“Nổ banh xác” hòng vay tiền
Hơn hai năm qua, bà Phạm Thị Ninh (SN 1967, KP Tân Thạnh, phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) buồn rầu vì tài sản gom góp chữa bệnh cho con nguy cơ không thể lấy lại. Vì không có tiền mà đứa con trai bị bệnh hiểm nghèo của bà đã mất. Xót xa hơn, từ ngày con mất, bà đã nhiều lần tự tử không thành vì trách bản thân mình.
Nguồn cơn sự việc bắt đầu vào giữa năm 2018, vì tình làng nghĩa xóm, nên khi vợ chồng ông Nguyễn Chí Dũng và bà Lê Thị Kim Trang (trước kia là chủ nhà hàng Kim Gia Trang, KP Tân Thạnh) trình bày, bà đã cho mượn 80 triệu đồng để làm vốn.
“Trước giờ họ ở đây có tiếng giàu có, sống tốt, lại có gia đình ở nước ngoài nên tôi mới cho mượn. Họ hứa một tuần trả, nhưng tháng 8/2018 họ bỏ trốn, không lấy lại được”, bà Ninh khóc.
|
Mang tiền cho vay rồi bị “xù” khiến con mất vì không có tiền chữa trị, bà Ninh nhiều lần tự trách mình, thậm chí tự vẫn nhưng không thành |
Cùng chung hoàn cảnh, gia đình bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (SN 1975) cũng đang oằn mình hàng tháng phải trả tiền gốc và lãi vì đã mượn của ngân hàng để cho ông Dũng, bà Trang vay.
“Nhà tôi là hàng xóm, nghĩ tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Không ngờ vợ chồng ông ấy lại lừa gia đình tôi như thế này. Bây giờ vợ chồng tôi suốt ngày cãi vã nhau vì chuyện tiền bạc. Nếu không đòi lại được chắc chắc tôi sống không nổi với chồng”, bà Nguyệt thẫn thờ.
Trong số 33 người tố cáo, người bị mất số tiền nhiều nhất là bà Phạm Thị Đào (SN 1956) với 3,6 tỷ. Bà cho biết, số tiền này bà bán đất và mượn con cháu trong nhà. Từ khi biết ông Dũng, bà Trang trốn nợ, bà bỏ hết công việc để đến từng cơ quan chức năng cầu cứu, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Tuổi đã cao, tôi không đi nổi nữa rồi. Chắc tôi phải bán nhà trả nợ thay”, bà khóc.
Theo những người tố cáo, vào tháng 8/2018, khi biết vợ chồng ông Dũng không có khả năng trả nợ, nhiều người đến đòi tiền, lúc này vợ chồng ông Dũng hứa “đợi tiền nước ngoài gửi về sẽ trả”. Thế nhưng chỉ trong vòng hai tháng vợ chồng họ đã bán nhà hàng Kim Gia Trang với tổng diện tích 2.494,8m2 cho ông Trần Văn Hưng và bà Đỗ Thị Quyên Quyên với tổng số tiền 12,7 tỷ đồng và “biến mất” khỏi địa phương.
Số tiền mà vợ chồng ông Dũng vay của người dân phường Xuân Đài ước tính hơn 11 tỷ đồng. “Toàn bộ tài sản của vợ chồng ông Dũng mà bán ra thì sẽ đủ trả nợ cho chúng tôi, nhưng tại sao vợ chồng họ lại chuyển nhượng cho người khác? Đây rõ ràng là hành vi tẩu tán tài sản, thể hiện việc có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả nợ của vợ chồng ông Dũng”, một người dân bức xúc.
Theo những nạn nhân, khi ông Hưng, bà Quyên mua tài sản này thì đã vỡ lở chuyện vợ chồng ông Dũng nợ nần, bị đòi tiền. Thế nhưng hai bên vẫn “bắt tay nhau” mua nhanh chóng hòng “tẩu tán tài sản”.
Tòa án Sông Cầu bị tố tiếp tay “tẩu tán tài sản”
Người dân cho rằng, vợ chồng ông Dũng có dấu hiệu “tẩu tán tài sản”, cố tình không trả nợ nên đã kiện ra TAND TX Sông Cầu.
