Phớt lờ quy định của pháp luật
Theo cáo trạng của VKSND và bản án sơ thẩm của TAND huyện Khoái Châu, các bị cáo gồm Nguyễn Thị Rộng (tức Hảo, SN 1929), Chu Văn Quý (SN 1964) và Nguyễn Văn Tập (SN 1975) cùng bị truy tố, xét xử về tội Hủy hoại tài sản theo quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự.
Đây là tội nằm trong nhóm tội có cấu thành vật chất. Nói cách khác, việc xác định giá trị tài sản bị hủy hoại là yếu tố quyết định cấu thành tội phạm. Theo quy định hiện hành, giá trị tài sản bị hủy hoại phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị khởi tố Hình sự.
Tuy nhiên, trong vụ án này, cơ quan CSĐT, Hội đồng định giá tài sản (HĐĐGTS) huyện Khoái Châu đã có những sai sót nghiêm trọng. Những sai phạm này đã được cấp phúc thẩm thẳng thắn chỉ ra.
Cụ thể: “… trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an (CA) huyện Khoái Châu đã không sử dụng các biện pháp điều tra hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để làm rõ những chứng cứ xác định giá trị tài sản bị hủy hoại của vụ án như:
- Không lấy lời khai của người bị hại và điều tra tại địa phương làm rõ mô hình sản xuất của người bị hại?
- Không xác minh tại Phòng nông nghiệp huyện Khoái Châu, cũng như Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện để làm rõ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lạc trồng xen canh?
- Không tổ chức cho HĐĐG xem tài sản hoặc mẫu tài sản và nghiên cứu các thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;
- Không điều tra, làm rõ các chi phí thực tế từ khi cày bừa, bón phân, gieo hạt… đến khi cây cao khoảng 10cm dẫn đến các khoản chi phi chưa được kiểm tra thực tế;
- Chưa xem xét: Giá trị thực tế của tài sản cần định giá thể hiện sự thiếu khách quan vi phạm điều 2 của Nghị định 26/2005/NĐ-CP quy định về nguyên tắc định giá tài sản: “1. Phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; 2. Trung thực, khách quan, công khai và kịp thời”.
- Về thành phần HĐĐG, tại biên bản định giá tài sản đã vi phạm quy định tại điều 6 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP.
- Trình tự thực hiện việc định giá tài sản không tuân thủ quy định tại điều 17 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP”.
Điều đáng nói, giữa một bên là người dân có trình độ, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong đó, bà cụ Rộng – người được xác định là chủ mưu thậm chí viết tên mình còn nguệch ngoạc không thành chữ. Với một bên là các cán bộ điều tra, định giá, được đào tạo, được Nhà nước giao phó trọng trách thi hành pháp luật nhưng lại có hàng loạt sai phạm, làm trái các quy định của pháp luật. Điều này khiến người dân không khỏi bức xúc, bất bình.
Có dấu hiệu lập “hồ sơ khống”
Không chỉ dừng lại ở hàng loạt sai phạm như đã nêu trên, quá trình tìm hiểu, xác minh của PV báo Câu chuyện Pháp luật còn phát hiện: hồ sơ định giá có dấu hiệu được “lập khống”. Cụ thể:
Biên bản định giá tài sản số 32/BB-ĐG ngày 21/9/2015 được lập tại trụ sở CA huyện Khoái Châu với thành phần HĐĐG gồm 2 thành viên là bà Trần Thị Thanh Hằng (trưởng phòng tài chính – kế hoạch (TC-KH) huyện Khoái Châu – PV) – Chủ tịch HĐ, bà Ngô Thị Minh Quyên (cán bộ phòng TC-KH) làm ủy viên và 2 thành phần mời là: ông Đỗ Bá Cường và ông Hoàng Văn Phúc.
Thế nhưng, tại Kết luận định giá tài sản số 32/KL-ĐG, HĐĐG lại chỉ còn 2 thành viên là bà Hằng và bà Quyên. Không chỉ “biến mất” 2 thành viên mà địa điểm định giá cũng được “hoán đổi” sang Phòng TC-KH huyện Khoái Châu. Đây là điều không bình thường bởi lẽ kết luật định giá phải căn cứ vào biên bản của HĐĐG.
Đặc biệt, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/3/2016, ngày 20/7/2016, phiên tòa phúc thẩm ngày 22/9/2016, ông Đỗ Bá Cường (trưởng thôn Nghi Xuyên) đều khẳng định, ông “không được tham gia HĐĐG, không biết 3 người có tên trong HĐĐG là ai, chưa bao giờ gặp họ và không tham gia HĐĐGTS”.
Ông Cường lý giải: “… có một người gọi tôi ra phòng công an xã Chí Tân hỏi về giá cả trông lạc và công lạc cao hay thấp, diện tích là bao nhiêu và có cho tôi ký vào biên bản đó”.
