phải thi hành án khi có đơn yêu cầu giám đốc thẩm đối với bản án thì được quyền không thi hành bản án.
Việc hoãn hay tạm đình chỉ thực hiện bản án có hiệu lực phải tuân theo quy định pháp luật cụ thể căn cứ vào Luật Tố tụng hành chính. Bản án số 281/2019/HC-PT được TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên ngày 21/5/2019.
"Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay bản án này đã có hiệu lực pháp luật được hơn một năm nhưng phía UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa thi hành án là vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính", luật sư Hòa phân tích.
Trao đổi về việc này Cục Thi hành án dân sự TP HCM cho biết, quá trình theo dõi án hành chính, Cục thi hành án dân sự TP HCM đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật.
|
Ông Nguyễn Tấn Trung vẫn đang mòn mỏi chờ đợi “công lý” được thực thi |
Theo đó, căn cứ Luật Tố tụng hành chính 2015, ngày 04/9/2019, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã ra văn bản thông báo số 10242/TB-THADS về việc tự nguyện thi hành án gửi cho UBND quận Bình Thạnh, trong đó nêu rõ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của TAND Cấp cao tại TP HCM, UBND quận Bình Thạnh phải tổ chức thi hành các điều khoản nêu trong bản án.
Đến nay, sau gần một năm khi có thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa có động tĩnh nào cho thấy tự nguyện thi hành án.
“Hiện nay, Cục thi hành án dân sự TP HCM chưa nhận được Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa và văn bản thông báo kết quả thi hành án đối với bản án nêu trên của UBND quận Bình Thạnh”, văn bản nêu rõ.
Là cơ quan nhà nước nhưng UBND quận Bình Thạnh đã không thượng tôn pháp luật, không thi hành bản án có hiệu lực pháp luật. Việc làm này của UBND quận Bình Thạnh có tạo ra tiền lệ cho tổ chức, cá nhân khác bất tuân pháp luật hay không, trách nhiệm trả lời thuộc về chính cơ quan này và UBND TP Hồ Chí Minh.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.