Tuy nhiên, nhiều chứng cứ cho thấy, việc Hoa đập bản dao vào má con nợ không nhằm để đòi tiền ngay lúc đó. Hơn nữa, việc con nợ có lâm vào tình trạng “không thể chống cự ” hay không cần phải được đánh giá lại.
Đánh con nợ do bức xúc?
Theo bản án sơ thẩm, từ cuối năm 2016 đến cuối tháng 10/2017, chị Nguyễn Thị Giản (SN 1971, thường trú tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - bán thịt lợn tại chợ Quỳnh Mai, phường Quỳnh Mai) có vay tiền của Hoa và còn nợ 420 triệu đồng.
Khoảng 11h ngày 31/10/2017, Hoa gặp chị Giản tại phố Quỳnh Mai để đòi chị này phải trả 200 triệu đồng. Chị Giản nói sẽ đi lấy tiền hàng để trả và hẹn đến 14h cùng ngày sẽ gặp Hoa. Đến hạn, không thấy chị Giản mang tiền đến trả nợ nên Hoa đã cầm 1 dao phay, đi bộ đến nơi chị Giản bán hàng. Tại đây, chị Giản nói không vay được tiền và xin trả dần. Hoa không đồng ý nên đã đập bản dao vào má trái của chị Giản để bắt chị Giản phải trả 200 triệu đồng.
Tòa cấp sơ thẩm cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Hoa đã sử dụng con dao là hung khí nguy hiểm đánh để buộc người bị hại sợ, phải “trả lại ngay” số tiền 200 triệu đồng. Từ đó, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Hoa 7 năm tù về tội “cướp tài sản”.
Trước phán quyết này, bị cáo Hoa đã có đơn kháng cáo cho rằng mình đã bị kết tội oan sai. Đồng tình với quan điểm này, Luật sư (LS) Phạm Xuân Thành (Văn phòng LS Á Đông, bào chữa cho bị cáo Hoa) cũng cho rằng, bị cáo Hoa không thực hiện hành vi cướp tài sản vì việc Hoa đập bản dao vào má chị Giản là do quá bức xúc trước thái độ chây ỳ của chị Giản. Ngoài nhiều lần thất hứa trước đó thì ngay trong ngày 31/10, chị Giản đã hứa qua nhà bị cáo lúc 14h để giải quyết nợ nần nhưng cũng không đến. Chiều 31/10/2017, trên đường từ nhà mẹ đẻ về nhà, Hoa tình cờ gặp chị Giản và chỉ yêu cầu sớm thu xếp trả nợ như cam kết.
Thực tế lúc đó, chị Giản cũng không thể có 200 triệu để trả nợ. Hoa biết điều này và hoàn toàn nhận thức được rằng, việc đòi được tiền của chị Giản ngay lúc đó là điều không thể. Hơn nữa, Hoa không hề buộc chị Giản phải giao bất kỳ tài sản để “gán nợ” hay buộc chị này phải về nhà lấy 200 triệu để trả nợ ngay lúc đó.
Bị hại có “lâm vào tình trạng “không thể chống cự”?
Bình luận về vụ án trên, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, một trong những dấu hiệu đặc trưng của tội “cướp tài sản” là việc bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được, bị tê liệt ý chí phản kháng và phải chấp nhận thực hiện yêu cầu của bị cáo về việc giao tài sản.
Tuy nhiên, Kết luận điều tra (KLĐT), Cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm đều không mô tả bị hại lâm “vào tình trạng không thể chống cự được” như thế nào. Ngược lại, các tài liệu này đều thể hiện, sau khi bị Hoa đập bản dao vào má thì chị Giản còn giằng co với bị cáo. Khi hai người đang giằng co thì được nhiều người vào can ngăn. Trong quá trình xô xát cũng như khi sự việc kết thúc, không hề có việc chị Giản lo sợ mà chấp nhận trả 200 triệu ngay cho bị cáo. Diễn biến trên cho thấy, bị hại không lâm vào tình trạng không thể chống cự được, hay bị bị tê liệt ý chí phản kháng mà phải chấp nhận trả nợ cho bị cáo.
Ngoài sự bất hợp lý trên thì hiện nay, hồ sơ vụ án cũng còn nhiều mâu thuẫn liên quan đến việc, bị cáo Hoa dùng bản dao đập vào má chị Giản để buộc chị này phải trả tiền ngay hay chỉ là đốc thúc trả nợ sớm.
Theo KLĐT thì bị cáo Hoa không hề có ý định đòi chị Giản phải trả tiền ngay lập tức. Cụ thể, sáng 31/10/2017, Hoa chỉ nói với chị Giản là “sắp đến hạn trả 200 triệu đồng, chị lo thu xếp trả cho em”. Chiều cùng ngày, khi gặp chị Giản, Hoa cũng chỉ nói “Thế tiền của em ngày mai chị tính thế nào?”. Sau khi xảy ra xô xát, Hoa gọi điện cho chồng chị Giản nói “Ngày mai anh không có 200 triệu thì không xong”.
Cũng theo KLĐT thì “đầu tháng 9/2017, chị Giản hứa sau hai tháng sẽ trả cho Hoa 200 triệu đồng”. Tức là tới đầu tháng 11/2017 thì mới đến hạn chị Giản trả nợ. Như vậy, có thể thấy việc ngày 31/10/2017, Hoa không hề có ý định đòi tiền ngay, không có ý định chiếm đoạt tài sản của chị Giản mà chỉ là đốc thúc chị này trả nợ vào ngày hôm sau (1/11).
Theo một số chuyên gia pháp lý, nếu có việc Hoa có đánh chị Giản để yêu cầu trả 200 triệu vào hôm sau thì hành vi này cũng không có dấu hiệu tội “cướp tài sản” vì thông thường, hành vi chiếm đoạt tiền phải diễn ra đồng thời hoặc ngay sau khi dùng vũ lực nên bị hại không có cơ hội, thời gian phản kháng. Còn nếu hành vi dùng vũ lực và chiếm đoạt cách nhau cả chục tiếng đồng hồ như trên thì không thể nói chị Giản “lâm vào tình trạng không thể chống cự” được.
Đáng nói, tuy KLĐT đều trích dẫn lời nói của bị cáo thể hiện việc đòi tiền vào “ngày mai” nhưng không hiểu sao, Cáo trạng và Bản án đều cho rằng, Hoa buộc chị Giản phải trả nợ “hôm nay” (tức ngày 31/10)
Thiết nghĩ, những chứng cứ liên quan đến mục đích sử dụng vũ lực của Hoa cũng như tình tiết “hôm nay trả tiền” hay “ngày mai trả tiền” là rất quan trọng trong việc xác định tội danh của bị cáo. Hy vọng những tình tiết đang có mâu thuẫn này sẽ được HĐXX phúc thẩm làm rõ trong phiên tòa tới đây.