Vì sao chọn phương án “chôn” dưới đáy?
Theo Bộ GTVT, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một phần của Dự án WB6 được phê duyệt tại Quyết định 883/QĐ-BGTVT ngày 4/4/2008 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 3961/QĐ-BGTVT ngày 9/12/2016. Còn dự án Nhà máy nước được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 2194/QĐ-UBND ngày 26/10/2015.
Căn cứ hồ sơ thiết kế cơ sở, Bộ GTVT cho rằng, dự án Nhà máy nước của Cty Mai Thanh được phê duyệt sau dự án WB6 và triển khai thi công xây dựng sau thời điểm BQL các dự án Đường thủy tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao cho địa phương ngày 3/8/2015 để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Vì vậy, hệ thống đường ống nước của Cty Mai Thanh không có trong danh mục các công trình hoàn trả trong các quyết định phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh dự án của Bộ”, Bộ GTVT xác nhận.
Cần phải nhắc lại, tại Quyết định 5029/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, UBND Nghĩa Hưng cũng không hề đề cập đến công trình nước sạch của Cty Mai Thanh. Phải đến ngày 16/6/2021, UBND huyện này mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB.
Giải thích về việc bổ sung hệ thống đường ống nước của Cty Mai Thanh, Bộ GTVT cho rằng: Do tháng 3/2019 dự án mới được bố trí vốn đầu tư công trung hạn nên ngày 1/8/2019 UBND huyện Nghĩa Hưng có Thông báo 328/TB-UBND thông báo thu hồi đất lần 2 (thay thế thông báo thu hồi đất lần 1 ban hành trước đó). “Công tác đo đạc, kiểm đếm của hội đồng GPMB bắt đầu từ tháng 6/2019. UBND tỉnh Nam Định đã căn cứ theo điều kiện thực tế để bổ sung, thực hiện đền bù đường ống nước trong công tác GPMB dự án WB6”, Bộ GTVT lý giải.
Đáng chú ý, về phương án hoàn trả đường ống nước, trong văn bản trả lời, Bộ GTVT nói rằng, phương án đường ống nước đi trên cầu là không khả thi. Theo Bộ này, tại thời điểm bổ sung hoàn trả hạng mục đường ống nước của Cty Mai Thanh vào công tác GPMB, mọi thủ tục, hồ sơ thiết kế, đấu thầu công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ về cơ bản đã hoàn thành. Trường hợp điều chỉnh lại thiết kế cầu để ống nước đi qua sẽ phải bổ sung hợp đồng tư vấn thiết kế, bổ sung kinh phí, thủ tục gia hạn hợp đồng phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Bộ này còn cho biết thời điểm đề xuất phương án, BQL các dự án Đường thủy đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tính toán và khẳng định phương án đi theo công trình cầu là không khả thi do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Với phương án làm cầu riêng biệt, theo Bộ GTVT, tuyến ống vượt qua kênh bằng dàn thép đặt trên các trụ bê tông cốt thép với nhịp chính vượt qua kênh dài 120m (đảm bảo tĩnh không thông thuyền cao 15m) dùng cáp dây võng treo dàn thép đặt trên các trụ bê tông cốt thép với nhịp chính vượt qua kênh đai 120m (đảm bảo tĩnh không thông thuyền 15m) dùng cáp dây võng treo dàn thép chi phí lớn (giá trị dự toán khoảng 24 tỷ).
Mặc dù phương án này thuận lợi hơn trong quá trình duy tu, bảo dưỡng, xử lý sự cố trong quá trình khai thác. Nhưng nhược điểm là quá trình vận hành khó khăn do tĩnh không lớn, không đảm bảo mỹ quan, có thể gây mất an toàn cho tàu thuyền lưu thông trong quá trình khai thác và phải bổ sung hệ thống bơm tăng áp dẫn đến chi phí vận hành phát sinh lớn.
Về phương án đi ngầm qua kênh, sử dụng 2 đường ống inox chất lượng cao đi ngầm qua kênh (giá trị dự toán khoảng 9,5 tỷ). Ưu điểm là kinh phí thấp, đảm bảo mỹ quan, an toàn cho tàu lưu thông trong quá trình vận hành, khai thác. Tuy nhiên, do đi ngầm, Bộ GTVT cũng thừa nhận, phương án này sẽ khó khăn hơn trong quá trình xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố.
Bộ này nêu quan điểm, với việc có thêm một đường ống dự phòng, việc khắc phục, xử lý sự cố (nếu có) trong quá trình vận hành khai thác là có thể thực hiện được… Do đó, việc UBND huyện Nghĩa Hưng lựa chọn phương án hoàn trả đường ống nước đi ngầm dưới đáy kênh “là phù hợp”.
Mong muốn được rà soát lại
Phản hồi văn bản của Bộ GTVT, bà Nguyễn Thị Thanh, GĐ Cty Mai Thanh, cho biết: Dự án Nhà máy nước của Cty Mai Thanh, sau khi được các sở, ngành tham mưu, có ý kiến, UBND tỉnh Nam Định mới ban hành các quyết định cho phép triển khai nên phải được coi là hợp pháp, chưa kể còn phát huy hiệu quả cho địa phương.
Cty Mai Thanh tiếp tục kiến nghị công trình hoàn trả phải xem xét đáp ứng 2 yêu cầu. Thứ nhất, cần được đánh giá lại ĐTM của dự án WB6 để có cơ sở kết luận việc đào kênh nối Đáy – Ninh Cơ sẽ kéo nguồn nước nhiễm mặn sát vào hồ chứa nước nguyên liệu của dự án nước sạch (từ khoảng cách 40km còn 6km) sẽ tác động môi trường ra sao tới toàn bộ dự án Nhà máy nước của Cty Mai Thanh. Vấn đề này cần sự tham gia ý kiến của Bộ TN&MT.
Thứ hai, công trình hoàn trả đường ống nước sạch đi qua kênh nối Đáy – Ninh Cơ cũng cần được xem xét thiết kế theo phương án đi nổi trên mặt cầu hoặc cạnh thành cầu là phương án tối ưu nhất về kinh tế, kỹ thuật, đảm bảo tính tương đương về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. “Việc không thực hiện được 2 yêu cầu trên là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Mai Thanh. Lỗi thuộc về Bộ GTVT hay của UBND tỉnh Nam Định, chúng tôi không dám bàn tới, nhưng chắc chắc là không phải của Cty Mai Thanh”, bà Thanh nói.
Trong đơn gửi các cơ quan Trung ương, Cty Mai Thanh mong muốn: Với trách nhiệm là cơ quan quyết định đầu tư dự án WB6, Bộ GTVT cần xem xét lại tính hợp pháp và được pháp luật ưu tiên bảo vệ của dự án Nhà máy nước của Cty Mai Thanh; cũng như vì sức khỏe và lợi ích của hàng trăm ngàn người dân vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng, Bộ cần tính toán một lần nữa phương án hoàn trả hệ thống đường ống nước sạch đi nổi qua cầu bằng cách chia nhỏ đường ống, hoặc phương án khác, thay cho phương án đi ngầm đầy rủi ro mà Cty Mai Thanh đang bị “ép” phải nhận.