Với những cáo buộc có dấu hiệu oan sai từ Viện kiểm sát TP Uông Bí, nhiều căn cứ không đủ cơ sở để buộc tội đối với các bị cáo. Tuy nhiên, TAND TP Uông bí vẫn tuyên án đối với các bị cáo. Theo đó, 04 bị cáo Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Hùng Cường và Phạm Xuân Long bị tuyên về tội “Cố ý gây thương tích” với các mức án thấp nhất là 04 năm tù và cao nhất là 05 năm tù.
“Chí phèo” ăn vạ đẩy 4 con người vào tù?
Theo nội dung vụ án, vào ngày 14/11/2014, tại tổ 3 khu 4 phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xảy ra một vụ xô xát khoảng 15 đến 20 người, hậu quả ông Nguyễn Tiến Tùng, ông Hồ Sỹ Hùng, ông Vũ Văn Vương, bà Vũ Thị Hương phải đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó, sự việc được giải hòa ngày 14/01/2015, cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí đã ra kết luận vụ việc và ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Ngày 16/01/2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí ban hành Công văn số 15/KSĐT-HS thống nhất quan điểm giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra.
Xuyên suốt quá trình điều tra đến khi ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự (từ ngày 14/11/2014 đến ngày 14/01/2015) không có bất cứ bản Kết luận giám định thương tích nào được ban hành. Ngày 31/3/2015, Công an Thành phố Uông Bí đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Song Hào, Nguyễn Hùng Cường và Phạm Xuân Long về hành vi “Xâm hại sức khỏe người khác” (Không dựa trên bất cứ bản Kết luận giám định thương tích nào).
Tuy nhiên, ngày 26/5/2017, (sau hơn 02 năm kể từ khi Cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự), bà Hương bất ngờ có đơn đề nghị Cơ quan Csđt Công an thành phố Uông Bí và VKS TP Uông Bí xác minh, điều tra, xử lý lại vụ việc xảy ra ngày 14/11/2014, nêu trên và đề nghị khởi tố, xử lý hình sự đối với Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Song Hào, Nguyễn Hùng Cường và Phạm Xuân Long đánh gây thương tích cho ông Hùng, ông Vương và bà Hương. Sau đó, ngày 30/5/2017, Cơ quan điều tra Công an Thành phố Uông Bí có công văn số 461 gửi Trung tâm giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh làm rõ việc giám định pháp y đối với các bị hại trên.
Ngày 31/5/2017, Trung tâm giám định pháp y đã có công văn trả lời cho Cơ quan điều tra Công an Thành phố Uông Bí với nội dung đầy bất ngờ: “Bản kết luận giám định thương tích của ông Hùng, bà Hương, ông Vương đã có từ ngày 13/1/2015” với tỷ lệ thương tích là: ông Hùng 36%; ông Vương 9%; bà Hương 0%.
Dựa vào các bản Kết luận giám định thương tích có từ ngày 13/1/2015 nêu trên, ngày 12/6/2017, Viện KSND Thành phố Uông Bí ra quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15 ngày 14/01/2015 của Cơ quan điều tra Công an Thành phố Uông Bí. Đồng thời, ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01 về tội “Cố ý gây thương tích”.
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích không có giá trị pháp lý? |
Cố tình kết án dựa trên bản kết luận giám định không có giá trị pháp lý?
Trong phiên xét xử sơ thẩm, luật sư bào chữa cho các bị cáo có cùng quan điểm không đồng ý với tội danh và hình phạt như đại diện VKS đề nghị. Bởi lẽ, theo các luật sư, vật chứng trong vụ án không thu giữ được, dấu vết không có để xem xét; biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/11/2014 không có giá trị pháp lý vì biên bản này thực hiện khi chưa có quyết định khởi tố vụ án; hai biên bản khám nghiệm về sau cũng không thể hiện được vật chứng mà Tùng đánh anh Hùng để lại trên hiện trường là gì. Trong quá trình điều tra không tiến hành thực nghiệm hiện trường.
Lời khai của bị cáo, bị hại, nhân chứng trong vụ án có nhiều mâu thuẫn nhưng không tiến hành đối chất để làm rõ và không xác định được bị cáo nào đã gây ra thương tích nào cho bị hại. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Tùng còn đưa ra ý kiến về việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố nên cần truy tìm 15 đến 20 đối tượng đánh anh Hùng theo lời khai của anh Hùng và chị Hương; xem xét hành vi cố ý gây thương tích và giết người của anh Hùng và chị Hương trong việc đâm xe vào người, chém vào đầu bị cáo Tùng.
Luật sư này cũng đề nghị HĐXX xem xét dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp của cơ quan tiến hành tố tụng TP Uông Bí và cơ quan giám định; có dấu hiệu không khách quan của HĐXX khi không triệu tập bị hại Hùng đến phiên toà để luật sư hỏi. Tiếp đến, bản kết luận pháp y của Phòng giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh ngày 13/1/2015 không thể coi là chứng cứ của vụ án.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tùng cho rằng, bản kết luận pháp y xác định anh Hùng bị tổn hại 36% sức khoẻ là trái pháp luật vì cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí đã xác định tài liệu tiến hành giám định chưa đảm bảo. “Tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng Thành phố Uông Bí lại dùng bản Kết luận giám định mà chính bản thân Cơ quan điều tra Thành phố Uông Bí đã xác định là “chưa đảm bảo đầy đủ tài liệu theo quy định của khoản 1, Điều 33 của Luật Giám định tư pháp, phần 1, Quy trình giám định pháp y được ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT” để truy tố, xét xử các bị cáo ? Và có hay không việc cố ý bỏ lọt tội phạm đối với Vũ Thị Hương và Hồ Sỹ Hùng về hành vi “Cố ý gây thương tích” trong vụ án này.