Vụ Cố ý gây thương tích tại Sóc Sơn: Bị hại “đau đầu, chóng mặt, buồn nôn” do đâu?

(PLO) - Dù cơ quan giám định đã lần lượt “giảm” tỷ lệ thương tích của bị hại từ 25%, xuống 15%, rồi 2% nhưng ba bố con bị cáo Đỗ Phương Nhỡ (SN 1950, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn kêu oan và khẳng định việc giám định là không đúng quy định, thiếu khách quan…
Bị cáo Đỗ Phương Nhỡ bị đánh vào đầu tổn hại 5% sức khỏe trong vụ xô sát với hàng xóm nhưng CQĐT không làm rõ được thủ phạm
Bị cáo Đỗ Phương Nhỡ bị đánh vào đầu tổn hại 5% sức khỏe trong vụ xô sát với hàng xóm nhưng CQĐT không làm rõ được thủ phạm

Giám định sai, hai lần phải giảm tỷ lệ thương tích

Theo Cáo trạng của VKSND huyện Sóc Sơn, xuất phát từ tranh chấp đất đai, chiều 6/5/2014, bị cáo Đỗ Phương Nhỡ (SN 1950) cùng con trai là Đỗ Phương Hòa đã dùng gậy gỗ, Đỗ Phương Hạnh (anh Hòa) dùng chiếc A (đều là hung khí nguy hiểm đánh vào vùng đầu chị Bùi Thị Thu Thương (hàng xóm) làm chị này bị tổn hại 2% sức khỏe.

Đáng nói, theo kết luận giám định (KLGĐ) lần đầu (năm 2014) của Trung tâm pháp y (TTPY) Hà Nội thì chị Thương bị tổn hại tới 25% sức khỏe do bị coi là “chấn thương vùng đầu gây máu tụ trong bán cầu não trái”. Tuy nhiên, Sau khi có tố cáo của bị cáo và kiến nghị của luật sư về dấu hiệu gian dối trong giám định (bị hại không chụp CT tại Bệnh viện 354), CQĐT Công an  huyện Sóc Sơn và VKSND huyện Sóc Sơn đã phải thừa nhận chị Thương không hề bị “tụ máu trong bán cầu não” như KLGĐ pháp y lần đầu. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này vẫn cáo buộc 3 bố con ông Nhỡ có hành vi cố ý gây thương tích vì cho rằng bị hại bị tổn hại 15% sức khỏe do “hội chứng sau chấn động sọ não điều trị ổn định”. 

Cho rằng việc đưa ra tỷ lệ thương tích là suy diễn và không đúng quy định, cả 3 bị cáo tiếp tục kêu oan khiến TAND huyện Sóc Sơn đã phải trả hồ sơ lần thứ 2, yêu cầu giám định lại để xác định thương tích của bị hại. Đến tháng 5/2016 Viện Pháp y Quốc gia (PYQG) có KLGĐ cho rằng chị Thương có “hội chứng chấn động não sau điều trị đã ổn định”, bị tổn hại 2% sức khỏe. Dựa vào kết luận này, CQĐT và VKSND huyện Sóc Sơn tiếp tục ra KLĐT và Cáo trạng truy tố 3 bố con ông Nhỡ về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều không chỉ ra được chị Thương bị ai đánh, đánh bằng vật gì và bị thương ở vị trí cụ thể nào trên vùng đầu…

Bị hại kể thế nào giám định viên tin thế đó?

Ngoài việc thiếu các chứng cứ kết tội cơ bản như trên thì hiện, các bị cáo và luật sư (LS) bào chữa đều cho rằng, dù đã tiến hành giám định lại thì KLGĐ của Viện PYQG vào tháng 5/2016 vẫn không đúng quy định bởi tài liệu mà CQĐT gửi kèm Quyết định trưng cầu giám định không đầy đủ (thiếu Bản sao hồ sơ bệnh án của bị hại Thương tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện 354, Bệnh viện Đại học Y; Thiếu biên bản ghi lời khai của bị can, bị cáo, nhân chứng…). Đồng thời, CQĐT còn gửi kèm cả giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện 354 trong khi giấy này đã được xác định là có “thương tích khống”…

Mâu thuẫn ở chỗ, bệnh án thể hiện chị Thương không có dấu hiệu chấn thương não (chụp CT ngày 6/5/2014 tại Bệnh viện Bắc Thăng Long thể hiện “không thấy hình ảnh bất thường nội sọ trên CT Scanner”; Bệnh án Bệnh viện 354 thể hiện “bệnh nhận tỉnh táo, làm theo y lệnh, Glasgow 15 điểm”) thì lấy đâu ra “hội chứng chấn động não” để chị Thương được “điều trị ổn định”?.

Đáng nói, tuy CQĐT không gửi kèm bản sao bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn và tại Bệnh viện 354 nhưng các giám định viên vẫn căn cứ vào hai hồ sơ bệnh án này để tiến hành giám định? Vậy, hai hồ sơ bệnh án này đã được “đến tay” các giám định viên bằng cách nào?  

Khám trực tiếp bị hại, các giám định viên kết luận “toàn thân không thấy có dấu vết bầm tím và không phát hiện di chứng chấn thương phần mềm; Vận động, cảm giác tứ chi bình thường, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, phản xạ gân xương hai bên đều nhau. Không có dấu hiệu tổn thương 12 đôi dây thần kinh sọ não; Điện não đồ không thấy biểu hiện bất thường trên điện não đồ…”.

Như vậy, các dấu hiệu khách quan hoàn toàn cho thấy bị hại không có chấn thương não hoặc bị cái gọi là “hội chứng sau chấn động sọ não điều trị ổn định”. Chỉ có một “bất thường” duy nhất từ “lời kể” của bị hại là “hay đau đầu, chóng mặt, buồn nôn”. 

Như vậy, việc kết luận bị hại bị “hội chứng chấn động não sau điều trị đã ổn định” là hoàn toàn dựa vào lời kể chủ quan của bị hại (tức là bị hại kể thế nào thì giám định viên tin thế đó) chứ không qua kết quả thăm khám khách quan? Hơn nữa, nếu cho rằng chuyện bị hại bị “đau đầu, chóng mặt, buồn nôn” là có thật thì cũng cần xác định nguyên nhân này là do đâu (do tuổi tác, do môi trường, do stress, do bệnh tật khác…) chứ không thể mặc nhiên coi ba bố con ông Nhỡ là thủ phạm của chuyện “đau đầu, chóng mặt” của chị Thương như trên./.

Đọc thêm