Tại Quyết định số 37/2018/QDST-DS, tòa Sông Cầu cho rằng ông Hưng và bà Quyên (người mua tài sản của vợ chồng ông Dũng) đồng ý trả nợ thay cho ông Dũng và bà Trang với số tiền 480 triệu đồng cho bà Lê Thị Được (bà Được là người đại diện cho nhóm 33 nạn nhân đã cho gia đình ông Dũng vay tiền).
Một điều khó hiểu ở đây, trong 33 nạn nhân khởi kiện thì tòa Sông Cầu chỉ thỏa thuận với bà Được, còn các nạn nhân khác thì không.
Trong bản án này, khi vợ chồng ông Hưng, bà Quyên trả nợ cho bà Được thì “được toàn quyền sử dụng khối tài sản đã mua”. Tòa Sông Cầu sau đó giao tài sản của vợ chồng ông Dũng cho ông Hưng, bà Quyên sử dụng mà chưa giải quyết các đơn khiếu kiện của nguyên đơn khác. Trong khi đó, việc mua bán, chuyển nhượng thuộc thẩm quyền của UBND Sông Cầu.
Bức xúc với cách giải quyết của tòa Sông Cầu, những nguyên đơn còn lại đã gửi đơn đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 24/2019/DS-GĐT ngày 28/5/2019 về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định “hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 37/2018/QĐST-DS ngày 25/10/2018 của TAND TX Sông Cầu về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn bà Lê Thị Được với bị đơn là ông Nguyễn Chí Dũng và bà Lê Thị Kim Trang. Giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAND Sông Cầu để giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.
|
Quyết định giám đốc thẩm đánh giá tòa Sông Cầu đã xử lý sai vụ việc |
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng nhận định vào thời điểm ngày 17/8/2018, tòa Sông Cầu đã thụ lý Đơn khởi kiện của nhiều nguyên đơn yêu cầu vợ chồng ông Dũng trả nợ; thì sau đó vợ chồng ông Dũng lại ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho người khác là có hành vi “tẩu tán tài sản”; vì thực tế có 24 vụ án (với 24 nguyên đơn) không được hưởng tiền từ việc vợ chồng ông Hưng bán tài sản là nhà hàng Kim Gia Trang (tài sản duy nhất còn lại của vợ chồng ông Dũng).
Mặc khác, nhà hàng Kim Gia Trang chỉ được cấp phép xây dựng trên diện tích 332m2 đất ở; nhưng vợ chồng ông Dũng lại xây dựng trên diện tích 1.072m2 đất, trong đó 722m2 đất nông nghiệp và đã bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả (chuyển mục đích sử dụng và điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định); nhưng đến nay vợ chồng ông Dũng chưa thực hiện.
“TAND TX Sông Cầu ban hành Quyết định số 37/2018/QĐST-DS ngày 25/10/2018, công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng ông Dũng giao toàn bộ nhà, đất cho vợ chồng ông Hưng là trái pháp luật”, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nêu rõ.
Và đã hơn 8 tháng từ khi có Quyết định hủy bản án sơ thẩm, nhà hàng Kim Gia Trang (nay được đổi tên là Hòa Phát) vẫn hoạt động bình thường. “Để những người dân lao động không phải ngày ngày vác đơn kêu cứu khắp nơi vì bị lừa trắng tay trong oan ức, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cần khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc theo đúng pháp luật”, một nguyên đơn nói.
Tình hình phạm tội liên quan tới lĩnh vực ngân hàng diễn ra nghiêm trọng thời gian qua, nhiều thủ đoạn chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp thông tin để làm giả thẻ ngân hàng, thanh toán hàng hóa khống diễn ra với các thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn.
“Nhiều thiết bị skimming bị phát hiện lắp tại các máy ATM để chiếm đoạt thông tin; hàng triệu thẻ tín dụng giả bị phát hiện, thu giữ; người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng để rút tiền, thanh toán khống hàng hóa dịch vụ”, Bộ Công an nêu thực trạng đáng lo ngại.