Ông Hoàng Văn Phúc thì cho hay: “việc có tên tôi trong biên bản định giá tài sản là do có người mang đến nhà nhờ ký giúp. Khi đó là vào buổi trưa, tôi mới đi làm về nên không đọc kỹ nội dung. Họ nói với tôi ký lại giúp họ vì hôm trước cậu Tuyến (công an huyện Khoái Châu – PV) làm sai hết”.
Ông Phúc còn cho biết, gia đình ông làm nghề kinh doanh giống cây trồng, “không trồng lạc nên không biết nhiều về quy trình trồng lạc cũng như giá trị đầu tư cho một sào lạc”.
Trả lời về nội dung này, bà Trần Thị Thanh Hằng lại “bao biện” rằng: “Họ (chỉ ông Cường và ông Phúc) đều biết chữ mà nếu không biết, còn phải đọc cho nghe rồi đưa tay điểm chỉ vào chứ có chữ ký, ghi đầy đủ họ tên ở đấy mà giờ lại bảo tôi chỉ biết ký chứ không biết nội dung gì thì tôi không đồng ý”.
Tuy nhiên trên đời này sự thật thì chỉ có một. Người có chức có quyền cũng không thể “cả vú lấp miệng em”. Cả ông Phúc, ông Cường đều khẳng định những điều các ông nói là đúng sự thật và xin “chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”. Có hay không việc “lập khống” hồ sơ là điều cần phải làm rõ? Nếu đúng thì đây là hành vi trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của hoạt động tố tụng cần phải xử lý nghiêm minh.
Và như đã nói, đối với hành vi của các bị can trong vụ án này, kết quả định giá có ý nghĩa quyết định đến việc có cấu thành tội hay không? Việc định giá có quá nhiều sai phạm như trên chính là nguyên nhân khiến cho sự việc bị hình sự hóa, đẩy mẹ - con, anh – em vào cảnh “nồi da xáo thịt”, làm mất đi ý nghĩa “tuyên truyền, giáo dục pháp luật” của pháp luật nước ta.
Huyện vi phạm luật tố cáo, công an không trả lời đơn
Bức xúc trước hành vi sai phạm của bà Hằng, bà Quyên, ông Nguyễn Văn Tập đã có đơn tố cáo gửi UBND huyện, CA huyện Khoái Châu nhưng đến nay, đã quá thời hạn phải ra thông báo thụ lý hoặc không thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo nhưng cả 2 cơ quan này đều “im lặng”.
Trong vụ án mà cả lý cả tình đều không thỏa đáng này, việc định giá ở cấp huyện đã có nhiều sai phạm nhưng “ngang trái” là mới đây, các bị cáo được điều tra viên thông báo kết quả định giá lại của HĐĐG cấp tỉnh còn cao hơn nữa (?!).
“Không lẽ sự thật lại một lần nữa không được làm sáng tỏ? phải chăng “ai đó” muốn ép những người dân đen chúng tôi vào đường cùng. Ép chúng tôi phải có tội để hợp thức hóa sai phạm, hợp thức hóa việc bắt giam với anh Quý”, ông Tập phẫn uất nói.
Không đồng tình với kết quả định giá lại này, ngày 25/9/2017, ông Tập đã có đơn đề nghị CA huyện Khoái Châu định giá lại tài sản bị thiệt hại trong vụ án nhưng không được trả lời.
Ngày 19/10/2017, ông Tập trực tiếp lên trụ sở CA huyện Khoái Châu nộp đơn. Tại đây, cán bộ công an trực ban sau khi xem đơn, yêu cầu phải xin xác nhận của chính quyền địa phương, ngày 23/10/2017, ông Tập tiếp tục gửi đơn đề nghị định giá lại tài sản.
Theo quy định tại khoản 2, điều 24, Nghị định số 26/2005/NĐ-CP: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải quyết định chấp nhận hoặc từ chối đề nghị yêu cầu định giá lại; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho người đề nghị”.
Thế nhưng, cho đến nay đã quá thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng CA Huyện Khoái Châu lại không hề có thông báo về việc chấp nhận hay từ chối đề nghị của người tham gia tố tụng. Đây không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Các bị cáo trong vụ án đã có nhiều đơn kêu cứu, kêu oan gửi đến các cơ quan trung ương, trong đó có Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng đã có chỉ đạo, thế nhưng việc làm của cơ quan điều tra, định giá lại một lần nữa khiến người dân thất vọng, mất niềm tin vào công lý, vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo cáo trạng ngày 25/1/2016 của VKSND huyện Khoái Châu, cách đây khoảng 10 năm, bà Rộng cho con trai là anh Hải và con dâu là chị Én thuê ruộng. Vì không muốn cho vợ chồng con trai tiếp tục thuê ruộng, bà Rộng đã đến nhà đưa cho chị Én 1 triệu đồng với ý định trả tiền lạc giống và công chăm sóc để đòi lại ruộng nhưng chị Én không nhận. Sáng 9/3/2015, bà bảo con trai đi thuê máy lồng ruộng đã trồng lạc trên.
Ngày 22/9/2016, TAND Tỉnh Hưng Yên đã xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.