Vụ chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng: Cựu chủ tịch SMES khai gì tại tòa?

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 10/5, phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Chứng khoán SME (viết tắt là SMES) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo buộc, Phạm Minh Tuấn (SN 1974, cựu TGĐ SMES), Phan Huy Chí (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ SMES) đã sử dụng thủ đoạn gian dối trong việc tạo dựng khách hàng, đưa các mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng ủy thác, cầm cố… để chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng, trong đó có việc chiếm đoạt hơn 107 tỷ đồng của Tcty CP bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI).

Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Huy Chí phủ nhận cáo buộc. Sau đó, bị cáo Chí khẳng định mình không đề ra chủ trương, bàn bạc hay chỉ đạo thuộc cấp, cũng không ký hợp đồng đầu tư chứng khoán với PVI.

Theo lời khai của bị cáo Chí, SMES cần vay tiền PVI nhưng PVI là công ty bảo hiểm, không có chức năng cho vay nên phải hợp thức bằng tạo dựng hai hợp đồng chứng khoán niêm yết. Toàn bộ thủ tục do trung gian môi giới là Cty FIT thực hiện. “Thực tế đây là giao dịch vay tiền dân sự, bị cáo không thấy mình sai”, bị cáo Chí nói.

Khi bị HĐXX truy vấn: “Đây là lần đầu làm ăn với PVI, cũng không có bàn bạc gì với Tuấn, tại sao bị cáo với Tuấn, mỗi người lại biết mà chiếm, sử dụng tiền của một khách hàng một cách gọn gàng, không trùng nhau như thế?”, bị cáo Chí nói “chắc hẳn là một sự tình cờ”.

Tiếp lời, cựu chủ tịch SMES cho rằng việc tạo dựng khách hàng, khống mã chứng khoán... không nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVI mà có sự thống nhất của hai bên, hợp thức việc PVI cho SME vay tiền. “Hai hợp đồng trên thực chất là giao dịch dân sự bị vô hiệu do giả tạo”, bị cáo Chí phân trần rồi nói trước phiên xét xử đã trả đủ tiền cho PVI, do đó ông không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài chiếm đoạt của PVI hơn 107 tỷ đồng, cơ quan chức năng còn cáo buộc Phan Huy Chí và Phạm Minh Tuấn cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của Cty CP ĐTTC công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) số tiền hơn 111 tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo Tuấn biết PVFI có khoảng 200 tỷ đồng hợp tác chứng khoán. Tuấn báo cáo và được Chí đồng ý huy động vốn thông qua hợp đồng hợp tác chứng khoán. Sau đó, Tuấn giao cho nhân viên là Nguyễn Phương Lan và Nguyễn Huy Sơn tạo dựng hồ sơ khống khách hàng.

Để thực hiện hành vi, Lan và Nguyễn Thái Duy đã nhập chứng khoán khống của 6 khách hàng, tạo sao kê “ảo” để SMES đưa vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán. Ngày 3/11/2010, SMES ký hợp đồng 3 bên gồm SMES, PVFI và 4 khách hàng “ảo” với tổng số tiền đầu tư gần 200 tỷ đồng. Thực chất 4 khách hàng này là nhân viên của SMES.

Theo đó, PVFI phải góp vốn 79 tỷ đồng. Hợp đồng thể hiện mức lợi nhuận 16,56%/năm. Thực hiện hợp đồng, ngày 4/11/2010, PVFI chuyển 79,7 tỷ đồng vào tài khoản của 4 khách hàng trên. Tiếp đó, các bị cáo ký các hợp đồng môi giới trái phiếu, ủy thác quản lý vốn rồi nguồn tiền trở lại SMES…

Trong cáo buộc này, bị cáo Chí tiếp tục khẳng định mình không chiếm đoạt tiền, không lừa đảo và hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán thực chất là để “đảo nợ”. Bị cáo khai, giữa SMES và PVFI có quan hệ hợp tác kéo dài nhiều năm, gồm nhiều hợp đồng, hợp đồng sau gối hợp đồng trước. Bản chất là vay tiền dưới dạng ủy thác vốn.

Trong khi đó, đại diện PVFI cho hay, hiện SMES đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PVFI. Trên sổ cổ đông của PFVI có thể hiện SMES là cổ đông. PVFI đã từng khởi kiện ra TAND TP Hà Nội về số cổ phiếu này. Tuy nhiên, hiện trạng số cổ phiếu này được SMES cầm cố cho ngân hàng. TAND TP Hà Nội đang tạm đình chỉ vụ kiện này để chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Đọc thêm