Tử vong sau cuộc ẩu đả
Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Giao Thủy và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nam Định, khoảng 17h ngày 1/1/2022, ông Trần Văn Sơn (SN 1960, quê xã Giao Châu) đi xe máy đến khu vực chòi cá của bị cáo Trịnh Xuân Triều (SN 1974) để giải quyết mâu thuẫn trong việc sử dụng đầm nuôi cá.
Sau khi lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra xô xát, đánh đấm vào mặt nhau. Khi thấy ông Sơn lao vào đánh, Triều dùng tay phải hất mạnh vào người ông Sơn làm nạn nhân bị mất đà, loạng choạng rồi ngã ngửa ra sau. Vùng đầu của ông Sơn đập xuống nền sân bê tông.
Thấy ông Sơn có dấu hiệu khó thở, Triều nhờ anh Quyền (lái máy xúc) khiêng nạn nhân vào nằm trong giường rồi gọi taxi đưa đi cấp cứu. Đến trưa 2/1/2022 thì ông Sơn bị tử vong do chấn thương sọ não, vỡ xương hộp sọ, chảy máu nội sọ.
Giám định thể hiện nạn nhân bị vỡ xương hộp sọ vùng “thái dương - đỉnh phải” (đường vỡ ngang qua khe khớp thái dương - đỉnh phải dài 12cm).
Cho rằng Triều không cố ý giết ông Sơn, cả TAND huyện Giao Thủy và TAND tỉnh Nam Định đều tuyên phạt Triều 8 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, dù phía bị hại và luật sư (LS) nhiều lần đề nghị trả hồ sơ để làm rõ dấu hiệu sót người, lọt tội do nhiều vết thương khác vẫn chưa rõ ai gây ra.
Phát biểu tại phiên toà thẩm, LS Hoàng Thị Vịnh (VPLS Yên Vệ, Đoàn LS tỉnh Nam Định - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại) khẳng định, “vùng đỉnh - chẩm phải” và vùng “thái dương - đỉnh phải” (vị trí vỡ xương sọ) là hai nơi cách xa nhau. Đồng thời, kích thước hai vết cũng khác nhau (một vết dài 11cm, một vết dài 12cm) và vết thương vỡ sợ không có dấu hiệu lan tỏa. Như vậy, cho đến hiện tại thì cơ quan giám định mới chỉ kết luận về nguyên nhân hình thành với vết thương “vùng đỉnh - chẩm phải” là do đầu “va đập xuống nền bê tông”. Còn vết thương gây vỡ xương sọ (dài 12cm) của bị hại tại vùng “thái dương - đỉnh phải” thì đã chưa được hoặc kết luận rõ nguyên nhân do đâu, thủ phạm là ai, trong khi đây là nguyên nhân chính gây nên cái chết cho bị hại.
LS Vịnh cho rằng, với việc điều tra và hồ sơ như trên thì có thể thấy, mới chỉ kết luận được Triều gây ra vết thương “vùng đỉnh - chẩm phải”; chưa có chứng cứ khẳng định Triều gây ra vết thương chí mạng vùng “thái dương - đỉnh phải”.
Ngã 1 lần nhưng bị cả… chục vết thương
LS chỉ ra, cùng với đó, hàng loạt vết thương khác trên vùng trán, vùng đầu nạn nhân (được ghi nhận trong biên bản giám định pháp y tử thi) cũng chưa được làm rõ nguyên nhân, chưa rõ thủ phạm như: Vết thương “Tụ máu dưới da cơ vùng trán - đỉnh phải”; “Tụ máu dưới màng cứng toàn bộ vùng thái dương - đỉnh trái”; “Tụ máu nhẹ dưới da cơ vùng trán - thái dương”; “Phía sau tai trái bầm tím tụ máu”; “Vai trái sưng nề bầm tím”; “Mặt trước, trong 1/3 giữa đùi trái bầm tím tụ máu”; “Vùng bụng phải có vết thay đổi màu sắc da”; “Mặt sau 1/3 trên cẳng tay phải bầm tím trợt da nông”; “Lồng ngực hai bên rải rác có các vết bầm tím”.
Hiện trường vụ án. |
Thậm chí, còn một số vết thương khác đã không được mô tả trong biên bản giám định pháp y tử thi, mà chỉ thể hiện ở bản ảnh, như: Vết thương “Trợt da, sưng nề bầm tím vùng chẩm”; “Trợt da vùng gáy – mang tai phải”…
Với phân tích trên, LS Vịnh và đại diện bị hại cho rằng, hàng loạt các vết thương của bị hại đã chưa được điều tra để làm rõ nguyên nhân, thủ phạm; không bị truy tố, xét xử là có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vi phạm nguyên tắc giải quyết vụ án.
Đồng thời, nếu chỉ có hai người vật lộn đấm đá bằmg tay không khoảng 15 phút (theo kết luận của cơ quan tố tụng); thì Triều khó có thể gây ra nhiều thương tích nghiêm trọng như trên. Vì vậy, cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung tránh bỏ lọt tội phạm, tránh gây oan cho bị cáo Triều.
Đồng thời, LS cũng đề nghị trả hồ sơ để làm rõ danh sách điện thoại của bị cáo thời điểm xảy ra vụ án để xác định chính xác thời gian bị hại bị đánh; xác định trước, trong và sau khi xảy ra xô xát, Triều có gọi điện cho ai không, có đồng phạm trong vụ án này hay không, cũng như làm rõ về tình tiết Triều hỗ trợ nạn nhân, gọi cấp cứu ra sao?
Trước một loạt đề nghị như trên, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Nam Định vẫn không chấp nhận đề nghị trên của LS và đại diện bị hại. HĐXX cho rằng “người đại diện hợp pháp của bị hại không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc vi phạm của Tòa cấp sơ thẩm” và căn cứ “Công văn trao đổi” giữa cơ quan giám định với CQĐT để bác bỏ kháng cáo của bị hại.
Công văn trao đổi về nội dung giám định “không đảm bảo về hình thức”:
Tại phiên tòa, LS nêu ý kiến, CQĐT và cơ quan giám định (Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Nam Định) sử dụng Công văn để thay văn bản có nội dung hỏi và trả lời về kết quả giám định là vi phạm tố tụng. Cụ thể, tại Công văn số 160/PC 09 ngày 23/3/2022, Phòng Kỹ thuật hình sự trả lời Công an huyện Giao Thủy rằng “Cánh tay, nắm đấm của tay người cũng là vật cứng. Với lực của cánh tay, nắm đấm của tay người có thể gây ra các vết thương trên”.
Tại phiên tòa, KSV xác nhận, “công văn trao đổi giữa CQĐT và cơ quan giám định như trên là không đảm bảo hình thức. Nhưng có thể căn cứ vào công văn để giải quyết vụ án mà không cần hủy bản án sơ thẩm vì có giám định lại cũng không thay đổi”.
Tuy nhiên, LS cho rằng, công văn trao đổi không phải là kết luận giám định nên không thể sử dụng. Kết luận giám định phải trên cơ cở xem xét, thảo luận của Hội đồng giám định; giám định viên phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Còn trao đổi bằng công văn thì không có các yếu tố này. Đã vậy, nội dung công văn còn có những nội dung rất quan trọng có tính chất định hướng điều tra và xác định bản chất vụ án như: “đánh người bằng hung khí hay bằng tay không”; hành vi của bị can là “giết người” hay “cố ý gây thương tích”…